"Ngoài đi chùa cầu sức khỏe, bình an và tài lộc, người Nhật thường đi mua sắm đầu năm để lấy may. Vào mùng 1 Tết Dương lịch, các trung tâm thương mại đều rất đông khách", Phạm Tiền tại thành phố Kyoto chia sẻ.
Anh cho biết cùng với người Nhật, người Việt tại xứ hoa anh đào cũng háo hức với văn hóa mua vận may. Năm nào cũng vậy, anh và bạn bè thường đi chùa cầu an vào đêm giao thừa và xếp hàng mua sắm vào sáng mùng 1.
“Những ngày đầu năm mới, bạn có thể bắt gặp cảnh người xếp thành hàng dài trước cửa hiệu tại bất cứ con phố nào”, anh Tiền tiết lộ.
Phạm Tiền, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, đi mua sắm dịp năm mới cùng bạn bè. Ảnh: Phạm Tiền. |
Món đồ mà mọi người chờ đợi nhất chính là Fukubukuro, hay còn gọi là túi vận may. Chúng thường chứa những sản phẩm có giá trị tương đương hoặc cao hơn với số tiền mà khách hàng đã trả.
"Giống như bạn chỉ bỏ ra 100 USD song số đồ bạn nhận lại có giá trị lên đến 500 USD, thậm chí 1.000 USD. Hứng thú nhất là bạn không biết có gì trong túi. Không ai biết, kể cả nhân viên cửa hàng", người thanh niên 29 tuổi nói.
Theo anh, Fukubukuro là quan niệm của người Nhật về may mắn. Bạn hoàn toàn làm chủ vận may, may mắn do mình tìm kiếm và lựa chọn. Những chiếc túi này đã trở thành nét văn hóa độc đáo, sự kiện mua sắm hấp dẫn nhất và được chờ đón nhất trong năm tại xứ phù tang.
Fukubukuro xuất hiện tại các cửa hàng, thương hiệu lớn trên thế giới cũng không bỏ qua dịp này. Apple bán Fukubukuro từ năm 2004. Đôi khi chỉ với 300 USD, người mua có thể vác về một máy tính MacBook Air trị giá khoảng 730 USD cùng nhiều vật dụng khác. Vì nội dung bên trong mỗi túi là khác nhau.
'Nếu sợ thất vọng, đừng mua túi may mắn'
Giá trị đồ trong túi may mắn thường lớn hơn số tiền mà khách hàng bỏ ra nhưng chúng chỉ mang tới niềm vui khi những thứ bên trong khiến họ hài lòng. Nhiều người thất vọng sau khi mở túi.
Nguyễn Tuấn, du học sinh tại thành phố Matsusaka, cho biết anh thường chọn mua những món đồ mà mình thích thay vì Fukubukuro.
Các mặt hàng đồng loạt giảm giá mạnh và sâu trong dịp Tết. Ảnh: Nguyễn Tuấn. |
"Ngoài túi may mắn, hàng hóa cũng giảm giá mạnh. Nơi thì 5-10%, nơi thì lên đến 50%", anh chia sẻ.
Tuấn cho hay người Việt, đặc biệt là con gái, thường quan tâm đến thời trang và mỹ phẩm. Vì giảm giá sâu nên họ còn mua gửi về cho người thân. Một số nơi tổ chức quay xổ số. Phần thưởng có thể là kẹo, bánh và vật dụng khác.
Nếu may mắn, họ có thể nhận số tiền tương đương 2 triệu đồng hoặc một chuyến du lịch.
"Tuy đông người tham gia nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy không xảy ra. Mọi người xếp hàng rất văn minh", anh nói.
Sau khi mua sắm đầu năm, người Việt cũng thường đi chơi hoặc đến nhà bạn bè chúc Tết.
Hoạt động mua vận may diễn ra khá phổ biến nhưng cũng có một số người từ chối tham gia.
Đặng Tố Quyên, sống tại thủ đô Tokyo, thông tin đa số du học sinh tại Nhật phải tiết kiệm để trang trải cuộc sống. Hơn nữa, nhiều người cố gắng tận dụng thời gian nghỉ lễ để kiếm tiền.
"Chính phủ Nhật chỉ cho phép mỗi học sinh, sinh viên làm thêm 28h một tuần trong ngày bình thường, 40h một tuần vào kỳ nghỉ", Nguyễn Kim Long, một du học sinh tại Nhật, nói.
Dù bận rộn, họ vẫn thường tụ tập thành nhóm nhỏ và dành thời gian để đi chơi, trò chuyện cùng nhau.