Người yêu muốn bỏ chồng để hàn gắn với tôi
Hơn một tháng kể từ ngày em kết hôn rồi sang Úc, khoảng thời gian thật kinh khủng với tôi, cuộc sống của tôi gần như đảo lộn tất cả.
Ảnh minh họa |
Em lấy chồng, mừng hay vui tôi cũng không phân biệt được, chỉ biết rằng hàng ngày, hàng giờ, trong giấc ngủ tôi nhớ em nhiều lắm, nhớ đến quay cuồng, đến đau thắt ruột gan. Nhớ tất cả, tất cả những gì em đã làm cho tôi, tôi nhớ lắm...
Hồi đó, tôi và em học cùng trường cao đẳng Bách Khoa, cùng một khóa học, cùng quê Nam Định. Là một trong những học sinh được kỳ vọng nhất ở lớp học phổ thông nhưng tôi lại phải vào trường cao đẳng. Bởi vậy, suốt thời gian đầu nhập học tôi vô cùng chán nản. Sách vở, giáo trình, những buổi lên giảng đường gần như là những thứ rất xa xỉ với tôi. Lớp học của tôi ngày ấy là những quán cà phê, là những bữa nhậu thâu đêm, là những buổi đánh nhau. Tôi có thể đánh một người cùng trường chỉ vì "gặp tao mà không chào à?" hay bắt một người phải nhảy xuống hồ nước dưới cái lạnh cắt da cắt thịt chỉ vì một cái "nhìn đểu". Tôi cũng không hiểu tại sao hồi đó tôi lại như thế, trong khi đó, với bố mẹ, anh em, thậm chí cô giáo chủ nhiệm lớp 12, tôi là một người hiền lành, ít nói và rất chăm chỉ.
Rồi tôi quen biết em, rất tình cờ, và sự xuất hiện của em làm cuộc đời tôi thay đổi. Những buổi đi nhậu với bạn bè thưa dần, những chiều ngồi quán cà phê tán dóc cũng ít đi, thay vào đó là những lần đi chơi, dạo quanh bờ hồ, những buổi dạo phố, những tối ngồi tâm sự cùng em. Và rồi cái gì đến cũng đến, đó là kết quả tất yếu của những chuỗi ngày sống không mục đích, không mục tiêu hướng tới, tôi có tên trong danh sách bị đình chỉ học tập trong học kỳ thứ tư. Khi đó, với tôi tất cả thật tồi tệ, vì tôi từng là niềm tự hào của cha mẹ, cô giáo chủ nhiệm. Nhưng rồi có em, em đã cùng tôi, giúp tôi vượt qua khó khăn. Em vạch ra cho tôi một kế hoạch trong 5 tháng sau đó: "Anh phải ôn thi, anh phải thi đỗ đại học!".
Em thuê riêng cho tôi một phòng, bảo tôi chuyển tới đó để tập trung tối đa vào việc ôn thi. Thời gian đầu đúng là rất khó khăn song em luôn ở bên động viên tôi, giúp tôi tất cả, hàng ngày nếu không lên lớp thì em đến phòng giúp tôi học tập, em không thi nhưng cũng cùng tôi giải các bài toán, bài lý. Em giúp tôi từ chuyện ăn ở, đến việc đi dạo cho khuây khỏa đầu óc sau một ngày bù đầu trong sách vở. Khi đi dạo, tôi rất thích vào quán cà phê nhưng lần nào em cũng từ chối. Em bảo thích ngồi bờ hồ nói chuyện, tâm sự hơn, với lại "anh còn phải tiết kiệm tiền để còn đi thi chứ!".
Thế đó, em lo cho tôi tất cả từ chuyện học hành tới chuyện đi thi. Tôi chỉ thấy em hơi buồn khi tôi đăng ký thi trong miền Nam, tuy nhiên em vẫn động viên: "Thi ở đâu thì anh cũng phải cố gắng, cố gắng hết sức!".
Những ngày tháng ôn thi cũng gần kết thúc, ngày thi cũng gần tới. Trước ngày lên đường vào Nam, em đến tặng tôi một món quà. Ban đầu tôi nghĩ đó là chiếc thiệp với lời chúc may mắn, nhưng khi mở ra, ngoài lời chúc may mắn còn kèm theo đó là chiếc vé tàu hạng VIP trị giá cả gần triệu đồng cùng một chiếc thẻ ATM. Tôi rất bất ngờ về điều này bởi trước đó tôi còn phải loay hoay dành dụm tiền vào Nam thi và tiền ăn ở trong đó. Chuyện này tôi giấu em nhưng có lẽ em vẫn cảm thấy được.
Trước khi lên tàu, tôi hỏi em một câu: "Nếu anh trượt em có buồn không?", em trả lời: "Anh trượt làm sao được, em tin ở anh mà!". Dường như câu nói của em tiếp thêm sức mạnh cho tôi rất nhiều. Rồi thì kỳ thi cũng kết thúc, những ngày tháng chờ đợi kết quả là chuổi thời gian tôi và em như ngồi trên đống lửa. Có lần tâm sự tôi hỏi em: "Nếu anh đậu đại học và phải vào Nam, em sẽ vui hay buồn?". "Tất nhiên là vui rồi!", em trả lời luôn, song trong ánh mắt em vẫn hiện lên một nỗi buồn khó tả.
