Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Cái Tết duy nhất theo bà về quê nội, đã không lần nào được lặp lại suốt tuổi thơ tôi. Không hiểu sao nó đã nằm ém nhẹm ở đáy tim, cũng không một lần tôi hồi nhớ.
Và bỗng nhiên nó trở về, theo nỗi nhớ hằn trong ký ức tuổi ba mươi lăm, khi tôi từ Việt Nam, năm 1986, sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh - Âm nhạc quốc gia Leningrad. Sau này, Liên Xô tan rã, năm 1991 thành Len đã lấy lại tên cũ, St. Petersburg, thủ đô cổ thời Sa hoàng. Nước Nga Xô viết đã thành Liên bang Nga SNG. Trường tôi cũng mang tên mới: Viện Sân khấu - Điện ảnh - Âm nhạc quốc gia St. Petersburg.
Vào năm Bính Dần 1986 ấy, thời tiết nước Nga lúc đó đã cuối thu đầu đông. Lần đầu trong đời, tôi nếm trải mùi vị xa xứ lâu năm, đúng lúc những hàng cây nước Nga vào mùa trút lá, lá phong chuyển đỏ sang vàng, rụng đầy như tấm thảm tươi vàng, lá khô kêu xao xác dưới gót giày.
Mùa đông Nga ngàn ngạt màu tuyết trắng trên đảo Vasily, nơi tôi ở. Những bông hoa tuyết bay chấp chới, xiên chéo trong gió biển thổi về, rơi biền biệt muốt trắng ngoài cửa sổ. Tôi băng ngang vườn cây đã trút hết, chẳng còn lấy một chiếc lá trên cành, sang chơi nhà bạn bên ký túc xá trường đại học Mỏ gần đấy.
Dấu giày tôi in đậm trên nền tuyết trắng. Trên không trắng xám trời mây, vẫn không ngừng rơi những bông tuyết lạnh đậu nhẹ trên má nóng bừng. Cho đến mãi về sau tôi vẫn không hiểu sao mình lại sống nổi qua mùa đông năm Bính Dần ấy, có lúc lạnh xuống 40 độ âm, và cả mấy mùa đông năm sau nữa, tuy ấm hơn, nhưng vẫn thường âm 20, 30 độ, và dài đằng đẵng trong mênh mang tuyết trắng. Và chưa bao giờ tôi được nếm trải cái lần đầu ăn tết Tây ở nước Nga xa ngái, và cũng là lần đầu ăn tết Việt xa nhà, đã thật thấm thía mùi vị tết tha hương…
Cô giáo tiếng Nga của tôi, cô Olga Nikolayevna tròn xoe mắt, long lanh như hai viên ngọc xám tro, khi tôi ngỏ lời mời cô đến ăn Tết Việt ở ký túc xá của trường tôi: phố Apatrinina, trên đảo Vasily lộng gió mùa đông. Ồ. Việt Nam có Tết riêng ư? Tôi giải thích Việt Nam thuộc vùng văn hóa phương Đông, ăn tết theo lịch riêng phương Đông, nên bao giờ Tết Việt cũng chậm hơn lịch dương, có khi cả tháng trời nếu là năm nhuận.
Cô Olga vỡ lẽ, cười giòn, ra chiều thích thú và bông đùa: Thế là các bạn được ăn những hai cái tết cơ à. Một tết Nga và một tết Việt, thật sung sướng! Nhưng đừng nghỉ học, vẫn phải đi học tiếng Nga đều đấy. Tôi hứa đi học tiếng Nga đều, và sẽ cùng bạn bè người Việt ở trường tôi và trường Mỏ gần đấy tổ chức tiệc mừng tết Việt, bắt đầu từ chập tối, sau khi đã học cả ngày ở trường. Và đêm giao thừa năm Đinh Mão 1987 sẽ thức cả đêm đợi mùng một tết theo phong tục Việt.
Cô Olga, khi thân thiết, thuận tình cho tôi gọi bằng tên thân mật: Olya, nháy mắt cười với tôi: Xem ra Tết Việt sẽ thú vị đấy nhỉ, tôi tò mò quá, thử kể tôi nghe? Tôi lắc lắc đầu, ra chiều bí mật: Xin cô cứ đến, cô sẽ biết Tết Việt là thế nào. Chỉ phiền một nỗi, sáng hôm sau đi học, tôi sẽ buồn ngủ díp mắt và xin cô “tha tội” trước, nếu tôi ngủ gật trong giờ tiếng Nga của cô. Cô Olga tốt bụng cười tươi, gật đầu thông cảm.
