Ở phía nam của lưu vực sông Greater Zambezi, bao gồm phía bắc Botswana và một phần của Namibia và Zimbabwe, tổ tiên của Homo sapiens (tên khoa học của loài người hiện đại) đã xuất hiện từ 200.000 năm trước.
Nghiên cứu công bố trên chuyên san Nature hôm 28/10 cho thấy tổ tiên của con người hiện đại đã sinh sống ở khu vực này 70.000 năm trước khi biến đổi khí hậu khiến họ di cư ra khỏi châu Phi và cuối cùng là trên toàn thế giới.
Trước đó, một số mẫu hóa thạch cho thấy có khả năng con người hiện đại có nguồn gốc từ miền Đông châu Phi. Nhưng các bằng chứng ADN lại chỉ ra khu vực miền Nam châu Phi, gồm Botswana, mới là "quê hương" của loài người.
Nhà khoa học Vanessa Hayes (phải) trò chuyện với một người dân địa phương cung cấp mẫu máu cho xét nghiệm ADN. Ảnh: Chris Bennett. |
Vanessa Hayes, tác giả của nghiên cứu, nói với CNN: "Rõ ràng con người hiện đại đã xuất hiện ở châu Phi từ 200.000 năm trước. Nhưng điều gây tranh cãi là vị trí chính xác con người xuất hiện và các khu vực tiếp theo mà tổ tiên con người di dân đến. Chúng tôi đã có thể xác định chính xác 'quê hương' của con người".
Các nhà khoa học đã sử dụng ADN để xâu chuỗi thông tin và làm việc với người dân địa phương ở Namibia và Nam Phi để thu thập mẫu máu.
"ADN tích lũy những thay đổi qua các thế hệ từ tổ tiên của chúng ta. So sánh mã ADN hoàn chỉnh từ các cá nhân khác nhau giúp cung cấp thông tin về mức độ liên hệ giữa họ", bà Hayes nói.
Biến đổi khí hậu diễn ra khoảng 110.000 năm trước khiến con người bắt đầu di cư sớm và phân tán khỏi châu Phi. "Những người di cư đầu tiên vẫn để lại một nhóm nhỏ ở quê hương. Họ đã tìm cách thích nghi với vùng đất khô cằn ở đây và con cháu của họ hiện ở vùng Kalahari ngày nay", Axel Timmermann, đồng tác giả nghiên cứu, nói.