Người Việt mua nhà ở Mỹ có dễ dàng?
Tại Việt Nam, rất khó chuyển tiền cho mục đích mua nhà ở nước ngoài. Theo quy định thì cá nhân phải có dự án cụ thể mới được cơ quan chức năng cho chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, chứ không mang tiền mặt như VN.
>> Người mua thị trấn ở Mỹ là một doanh nhân TP.HCM
>> Người Việt chi 900.000 USD mua một thị trấn của Mỹ
>> Gặp doanh nhân mua thị trấn Mỹ
Sự kiện doanh nhân Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM, trở thành người Việt Nam mua cả một thị trấn Buford (Mỹ) cho thấy có một số người Việt tìm kiếm cơ hội mua bất động sản (BĐS) ở Mỹ. Tuy nhiên, những yêu cầu khắt khe trong việc chuyển tiền ra nước ngoài đã khiến cho việc mua BĐS tại Mỹ diễn ra âm thầm, không chính thức.
Chuyện không bất ngờ
Sau khi biết thông tin hai người Việt mua lại thị trấn Buford với giá 900.000 USD, ông P. (sống tại TP.HCM, có 2 căn nhà tại Mỹ) không tỏ ra bất ngờ lắm, bởi theo ông, không những người Việt mà các nhà đầu tư cá nhân trên thế giới đều muốn mua BĐS tại Mỹ.
Thị trấn Buford đã về tay một người Việt. |
Tại Mỹ, tùy theo BĐS ở từng bang, có vị trí gần trường học tốt hay không… mà có giá cả dao động từ vài trăm ngàn USD đến cả triệu USD. Đặc điểm của những căn nhà tại Mỹ là nhà thường có diện tích rộng, trong đó sân vườn chiếm diện tích hết ½…
Mua thị trấn khó sinh lời Một số người trong giới đầu tư BĐS tại TP.HCM tỏ ra khá ngạc nhiên và lấy làm lạ với quyết định của mua thị trấn Buford của doanh nhân Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM. Theo phân tích của một số người trong giới kinh doanh BĐS, thì đây là thị trấn không có người dân sinh sống, không có đường xe lửa qua nên có hạn chế về giao thông. Mua BĐS ở Mỹ rẻ nhưng bán cũng rẻ, hơn nữa thị trường BĐS vào Mỹ giai đoạn này cũng không mấy sôi động. Do đó việc đầu tư BĐS vào Mỹ thời điểm này không hẳn có lợi khi nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự hồi phục, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm tại Việt Nam lại đang ở mức cao. |
Ở Mỹ, mỗi căn nhà đều có lý lịch rất rõ ràng như đã được xây dựng bao nhiêu năm, đã qua bao nhiêu đời chủ, giá bán gần nhất là bao nhiêu, giá thị trường hiện nay là bao nhiêu… Chính vì vậy mà người mua sau lúc nào cũng mua được giá “tầm tầm”.
Trong vài năm trở lại đây (đặc biệt từ năm 2008 đến nay), tình hình kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn nên có thời điểm giá BĐS giảm thấp xuống còn phân nửa, thị trường BĐS không có người mua vì không có ngân hàng cho vay (tại Mỹ, người mua nhà thường vay ngân hàng từ 70-80% giá trị nhà và thực hiện trả góp trong vòng vài chục năm). Chính vì vậy, những người có tiền mặt đi mua BĐS thường gặp nhiều thuận lợi hơn tại Mỹ.
Ông P. còn cho biết, theo ông thì giá BĐS ở Mỹ rẻ hơn ở VN, chẳng hạn một căn nhà tại Việt Nam khoảng 10 tỉ đồng, có thể chỉ khoảng 100m2 nhưng tại Mỹ có thể vài trăm m2, có 7-8 phòng ngủ…
Tuy nhiên, so sánh này cũng chỉ là tương đối bởi nước Mỹ rộng lớn, nhiều bang, nhiều vùng nhà cửa khá thưa thớt, trong khi tại các đô thị VN thì đất chật người đông. Hơn nữa, ở Mỹ mua nhà giá rẻ thì sau này giá bán cũng rẻ theo.
Chuyển tiền mua nhà rất khó
Theo Ngân hàng Nhà nước VN, chỉ cho các cá nhân người Việt chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích sau: học tập, chữa bệnh; đi công tác, du lịch, thăm viếng; trả các loại phí, lệ phí; trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư; các mục đích chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Trong trường hợp chuyển tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, phải có giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông P. cho hay, người VN thường mua BĐS tại Mỹ khi muốn định cư, con đi du học… nhưng để có được BĐS ở Mỹ, người Việt phải qua rất nhiều “trạm” như chuyển tiền thanh toán, thuế…, trong đó quy định ngặt nghèo nhất đó là chuyển tiền.
Tại VN, rất khó chuyển tiền cho mục đích mua nhà ở nước ngoài. Theo quy định thì cá nhân phải có dự án cụ thể mới được cơ quan chức năng cho chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, chứ không phải mang tiền mặt như VN. Còn Mỹ lại kiểm soát các dòng tiền rất chặt để chống rửa tiền. Do đó, nếu người Việt không có người thân tại Mỹ thì rất khó có thể mua nhà.
Theo cách trả lời báo chí của doanh nhân Phạm Đình Nguyên, để hoàn thành việc mua thị trấn Buford, sắp tới ông sẽ phải trả 800.000 USD. Nếu người thân của ông Nguyên ở bên Mỹ không có tiền mặt sẵn để cho vay thì ông phải xin giấy phép đầu tư trong vòng 30 ngày để còn kịp chuyển tiền.
Theo ông P., những người mua được nhà tại Mỹ đa số chuyển tiền “chui” hoặc lách dưới hình thức hỗ trợ người thân nhưng khoản tiền chuyển đi rất nhỏ, không thể lên đến vài chục ngàn hoặc vài trăm ngàn bằng giá trị BĐS.
Còn chuyển tiền qua hệ thống chuyển tiền "chui” thì cũng khó hợp thức hóa được nguồn tiền này trong tài khoản tại Mỹ (mua bán BĐS phải thanh toán qua tài khoản), nếu không chứng minh được nguồn gốc tiền, số tiền này có thể bị tịch thu vì Mỹ đã có luật Chống rửa tiền.
Hiện tại, BĐS ở Mỹ cho phép người nước ngoài vào mua để thu hút nguồn vốn, do vậy nhiều ý kiến cũng cho rằng VN cũng nên có những quy định dễ dàng hơn cho người nước ngoài sở hữu BĐS, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay thị trường BĐS VN đang khá trầm lắng. Chính nguồn vốn này rót vào vào sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn, Nhà nước thu hút được thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Một doanh nhân là Tổng giám đốc một công ty chế biến thực phẩm tại TP.HCM cho biết, cách đây vài năm ông có dịp gặp ông Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) trong dịp gặp gỡ doanh nhân TP.HCM.
Theo vị Tổng giám đốc này, ông Nguyên còn rất trẻ (khoảng 37 - 38 tuổi) từng học Đại học Kinh tế TP.HCM và từng làm việc ở Coca Cola. Ông Nguyên hiện sống tại TP.HCM nhưng có người thân trong gia đình định cư bên Mỹ. Công ty của ông Nguyên chuyên về nhập khẩu và phân phối, quy mô vừa, chủ yếu là đại diện phân phối sản phẩm cho các công ty. Theo đánh giá của vị tổng giám đốc này, ông Nguyên là người rất có kinh nghiệm trong phân phối hàng, chủ yếu phân phối mặt hàng hóa mỹ phẩm cho các siêu thị. |
Theo Thanh Niên