Thời gian chờ đợi ấy, tôi thường xuyên đến nhà em chơi, có nhiều dịp tiếp xúc với ba má em. Sau lần em nói với ba má: "Ông xã của con đó" thì họ bắt đầu hỏi han về gia cảnh của tôi kỹ hơn. Một chiều khi em cùng chị gái về quê ngoại chơi, ba má em đã đến tận phòng tôi chơi. "Hai bác rất vui, rất mừng khi cháu và con gái bác quấn quýt bên nhau. Nhưng cháu à, hai bác đã vất vả cả một đời chỉ để cho con cái được cuộc sống sung túc. Bác muốn con gái mình sau này lấy một người tương xứng với nó... Ý của hai bác mong cháu hiểu. Tương lai của cháu còn dài, cháu còn phải đi học 4 đến 5 năm nữa, trong khi con gái bác sắp ra trường và nó sẽ về làm cùng bác ở sở điện lực. Mong cháu đừng cho con gái bác biết về cuộc nói chuyện này". Đó là những ý kiến mà bá má em thẳng thắn bày tỏ với tôi.
Tôi như chết đứng sau cuộc gặp hôm ấy. Tôi suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về bản thân mình, về gia cảnh mình, và tất nhiên, tôi không cho em biết về buổi chiều hôm đó. Sau những chuỗi ngày chờ đợi thì kết quả thi của tôi cũng đến. 23 điểm, một con số không đến nỗi tệ nhưng tôi vẫn trượt. Em lại một lần nữa động viên: "Mình còn cơ hội mà anh, còn nguyện vọng 2 nữa mà". Áp lực trong tôi lúc này dường như rất lớn, chuyện của hai đứa tôi vẫn chưa tìm ra cách giải quyết, rồi chuyện thi cử cũng chưa thấy đường ra. 23 điểm tôi không nghĩ là tôi sẽ phải ở nhà, nhưng sau buổi nói chuyện với ba má em, tôi lại suy nghĩ theo hướng khác.
Hoặc là nộp một trường ngoài Bắc để tiếp tục được gần em vì tôi cũng yêu em rất nhiều, hoặc học một nơi thật xa vì mình không xứng đáng để em phải hy sinh, chờ đợi nhiều như thế, em xứng đáng có một cuộc sống sung túc bên cạnh một người đàn ông như ba má em mong ước. Trong đầu tôi khi đó rất mâu thuẫn, tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Cuối cùng, tôi quyết định Nam tiến. Tôi nộp vào trường ĐH Nha Trang và quyết định chia tay em.
Em đã khóc rất nhiều và hỏi tại sao. "5 năm chờ đợi có lẽ là quá lâu với em, là sự hy sinh quá lớn với em, anh không xứng đáng cho sự hy sinh ấy", đó lời giải thích duy nhất tôi có thể nói với em. Rồi cũng đến ngày tôi lên xe vào Nha Trang, trước hôm đi tôi và em gặp nhau, em đã khóc, em ôm tôi rất lâu, rất chặt, chặt lắm. Em không nói gì về chuyện của tôi và em nữa, chỉ buồn bã nói: "Vào đó anh tìm một người yêu thật tốt để chăm sóc anh, anh không tự chăm sóc cho mình được đâu, nếu có nợ có duyên thì chúng mình sẽ gặp lại nhau!".
Vào Nha Trang, nhưng tôi và em vẫn giữ liên lạc với nhau qua mail, những lúc đó tôi chỉ mong được nhìn thấy em, ôm em, nhưng tôi không thể. Ở đây, tôi cũng tìm được một người (người đó tán tôi thì đúng hơn), nhưng tình cảm giữa tôi và cô ấy không tồn tại được lâu, vì trong tôi vẫn còn nghĩ rất nhiều về em. Tết năm đó (2006) là năm đầu tiên tôi ăn tết xa nhà. Nói là đi làm thêm nhưng thực chất tôi không về là để tránh em. Tôi sợ gặp em mặc dù nhớ em da diết.
Rồi tôi lao vào học, chỉ học để mong sao ra trường thật nhanh, để mong bớt gánh nặng cho ba mẹ. Và kết quả của những tháng ngày cố gắng đó là tôi sẽ được ra trường sớm hơn so với dự định một học kỳ. Nhưng vào thời điểm quan trọng nhất, chuyện của tôi và em ngày nào lại hiện về trước mắt. Tôi nhận được tấm thiệp hồng của em. Tất cả mọi thứ như đảo lộn hết. Nhiều buổi đi nhậu hơn, có những hôm 3-4h sáng, bạn bè còn phải ra bãi biển tìm tôi vì nhậu say không nhớ nổi đường về phòng. Thế đó, tôi không còn là chính tôi nữa. Đồ án tốt nghiệp tôi cũng không thiết làm, bỏ mặc tất cả, tôi không có hứng làm bất cứ một việc gì.
Ngày kết hôn của em tôi không đủ dũng cảm để về, không có đủ tự tin để gọi cho em một cuộc điện thoại chúc mừng. Khi em gọi tới lần thứ hai thì tôi mới dám bắt máy. Em hỏi tôi có mừng vui khi em lấy chồng, tôi không trả lời được. Em hỏi sao tôi không về, tôi viện lý do không đâu. Em hỏi tôi còn yêu em không, tôi cũng không trả lời thật lòng mình. Tôi còn yêu em, yêu em nhiều lắm. Tôi lại càng suy nghĩ nhiều hơn về những email em gửi. Dù giờ đã có gia đình và sang bên Úc định cư nhưng trong những bức thư ấy, em vẫn khẳng định: em sẽ từ bỏ tất cả nếu tôi và em quay lại với nhau, em sẽ về nước tiếp tục làm việc để chờ đợi tôi ra trường và cùng xây dựng tương lai cho hai đứa. Tôi phải làm sao bây giờ, trong đầu tôi lúc này rất mâu thuẫn, trước mắt tôi còn nguyên cả một đồ án tốt nghiệp mà tôi chưa làm tới đâu cả. Mong các bạn cho tôi một ý kiến. Cảm ơn các bạn, cảm ơn tòa soạn đã cho tôi giãi bày tâm sự.
khatien...@gmail.com