Đường phố Bangkok "biến thành sông" do mưa lớn từ chiều 20/6 tới ngày 21/6, đặc biệt mưa rất to vào đêm 20/6. Nhiều khu vực, lượng mưa đạt 200 mm, cao nhất trong 25 năm qua, theo Bangkok Post. Giao thông tại thủ đô Bangkok ùn tắc do một số tuyến đường bị ngập úng. Người đi bộ gặp khó khăn và phải lội trong nước trong khi nhiều người không thể rời khỏi nhà để đi làm vào sáng hôm sau.
Ít nhất 3 trường học tại thủ đô buộc phải đóng cửa gồm trường Nawamintharachinuthit Satriwittaya, Satrivoranart Bangkhen và Thanormpitvithaya.
Cảnh ngập diễn ra thường xuyên
Chị Minh Hoàng sinh sống tại Bangkok đã 23 năm. Chia sẻ với Zing.vn về trận mưa lớn tại thủ đô Thái Lan đêm 20/6, chị cho rằng cảnh ngập như vậy không phải hiếm ở Bangkok. "Họ không nạo vét, tu sửa đường sá nên sau mỗi trận mưa to, người dân đều phải đối mặt với cảnh ngập lụt".
Theo chị Minh Hoàng, sau trận mưa tuy ngắn nhưng rất lớn, cuộc sống của người dân bị xáo trộn. "Nhiều người đi làm muộn, 10h mới tới cơ quan trong khi giờ làm chính thức là 8h. Thậm chí nhiều người không tới được công ty. Trong ngõ nhà mình có hai công trình đang xây dở dang nên mỗi trận mưa to đều ngập. Mình và con đều phải lội nước từ nhà để ra khỏi ngõ", chị nói.
Nước mưa ngập trên mắt cá chân tại ngõ trước cửa nhà chị Minh Hoàng. Ảnh: NVCC
|
"Không thấm tháp gì so với Hà Nội"
Trong khi đó, theo anh Trung Quang, đang sống và làm việc tại Bangkok, mưa to nhưng ngập nặng chủ yếu tại khu vực dân cư như Ratchada, Huaywang, Lat prao do kết cấu trũng. "Bangkok có hệ thống đường trên cao nên giao thông ngoài đường lớn không bị ảnh hưởng nhiều".
Anh Quang cho hay, sinh hoạt của người dân cũng gặp xáo trộn ít nhiều. "Tại tuyến đường trũng, họ không sử dụng phương tiện thông thường như xe máy, ôtô để di chuyển, thay vào đó là dùng thuyền".
Tuy nhiên, anh cho rằng, dù trận mưa đêm 20/6 cũng lớn nhưng tình trạng ngập như vậy "không thấm tháp gì so với Hà Nội". Anh cho biết, du khách Việt không bị ảnh hưởng nhiều khi tới tham quan Bangkok, ngoài chuyện khó khăn khi di chuyển tới một số địa điểm. Các điểm du lịch ở thủ đô Thái Lan vẫn hoạt động bình thường.
"Chính quyền thành phố đã triển khai nhân lực và thiết bị tới các tuyến giao thông quan trọng và khu dân cư. Nhiều quan chức đã tới hiện trường để trực tiếp chỉ đạo", anh Quang nói.
Tờ Bangkok Post đưa tin, ngay khi mưa lớn gây ngập nhiều khu vực ở thủ đô, ông Sukhumbhand Paribatr, thống đốc Bangkok, đã ra chỉ đạo và trực tiếp thị sát ở hiện trường các điểm ngập úng.
Mang đôi ủng màu vàng, ông Sukhumbahand tới hiện trường để giám sát các nỗ lực cứu trợ. Ảnh: Bangkok Post |
Theo thống đốc Bangkok, chính quyền đã triển khai thêm nhân sự và thiết bị tại các tuyến phố chính nhằm chuẩn bị cho trận mưa lớn hơn vào vài ngày tới. Như một giải pháp dài hạn, ông cho biết, dự án đường hầm cấp thoát nước tại khu vực Khlong Bang Sue dự kiến hoàn thành vào tháng 4 năm tới. Đường hầm sẽ giúp giải quyết tình trạng ngập tại các khu vực như Ratchaphisek, Lat Phrao, đường Vibhavadi Rangsit và các vùng lân cận.
Ngoài ra, chính quyền cũng triển khai những dự án đường ống thoát nước khác như tại Klong Prem Prachakorn và Bung Nong Bon, dù những dự án như vậy đòi hỏi ngân sách rất lớn.
Ông Sukhumbahand cho biết, vấn đề ngập lụt dai dẳng của thành phố là không thể tránh khỏi bởi Bangkok nằm ở độ cao dưới mực nước biển. “Chúng tôi xin lỗi những người dân phải chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt. Nhưng e rằng tình hình sẽ vẫn xảy ra trong tương lai bởi Bangkok là một thành phố của nước và mưa”, ông nói.
Cần rà soát hệ thống thoát nước
Theo Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, toàn bộ hệ thống thoát nước tại Bangkok cần được điều chỉnh sau trận mưa gây ra tình trạng hỗn loạn tại 36 khu vực ở thủ đô đêm 20/6.
Phát biểu sau cuộc họp nội các diễn ra vào thứ 3 hàng tuần, tướng Prayut cho biết, chính quyền đã chuẩn bị thiết bị như máy bơm nước và biện pháp ứng phó nhằm hỗ trợ người dân sống tại các khu vực có nguy cơ bị lụt trong thành phố.
Tuy nhiên, thủ tướng nhấn mạnh, hệ thống thoát nước chung của thành phố cần đại tu. Đây là một giải pháp dài hạn. Trong khi hệ thống thoát nước không hiệu quả, đường ống thoát nước quá nhỏ để xử lý lượng nước lớn, dự án xây dựng đường hầm thoát nước vẫn chưa hoàn chỉnh.
Kẹt xe ở tuyến đường Ratchadaphisek bị ngập nước. Ảnh: The Nation
|
Chính phủ Thái Lan cũng đã phân bổ kinh phí nhằm hỗ trợ các nỗ lực giải quyết tình trạng ngập úng trong thành phố, tướng Prayut nói. “Hãy yên tâm, chính phủ sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng. Thật khó để tránh lũ. Chúng ta biết hệ thống thoát nước hoạt động như thế nào. Chúng ta cần một giải pháp bền vững”, người đứng đầu chính phủ Thái Lan nói.
Vụ trưởng Vụ Phòng chống và Khắc phục Thiên tai Thái Lan Chatchai Promlert cho biết, cơn mưa kéo dài gây gập trên toàn thành phố, với mực nước cao từ 150 tới 200 mm.
Tuy nhiên, nước rút tại 29 khu vực và hoạt động thoát nước đang được tiến hành tại 7 khu vực còn lại như Soi 32 và Tòa án Hình sự trên đường Ratchadaphisek, Công viên Chatuchak trên đường Phahon Yothin, Soi 100 và Soi 112 trên đường Lat Phrao.