Dãy hàng quần trống tại chợ Barabashovo. Ảnh: TTXVN |
So với hồi tháng 2, giai đoạn cao trào Maidan ở Kiev, tình hình kinh tế - xã hội Ukraine đã xấu đi rất nhiều. Ở thủ đô Kiev đâu đâu cũng "tiết kiệm" điện, nước nóng và khí đốt. Người dân sở tại trầm tư hơn trước gánh nặng kinh tế khi đồng hryvnya mất giá mạnh, còn lương lậu bèo bọt. Cầu trong dân giảm mạnh và điều này tác động trực tiếp tới đời sống người Việt vốn chủ yếu kinh doanh ngoài chợ.
Quang cảnh tại chợ Troeshina với khoảng 400 người Việt đang làm ăn buôn bán,không quá trầm lắng, vẫn có khá nhiều khách tới mua hàng. Trao đổi với anh Phạm Văn Núi, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng sang Ukraine đã 25 năm, anh cho biết từ tháng 2, "do biến động chính trị lớn nên đời sống bà con ngày càng khó khăn".
Theo anh, "kinh doanh vào thời điểm này chỉ cần kiếm đủ để chi phí sinh hoạt cũng tốt rồi". Tuy nhiên, anh Núi cho biết ở chợ hầu như chưa có người Việt nào đóng cửa bỏ kinh doanh, họ chỉ thu hẹp buôn bán. Tình hình an ninh tại Kiev vẫn rất tốt và quan hệ với người dân sở tại cũng vẫn tốt đẹp.
Chị Bùi Thị Tạo, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết chị sống ở Kiev đã được 17 năm. Nhìn chung từ tháng 2 đến giờ, tình hình kinh tế khủng hoảng. Do tình hình chính trị, làm ăn bất ổn vì người dân không có tiền. Người dân lương thấp nên chợ búa không chạy. Hiện chị chỉ kinh doanh để mưu sinh hàng ngày song dư giả thì không.
Phỏng vấn anh Lương Văn Duẩn, quê Hà Tĩnh kinh doanh tại chợ đã 15 năm, anh cho biết trong tâm tư, bà con vẫn coi đây là quê hương thứ 2 của mình và cố gắng thu vén tạm đủ cho cuộc sống song hiện dự dật là không có. Hầu hết bà con tại đây đã quen với công việc kinh doanh và điều quan trọng là rất nhiều người con cái vẫn đi học nên tất cả đều nỗ lực làm ăn, ổn định cuộc sống. Anh bày tỏ mong muốn được Đại sứ quán và các cấp, các ngành quan tâm hơn tới bà con để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nguyễn Đình Tuấn, quê Vĩnh Phúc kinh doanh tại chợ Barabashovo bày tỏ không chỉ đầu ra khó khăn mà nguồn hàng cũng kẹt hơn. Ảnh: TTXVN |
Vượt hơn 400 km về phía đông, đến Kharkov, nơi được xem như "thủ phủ" của người Việt tại Ukraine, khu chợ Barabashovo sầm uất thủa nào, tuy bên ngoài trông vẫn nhộn nhịp, song bên trong đã thưa thớt hẳn. Đâu đây là các quầy tiểu thương bỏ, đóng cửa không kinh doanh hoặc treo biển cho thuê.
Chị Vũ Thị Hạnh, quê Quảng Ninh, sang Kharkov được 9 năm, bắt đầu bằng tiếng thở dài ngao ngán và cho biết tình hình nhìn chung rất khó khăn, bà con vẫn phải gồng mình để kinh doanh buôn bán vì giá USD lên giá quá mạnh. Chị Hạnh cho biết so với mọi năm, năm nay không bán được mấy, chỉ nhúc nhắc chút ít để sinh tồn.
Anh Nguyễn Đình Tuấn, quê Vĩnh Phúc, sang Ukraine đã 10 năm, cho biết không chỉ đầu ra khó khăn mà nguồn hàng cũng kẹt hơn. Trong bối cảnh này, chủ hàng bắt phải trả tiền "tươi" để bảo toàn vốn. Do đồng USD lên giá, giá bán bị đẩy lên gần gấp đôi so với mọi năm.
Là nơi hội tụ nhiều người Việt sinh sống nhất tại Ukraine (khoảng 5.000 người), ông Trần Đức Tựa, chủ tịch Hội người Việt tại Kharkov, cho biết vừa qua do tình hình biến động của Ukraine, tình hình của bà con người Việt cũng gặp những khó khăn nhất định. Do đó, một số (khoảng 1.000 người) đã chủ động mua vé về Việt Nam để chờ thời. Những người ở lại đang cố bám trụ, chờ tiến triển tốt đẹp hơn.
Ông Tựa cũng cho biết so với các địa phương khác, tình hình an ninh tại Kharkov tương đối an toàn, hầu như chưa có biến động lớn. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn quán triệt, cảnh báo bà con về quá trình đi lại, giao tiếp, đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Đặc biệt, luôn phải đoàn kết, thông báo thông tin kịp thời để có biện pháp hỗ trợ nhau.
Theo ông Trần Đức Tựa, trong thời gian vừa qua, một lượng người Việt tại vùng chiến sự Donbass đã tản cư lên Kharkov. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, quĩ nghĩa tình của Hội đã hỗ trợ về mặt tinh thần, cung cấp gạo, đường, bố trí chỗ ở. Nhiều bà con cũng chủ động mời các gia đình về nhà mình ở khi họ còn chưa ổn định. Vừa qua, Hội người Việt tại Kharkov đã chuyển cho Hội chữ thập đỏ tỉnh Kharkov 4 xe hàng cứu trợ để giúp đỡ người dân Ukraine trong vùng chiến sự.