Theo báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ GTVT trình Chính phủ để trình Quốc hội, tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2035, thời gian bố trí vốn khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thông tin thêm, với quy mô nền kinh tế, với mức nợ công như hiện nay, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính để đánh giá cả những chỉ tiêu tài chính vĩ mô.
Ngoài ra, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng cân đối vốn cũng như các đánh giá, tính toán khác. Từ đó cho thấy việc cân đối nguồn vốn và huy động nguồn vốn không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay.
Theo Bộ GTVT, quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Về khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT kiến nghị bổ sung một số cơ chế đặc thù. Cụ thể là trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn trong nước hợp pháp khác.
Dự án được bố trí đủ vốn qua nhiều kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, phù hợp với thời gian, tiến độ thực hiện dự án.
Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn được Quốc hội phê duyệt hàng năm…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng. Ảnh: VGP/Dương Tuấn. |
4 giải pháp huy động nguồn lực
Góp ý thêm về các giải pháp huy động nguồn lực, tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra 4 phương pháp huy động nguồn lực.
Phương pháp thứ nhất là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.
Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, lấy ngân sách trung ương làm vai trò chủ đạo.
Thứ hai, thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án.
Thứ ba, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư.
Thứ tư, huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.
Với những phương án huy động nguồn lực trên, ông Bùi Văn Khắng tin tưởng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt.
GS.TS Hoàng Văn Cường. Ảnh: Tư liệu. |
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng nhìn nhận cần phải xây dựng cơ chế đặc thù triển khai dự án này. Trong đó, mục tiêu đầu tiên là cần có cơ chế tập trung nguồn vốn.
Ông Cường nhấn mạnh, mặc dù dự án có nguồn vốn lớn nhưng phải tập trung ưu tiên, không được phép thiếu vốn trong quá trình triển khai.
Theo ông Cường, chúng ta phải tính đến giải pháp huy động vốn như: Tăng nợ công, phát hành trái phiếu Chính phủ huy động các nguồn lực trong nước, thậm chí có thể phát hành trái phiếu quốc tế để huy động nguồn lực quốc tế.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.