Anh Thanh Cao, một công chức ở quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết anh có niềm đam mê với giày thể thao, từ trước đến nay, tất cả giày dép trong gia đình anh đều được đặt hàng từ nước ngoài qua các đầu mối. Không chỉ anh mà cả vợ anh cũng rất mê những món quần áo, nước hoa, túi xách… từ những thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài.
“Vợ anh từng chi gần 1.000 USD để đặt chiếc váy từ bên Anh về. Vợ anh bị tính nghiện đồ ngoại, cái gì cũng đồ ngoại”, anh Cao cho biết.
Trong khi đó, anh V. Tuấn (32 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết anh đã sống ở Hà Nội từ bé đến nay và chưa bao giờ thấy đường phố Hà Nội nhộn nhịp ôtô hạng sang như hiện nay.
“Khoảng 5 năm trước, để thấy một chiếc ôtô hạng sang chạy ở đường phố là hiếm nhưng hiện nay các loại Audi, Land Rover, BMW hay Lamborghini, Bentley… chạy nhan nhản ngoài đường. Chưa kể từ trẻ nhỏ đến cụ già, trên tay ai cũng cầm smartphone, thứ mà 5 năm trước khá hiếm”, anh Tuấn cho biết.
Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc siêu xe hạng sang chạy ngoài đường phố. Ảnh minh họa: Minh Anh. |
Anh Q. Huy (quê Bắc Ninh), nhân viên bán hàng một đại lý phân phối xe ôtô tại Hà Nội, cho biết những năm gần đây doanh số bán hàng tại đại lý rất ổn định. Cùng với các dòng xe bình dân có giá từ 800 triệu đồng trở xuống được mua mạnh, ngày càng nhiều người mua những dòng xe với giá trị trên 1 tỷ đồng.
“Từ đầu năm đến nay khách hàng chủ yếu mua xe hạng sang. Riêng đại lý của anh trong tháng 5 vừa qua đã bán được 4 chiếc ôtô hạng sang”, anh Q. Huy cho biết
Theo chia sẻ của các chuyên gia về thị trường thì những người có thu nhập cao có xu hướng chuộng hàng ngoại hoặc những mặt hàng hạng sang.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu tới 2,7 tỷ USD hàng hóa từ nước ngoài. Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu những nhóm hàng xa xỉ như điện thoại thông minh, hàng điện tử, ôtô hạng sang… chiếm tỷ trọng rất lớn.
Cụ thể trong 5 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu trên 5 tỷ USD chỉ riêng nhóm hàng điện thoại các loại và phụ kiện, tăng tới 123,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường GFK cũng cho biết trong 3 tháng đầu năm, người Việt chi gần 20.000 tỷ đồng để mua điện thoại thông minh, doanh số bán ra đạt 3,6 triệu chiếc. Con số này tăng so với 17.800 tỷ đồng cho 3,47 triệu chiếc smartphone cùng kỳ năm 2016.
Trong những tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tới 2,9 tỷ USD hàng hóa điện thoại các loại và linh kiện. Đồ họa: Quang Thắng. |
Còn số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến ngày 15/5, ngoài nhóm hàng điện thoại các loại và phụ kiện, Việt Nam cũng nhập khẩu tới 38.106 ôtô từ nước ngoài, trong đó phần lớn là xe dưới 9 chỗ với số lượng 20.857 chiếc, tổng giá trị lên tới 329 triệu USD.
Ôtô và điện thoại là một trong những nhóm hàng thuộc nhóm hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên những năm gần đây lượng nhập khẩu nhóm hàng này vào Việt Nam vẫn tăng rất nhanh.
Một chuyên gia kinh tế từng cho biết thuộc nhóm hàng bị hạn chế nhập khẩu nhưng những mặt hàng này gần như chưa có đơn vị nào trong nước sản xuất, nguồn hàng chủ yếu phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Tổng cục Thống kê cho biết hàng hóa từ các thị trường như Đức, Italia, Hà Lan, Pháp… nhập khẩu về Việt Nam đang có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2017. Các thị trường cung cấp hàng hóa chính về Việt Nam vẫn là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản và lớn nhất là thị trường Trung Quốc.
Trong quý I, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng là nhóm có trị giá nhập khẩu lớn nhất với tổng trị giá lên tới hơn 8 tỷ USD; nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu trị giá 7,6 tỷ USD. Điện thoại các loại và linh kiện xếp thứ 3 với trị giá hơn 2,9 tỷ USD.