Thế là cô giáo tiếng Nga của tôi, và một thầy nữa, dạy môn hình thể sân khấu, được mời ăn Tết Việt, uống rượu Lúa Mới, ăn thịt gà Việt luộc cả con, trên đầu gà còn đội một bông hồng đỏ, rồi nem rán Việt, thịt đông, chả lợn nướng, nước chấm Việt ngon lành, canh măng miến, mộc nhĩ nấm hương… và chúc nhau những lời có cánh, mừng tuổi kiểu Việt, khiêu vũ, hát dân ca Nga, dân ca Việt… Và có lúc cùng ngồi yên lặng… nhớ nhà. Tâm trí tôi, đêm giao thừa xa xứ đầu tiên ấy, đã bỗng dưng trở về nguyên tươi cái ngày tuổi thơ theo bà về quê nội ăn Tết…
Cái năm 1987 cũng đã xa xăm ấy ở đảo Vasily, chưa hề có điện thoại di động và cũng không ai phong lưu tiền bạc để gọi điện thoại đường dài về Việt Nam. Nhóm người Việt chúng tôi chỉ cố mô phỏng nghi lễ giao thừa Việt, cùng xắn tay làm cỗ Việt và lập một bàn thờ tổ tiên đại diện, trong căn phòng được bà phụ trách ký túc xá đồng ý cho mượn để làm Tết Việt. Không có bài vị thờ riêng tại gia như ở nhà, chúng tôi lấy gạo tẻ đong đầy cốc thủy tinh Nga, để cắm hương, và bày hoa quả Nga lên ban thờ, là tấm gỗ thông giản dị gắn trang trọng trên tường.
Tôi thắp ba nén hương trầm mang từ nhà sang, dành dụm từ tháng mười năm ngoái, cho ngày tết Việt, cúi đầu nhớ lại những lời khấn vái tổ tiên của bà nội, của mẹ, ngày Tết. Tôi cầu xin tổ tiên ông bà phù hộ độ trì gia đình ở quê nhà và ở đây, cho những đứa con xa xứ được an lành, học hành giỏi giang…
Thấy cảnh thắp hương khấn nguyện thành kính kiểu Việt, cô Olga và thầy Anton cũng đến đứng cạnh chúng tôi, cúi đầu thầm thì bằng tiếng Nga, chúc mừng năm mới Việt tốt lành cho những sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt xa xứ. Đêm ấy chúng tôi say sưa uống rượu Việt rượu Nga, khiêu vũ, hát dân ca Việt dân ca Nga, ru hồn trong ca từ Việt Bèo dạt mây trôi, Người ơi người ở đừng về, Hoa thơm bướm lượn, Ra ngõ mà trông, Cây trúc xinh, và dân ca Nga Liễu xanh xanh soi mình bên hồ nước trong, với câu hỏi khắc khoải: Tình yêu của em, người đang ở nơi đâu? Và cùng hòa tiếng hát với ngữ điệu du dương của Cánh đồng Nga. Cô Olga cất tiếng hát lại những bài tình ca nổi tiếng mà Alla Pugacheva, Sofia Rotaru, hai nữ danh ca Nga đã hát, và đã kịp thành hai người đàn bà hát mà tôi thần tượng.
Cô Olga còn rưng rưng cảm động khi tôi hát bài tình ca nổi tiếng, do cô bạn Hòa của tôi dạy cho, khi cô đi học đại học nông nghiệp ở nước Nga trở về, từ chục năm trước, bài Người tôi nhìn say đắm (nguyên văn tiếng Nga: Người mà tôi nhìn không… chán mắt). Không ngờ, không khí Tết Việt ở nơi xa xứ đã thật vui tươi và cảm động…
Sau này, chính những bài tình ca tiếng Nga cô Olga dạy tôi hát đã khiến tôi vừa khá lên tiếng Nga, vừa thêm khắc khoải nhớ nhung tiếng Việt.
Lần đầu ăn Tết Việt xa xứ, lại bỗng nhiên thành nỗi nhớ quay về tuổi thơ xa ngái của ngày xưa, theo bà nội về quê Hà Đông ăn tết… Nỗi nhớ nhà, nhớ Tết quê khiến tôi chực trào nước mắt. Thảo nào, nhà văn Hồ Anh Thái đã đặt tên đầy ngụ ý cho tập truyện ngắn ra mắt năm 2013 của mình: Người bên này trời bên ấy (NXB Trẻ), với đề tựa lấy từ vở chèo cổ Lưu Bình Dương Lễ: Tình hoài vọng kể sao xiết kể / Thân một nơi lòng để một nơi.
Chính Hồ Anh Thái đã biện giải tinh tế cho nỗi sầu xứ của mình, (khi luôn đi công cán nước ngoài, trong các sứ quán Việt Nam), ở trang bìa 4 cuốn sách: “Chuyến đi dài nhất chính là cả cuộc đời, cuộc xê dịch triền miên trong cõi tạm. Qua các vùng địa lý, các vùng khí hậu, các vùng văn hóa và sắc tộc. Lên Bắc, xuống Nam, Đông sang Tây và Tây trở về Đông. Gửi lại nơi đó những kỷ niệm, và đi đâu thì cũng mang theo trong lòng nỗi niềm hoài nhớ cố hương.
Người đang ở bên này, bầu trời trên đầu cũng là bầu trời bên này, nhưng ám ảnh hoài niệm khiến cho cảnh sắc chợt hóa thành bầu trời ở bên ấy… Như mọi chuyến đi, đi là trở về với bầu trời xứ sở mình, dù có khi chỉ là trở về trong hoài niệm”.
Như thế, người Việt sống tha hương, dù ở phương trời nào, cũng hoài nhớ Tết Việt, như một nỗi “nhớ đầy” (chữ thơ đẹp của thi sĩ Hồ Dzếnh), và nỗi lòng họ, đã như nước chảy về chỗ trũng, là nơi bản quán, như lá phải rụng về cội rễ quê hương…