Tết Việt trên đất Mỹ
Chợ hoa ở Little Saigon. |
Hơn 1,8 triệu người gốc Việt đang sinh sống ở Mỹ, tập trung đông nhất ở các bang California, Texas và Washington. Tết Nguyên đán là một trong những dịp quan trọng nhất ở khắp châu Á, và cộng đồng người gốc Việt ở Little Saigon cũng không ngoại lệ.
Tết Giáp Ngọ bắt đầu vào ngày 31/1, nhưng ở Little Saigon, quận Cam, bang California - Mỹ, không khí lễ hội đã rộn ràng từ vài tuần trước đó. Quận Cam là nơi thu hút rất nhiều bà con người Việt đổ về đón Tết, bởi những người con xa xứ có thể tìm được ở đây đủ hương vị quê nhà, từ bánh mứt truyền thống cho đến chợ hoa cây cảnh như quất, đào, mai... Những hoạt động truyền thống ngày Tết của cộng đồng người Việt xa quê từ lâu đã được người dân bản địa biết tới và quen thuộc.
Khách du lịch đến Little Saigon vào thời điểm này sẽ được trải nghiệm không khí lễ hội, khi mọi người chuẩn bị lễ diễu hành dọc các con phố. Little Saigon nổi tiếng với những trung tâm mua sắm nhộn nhịp, chợ Việt Nam, văn phòng du lịch và cả những quán cháo, phở của người gốc Việt. Chợ hoa ở Little Saigon được tổ chức từ ngày 10 - 29/1. Ngay từ những ngày đầu mở cửa, chợ hoa đã thu hút rất nhiều khách tham quan và mua hàng. Hầu như mọi gia đình người Việt đều dành thời gian đi sắm vài chậu hoa thật đẹp, hay vài cây cảnh về bày Tết.
Quầy bán phong bao lì xì và đồ trang trí Tết. |
Không khí Tết càng trở nên chộn rộn với người Việt xa xứ, khi người ta có thể tìm thấy đủ loại câu đối, bao lì xì... được bày bán ở cổng trước thương xá Phước Lộc Thọ. Các hoạt động chính trong dịp Tết kéo dài trong 3 ngày. Màn trình diễn pháo hoa mừng năm mới diễn ra vào ngày 31/1 và diễu hành vào ngày 1/2. Ngoài ra, các lễ hội ở Garden Grove và Costa Mesa cũng được tổ chức tưng bừng, cùng với các cuộc thi, trình diễn âm nhạc, ẩm thực và trò chơi truyền thống của Việt Nam.
Hàng nghìn người sẽ đổ ra đường, xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống, như áo dài thướt tha.
Giữ gìn phong tục truyền thống
Ông Tong Le, 61 tuổi, sống ở Mỹ gần 20 năm. Ông nói rằng, gia đình ông cố gắng hết sức để một mặt gìn giữ truyền thống của người Việt, mặt khác hòa hợp với cuộc sống ở Mỹ. Dù cách xa quê hương nhưng ông Le và những người Mỹ gốc Việt vẫn đón Tết theo phong tục cổ truyền, như tặng lì xì trong những phong bao đỏ tươi, với những đồng tiền mới để chúc may mắn. Họ gói bánh chưng, trang hoàng nhà cửa bằng những cây quất và cây mai giống như trong vườn nhà ông Le. Các ngân hàng địa phương đã chuẩn bị tiền mới và phong bì lì xì đỏ trong ngày Tết. Ông Danny Trần - người quản lý Công ty dịch vụ ngân hàng tài chính Wells Fargo ở Little Saigon - nói: "Chúng tôi thích tiền mới, mới cứng giống như vừa được là vậy. Đó là dấu hiệu của sự may mắn và những khởi đầu mới".
Ông Tong Le và con trai Billy Le chăm sóc quất cảnh chơi tết. |
Đêm giao thừa, các gia đình thường đi lễ chùa và cùng các nhà sư cầu nguyện cho gia đình, tổ tiên, cầu mong một năm mới may mắn, thịnh vượng. Ông C.N.Le - giảng viên cao cấp về xã hội học tại Đại học Massachusetts - cho biết, những ai có hạn trong năm cũ, chẳng hạn người thân qua đời, kiêng không đi chúc Tết, vì sợ rằng mang lại điều không may mắn cho những người khác. Ông Bui cũng thường kể với sinh viên về sự tích bánh chưng, bánh giầy của người Việt Nam.
Billy Le - người con trai 26 tuổi của ông Tong Le - đến Mỹ khi mới 8 tuổi. Billy cho biết anh thích Tết khi còn ở Việt Nam, và cả bây giờ khi đã lớn ở Mỹ. Anh nói rằng một tuần trước Tết, cả gia đình và nhiều người Việt Nam khác cúng ông Công, ông Táo theo đúng phong tục cổ truyền, để các thần bếp bay về thiên đình báo cáo tình hình mỗi gia đình trong năm cũ. Anh hồ hởi: "Chúng tôi tiễn ông Công, ông Táo về trời vào ngày 23 Tết, sau đó lại đón các vị thần bếp này về với gia đình chúng tôi khi Tết đến. Chúng tôi mong muốn bắt đầu một năm mới thật may mắn". Cộng đồng người Việt tin rằng, đây là một năm "làm giàu và phát tài thần tốc".