Dù vậy, khoảng 18.000 người Việt Nam vẫn đi như vậy mỗi năm, trả những khoản tiền 15.000-40.000 USD hoặc hơn cho những đường dây đưa người trái phép, theo ước tính của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc.
Nhiều người đến từ hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An ở miền Trung, và quyết định vượt biên dù biết rõ các nguy cơ, các chuyên gia nói với New York Times.
Họ thấy hàng xóm có nhà to, nhà đẹp, xe xịn, và họ cũng muốn chăm lo cho gia đình mình như vậy, bất kể cái giá mà chính họ phải trả.
Có hai dạng “dịch vụ” đưa người: “đi cỏ”, tức từ Pháp vào Anh trong container ngột ngạt, chất đầy hàng hóa, còn “đi VIP”, tức được ngồi trong cabin của xe tải, thậm chí còn được ở tạm nhà nghỉ dọc đường.
Trên đường, họ chịu nhiều hình thức ngược đãi. Những kẻ buôn người thường đánh đập đàn ông, hãm hiếp phụ nữ, theo lời kể của những nhóm tình nguyện và chính người di cư.
Người di cư Việt Nam thường vượt biên từ Pháp qua Anh trên các xe container. Ảnh: New York Times. |
Khổ cực, bóc lột
Tuyến vượt biên có thể bắt đầu ở Trung Quốc, nơi người di cư có thể lấy giấy tờ giả, theo New York Times. Trên đường từ Trung Quốc qua Nga qua châu Âu, giai đoạn gian nan có thể là băng qua rừng ở Belarus đến biên giới Ba Lan.
Trong một khảo sát những người di cư Việt Nam, một người có tên trong báo cáo là “Anh”, 24 tuổi, nói với nhóm nghiên cứu rằng anh cùng 5 người khác được những kẻ đưa người dẫn đi, bị bắt nhiều lần ở Belarus nhưng đều được thả ra ở biên giới Nga. Cuối cùng khi vượt biên thành công, họ được xe tải bên phía Ba Lan đón đi.
“Chúng tôi lạnh”, anh nói trong khảo sát. “Chúng tôi không ăn gì trong hai ngày. Chúng tôi uống nước từ tuyết tan”.
Những tuyến đưa người khác có thể qua đường bay. Người di cư được dặn mang ít hành lý, và chỉ vào check in 10 phút trước khi quầy đóng cửa để không bị kiểm tra kỹ.
Khi đến nước EU đầu tiên, họ được dặn là phá hủy hộ chiếu, và ở lại sân bay hai ngày, sau đó tự nguyện để cảnh sát bắt, vì họ không có visa để ra khỏi sân bay.
Khi đã tới Pháp, để qua được Anh, họ sẽ phải chui vào các túi làm bằng lá nhôm mỏng, thậm chí chui vào container đông lạnh trong vài giờ để không bị phát hiện.
Việc trốn trong container đông lạnh đã khiến 39 người di cư tử nạn vào ngày 23/10 ở Essex, phía đông bắc London. Cảnh sát Essex đã nói họ tin rằng có nạn nhân là người Việt Nam.
Trên tuyến di chuyển, người di cư Việt Nam thường hết tiền, và phải tạm dừng chặng đường để làm việc, chẳng hạn ở các xưởng may ở Nga hoặc nhà hàng trên khắp châu Âu. Một số phụ nữ phải bán mình.
Một tiệm làm móng do người Việt làm chủ ở Tottenham, London năm 2017. Ảnh: New York Times. |
Những kẻ đưa người thường không cho người di cư biết họ đang ở đâu. Chẳng hạn, năm 2017, 16 người Việt Nam được giới chức Ukraine phát hiện ở Odessa tưởng mình đang ở Pháp.
Vỡ mộng ở Anh
Trong 20.000-35.000 người di cư không giấy tờ từ Việt Nam đang sống ở Anh, có những câu chuyện kinh hoàng, nhưng cũng có người đã chịu đựng mọi khổ cực để cuối cùng kiếm được tiền.
“Nghiên cứu của tôi cho thấy câu chuyện của người di cư không chỉ là bóc lột hay bị buôn bán”, Tamsin Barber, một giảng viên tại Đại học Oxford Brookes. “Họ tới đây, chấp nhận rủi ro để làm việc bất hợp pháp và kiếm nhiều tiền trong trang trại trồng cần sa”.
Dù vậy, số nạn nhân người Việt Nam bị buôn bán được chuyển đến National Referral Mechanism (NRM), cơ quan chịu trách nhiệm nhận dạng và hỗ trợ các nạn nhân buôn bán người, đã tăng 5 lần so với năm 2012.
Một khi đến được Anh, người di cư có nguy cơ trở thành nạn nhân mắc kẹt giữa một bên là những kẻ buôn người, và một bên là chính sách nhập cư nghiêm khắc của xứ sở sương mù.
Họ có thể sẽ vỡ mộng. Sulaiha Ali, một luật sư nhân quyền, nói người di cư thường được hứa hẹn các công việc chính đáng trong nhà hàng hay công trường, để rồi bị ép chăm sóc các vườn cần sa bên trong các căn nhà riêng.
Họ bị nhốt nhiều ngày liền, sống chật chội 15 người một buồng, chịu rủi ro giật điện (vì câu trộm điện phục vụ chiếu đèn cho cây), và ảnh hưởng sức khỏe từ mùi cây cần sa nồng nặc.
Trong các tiệm làm móng, chủ thường kiểm soát cuộc sống của họ, có thể dẫn đến việc bóc lột. Nhưng cũng có những người chủ gần như trở thành cha mẹ nuôi của người di cư Việt Nam, cho họ ăn ở, các nhà nghiên cứu nói với New York Times.
Người di cư Việt thường được hứa hẹn các công việc chính đáng trong nhà hàng hay công trường, để rồi bị ép chăm sóc các vườn cần sa bên trong các căn nhà riêng. Ảnh: Sunday Times. |
Khi vây bắt những nơi chứa chấp người di cư Việt Nam, cảnh sát thường bỏ qua các dấu hiệu của lao động cưỡng bức hay buôn người, mà coi họ là dân nhập cư bất hợp pháp cần tiến hành thủ tục trục xuất.
“Ngay khi ai đó không có giấy tờ, cảnh sát không chú trọng xem họ có bị bóc lột hay không”, bà Ali nói với New York Times. “Mà họ tập trung xem ‘có thể trục xuất được không’”. Nỗi sợ bị trục xuất là cách để những kẻ buôn người kiểm soát nạn nhân.
“Có sự mất tin tưởng trầm trọng đối với chính quyền”, luật sư nhân quyền Firoza Saiyed, nói với New York Times. “Những kẻ buôn người luôn tiêm vào đầu nạn nhân ý nghĩ như ‘Các người không có giấy tờ’ hoặc ‘Các người sẽ bị trục xuất, đi tù’”.