“Tôi không có ý định ra ngoài mua sắm vào ngày Black Friday thêm một lần nào nữa. Tôi không muốn phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi khi xếp hàng dài chỉ để mua 1 hay 2 món đồ” là chia sẻ của Uyên Nguyễn, du học sinh đang sống tại thành phố San Jose, bang California về “ngày thứ sáu đen”, sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm với người Mỹ.
Chuyển sang mua online thay vì xếp hàng
Uyên kể mình phải quay về nhà khi không thể tìm được chỗ đậu xe bên ngoài một trung tâm thương mại sau 1 tiếng vào ngày Black Friday năm ngoái. “Năm trước nữa, tôi rời khỏi nhà lúc 10h tối và mất 1 giờ 30 phút mới tới được cửa hàng vì tắc đường và tìm chỗ trống trong bãi xe. Sau đó phải xếp hàng 1 tiếng để tới lượt vào mua sắm và thêm 1 tiếng để tính tiền, chưa kể thời gian lựa hàng”, cô gái 22 tuổi nhớ lại trải nghiệm Black Friday đáng quên.
Các cửa hàng tại San Jose đang có nhiều ưu đãi đặc biệt cho Black Friday năm nay như giảm giá thêm 30% cho 50 hoặc 100 khách hàng đến sớm nhất. Tuy nhiên, mặt hàng yêu thích của cô là quần áo lại không được khuyến mãi quá nhiều như sản phẩm công nghệ. “Hàng thời trang thì đợi đến Giáng sinh nhiều khi mua được với giá còn rẻ hơn”, Uyên nói.
Khi được bạn bè rủ đi mua sắm vào “ngày thứ sáu đen” năm nay, Uyên từ chối vì vẫn nhớ như in cảm giác mệt mỏi những năm trước. Nữ du học sinh chia sẻ bây giờ chỉ muốn mua sắm trực tuyến trong dịp Black Friday thay vì đến tận nơi như trước.
Khách hàng chen lấn để mua được tivi giá rẻ trong ngày Black Friday ở Mỹ. Ảnh: The Independent. |
Trong khi đó, anh Thành Vinh, 30 tuổi, bang Virginia, kể lại từng phải xếp hàng từ 4h sáng bên ngoài một cửa hàng điện máy để mua được một chiếc tivi 60 inch giá hời. “Nhưng vậy cũng chưa có gì ghê gớm. Có những người ngủ qua đêm ngay tại đó để được vào bên trong đầu tiên.”, anh Vinh tiết lộ.
Anh Vinh cho biết năm nay chỉ săn hàng trên các website thương mại điện tử chứ không đến tận cửa hàng nữa vì phải chờ đợi lâu mà chỉ được mua 1 hay 2 sản phẩm do chính sách hạn chế mua hàng số lượng lớn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của anh Vinh, một số trang web chỉ giảm giá các dòng sản phẩm cũ hoặc tính phí giao hàng cao trong ngày Black Friday thay vì miễn phí vận chuyển như bình thường.
“Tôi ghét phải chờ đợi lâu nhưng nhiều người Mỹ lại thích không khí xếp hàng. Họ rất ủng hộ ngày lễ xuất phát từ đất nước mình.”, anh nói.
Ngày hỗn loạn
Viết Cường, 23 tuổi vẫn nhớ rõ ngày Black Friday cách đây 2 năm khi còn làm trợ lý cho cửa hàng trưởng một cửa hàng thời trang ở một trung tâm thương mại tại thành phố Seattle, bang Washington. Với anh, ngày thứ sáu ngay sau lễ Tạ Ơn chính là thời điểm vất vả nhất trong năm với những nhân viên làm việc trong ngành bán lẻ.
Để chuẩn bị cho sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm với người Mỹ, Cường và đồng nghiệp phải lên kế hoạch cụ thể ngay từ đầu tháng 10 và bắt đầu chuẩn bị trong suốt 3 tuần trước đó.
“Nhưng đến ngày Black Friday, mọi thứ vẫn vượt khỏi kế hoạch của chúng tôi. Khách đổ vào cửa hàng quá tải và tất cả áo quần, hàng hóa đều xộc xệch. Hệ thống máy bán hàng bị hỏng vài lần chỉ trong 24 giờ. Tôi và mọi người làm việc xuyên đêm nhưng vẫn không thể phục vụ hết khách. Trung tâm thương mại hôm đó không khác gì một sở thú”, Cường kể lại và cho biết năm nay không định đi mua sắm dịp Black Friday vì vẫn còn ám ảnh vì cảnh tượng năm xưa.
Black Friday là ngày vất vả nhất trong năm đối với các nhân viên trong ngành bán lẻ tại Mỹ. Ảnh: CNBC. |
Dù được hưởng lương cao gấp rưỡi ngày thường và thưởng thêm doanh số nhưng Cường khẳng định không bao giờ muốn làm việc tại cửa hàng bán lẻ trong ngày Black Friday thêm một lần nào nữa.
Trong khi đó, chị Kim Vân, 26 tuổi, bang California chia sẻ từng xếp hàng nhiều giờ nhưng đến khi vào trong cửa hàng lại không còn bất cứ một chiếc giỏ hàng hay xe đẩy hàng nào nữa. Chị Vân cũng kể thêm một số trường hợp đang mở cốp xe để xếp đồ thì mất luôn chiếc tivi mới mua.
Nói thêm về nỗi sợ của mình với cảnh mua sắm ngày Black Friday, Uyên cho biết: “Ở các chuỗi siêu thị như Walmart, Target, mọi người giành giật rất kinh khủng, thậm chí có khi còn đạp lên nhau.”
Đặt hàng cho người thân ở Việt Nam
Thu Huyền, 21 tuổi, sinh viên khoa Tâm lý Đại học Middlebury, bang Vermont cho biết khu vực đang sinh sống vốn dĩ không phải là nơi mua sắm tấp nập nên không khí Black Friday khá trầm lắng.
“Nhưng điều đặc biệt là bạn bè ở Việt Nam lại mong ngóng Black Friday hơn cả mình. Cả tháng nay nhiều người tìm hiểu trước các chương trình khuyến mãi của nhiều thương hiệu lớn rồi nhờ mình mua giúp.”, Huyền chia sẻ.
Huyền cũng cho biết nếu các loại mỹ phẩm hàng hiệu hoặc máy tính bảng giảm giá mạnh thì sẽ gom hàng số lượng lớn để đem về Việt Nam bán lại kiếm lời.
Tương tự như Huyền, chị Vân cũng cho biết được bạn bè ở Việt Nam nhờ mua hàng giảm giá trong dịp Black Friday nhưng chỉ nhận lời với những ai thật sự thân thiết. “Không phải thứ gì mua online cũng có. Mà ra cửa hàng rất tốn thời gian lại chỉ được mua số lượng hạn chế.”, chị Vân chia sẻ lý do.