Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt hay cười

Cử chỉ thông thường của người Việt được nhìn nhận trong sinh hoạt thể hiện ở những hành vi tưởng chừng nhỏ nhặt hàng ngày.

Hay cười, xỉa răng, ngồi xổm là ba hành vi đặc trưng của người Việt, dù ngày nay đã thay đổi chút ít. Gặp bất cứ ai, dù không quen biết, người Việt có thói quen hay cười, rồi cả khi quen nhau rồi, mỗi khi kết thúc công việc gì đó lại cười.

Bắt tay cười, mua hàng cười, nói chuyện cười, xem đám đông cười, thắng lợi cười, thất bại cũng cười... nghĩa là cười ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, trong đó có cả cười một mình và lẩm bẩm một mình.

Cười trở thành một thói quen bắt đầu cho một giao tiếp, đến nỗi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho rằng hay dân tộc mình còn trẻ con.

Cái cười này không nhất thiết bộc lộ niềm vui, nó giống như lời chào thôi, để kết thúc một việc, nhất là khi gặp gỡ quan lại, sai nha xưa để giải quyết việc hành chính, cười còn có tính nịnh nọt, nhằm lấy lòng cho được việc.

Song trong cuộc sống thường nhật, không nhất thiết phải cầu cạnh ai người ta vẫn cười, điều đó cho thấy cười đã trở thành một hành vi vô thức, không nhất thiết phải có việc hay thái độ gì.

Xỉa răng sau bữa ăn

Xỉa răng chỉ là việc rất nhỏ sau khi ăn của người Việt, nhưng được người phương Tây nhìn nhận như một đặc trưng tính cách, họ cho rằng người Việt hay ăn cỗ, và ai ăn xong rồi thì được đánh dấu bằng một cái que trong miệng.

Hầu hết người Việt lớn lên đôi chút là chân răng thường hở, khiến cho khi ăn thức ăn dính vào kẽ răng và phải xỉa răng. Tập tục ăn trầu có chất vôi và nhuộm răng đen làm cho răng chắc khỏe, với những ai giữ được thói quen truyền thống này thì có thể giảm xỉa răng. Tuy nhiên, trong quá khứ, thuốc đánh răng và bàn chải chỉ xuất hiện khi người phương Tây sang, còn người Việt cổ chỉ có súc miệng bằng nước chè, rượu, đánh răng bằng than hay múi cau khô.

Ngoài bốn mươi, sự lão hóa bắt đầu và răng bắt đầu rụng cũng như doãng ra, người ta buộc phải xỉa răng. Người Việt cổ già tương đối sớm, cũng như lập gia đình sớm.

50 tuổi là ra đình lên lão, 60 tuổi là hết vòng hoa giáp có thể chầu trời, 70 tuổi là rất hiếm. Tục xỉa răng không phổ biến ở người phương Tây nên được coi là cử chỉ riêng của người Việt.

Xỉa răng sau khi ăn thực ra liên quan cách thức nấu nướng hàng ngày. Chúng ta không rõ thời trung cổ người phương Tây ăn những tảng thịt nướng to tướng thì họ sẽ xử lý răng miệng thế nào, nhưng về sau nhiều đồ ăn phương Tây chuyển sang hầm nhừ, bộ răng không quá vất vả.

Món ăn Trung Hoa cũng vậy, không nhiều đồ luộc như Việt Nam. Người Việt ăn nhiều chất xơ và đồ luộc, chất xơ từ rau cỏ, lại ăn nhanh và không nhai kỹ, lại luôn miệng nói chuyện trong khi ăn, nên luôn làm cho bộ răng ngứa ngáy. Vả lại đàn ông xỉa răng để nói nốt câu chuyện tào lao rồi uống trà, đàn bà che miệng xỉa răng lộ vẻ kín đáo.

Nguoi Viet hay cuoi,  quen xia rang va ngoi xom anh 1

Ăn trầu là tục xưa của người Việt. Ảnh: EFEO.

Chỗ ngồi trên chiếu thể hiện vị thế

Ngồi khoanh chân xếp bằng như tọa thiền là tính cách riêng của người phương Đông. Đầu gối người phương Tây do quá trình sống riêng rất khó gập được như vậy. Nhưng ngay cả người phương Đông hiện đại không phải ai cũng ngồi xếp bằng được, bởi thói quen mới ngồi duỗi chân với bàn ghế cao và bệnh béo phì, còn người xưa ngồi chiếu là phổ biến.

Cái chiếu phổ biến đến mức nó trở thành khái niệm tượng trưng, xác định vị thế xã hội của con người. Người ta gọi là hộ tịch, tức là góc chiếu của gia đình và cá nhân nào đó, trong đó hộ là cái cửa nhà, cái nhà, còn tịch là cái chiếu. Người đứng đầu gọi là chủ tịch, những người khác gọi là tịch viên.

Và người có mặt nhưng không có quyền như những người trong cuộc khác thì gọi là liệt tịch. Liệt tịch bao gồm cả con ngựa ta cưỡi đến dự một cuộc khai hội (họp), nghĩa là chúng có đến cùng với chủ nhưng không được quyền phát biểu.

Ra đình bạn sẽ được ngồi xếp bằng trên một góc chiếu, đó là vị thế của bạn. Có chiếu trên chiếu dưới phân cấp. Chiếu trên thì gần bàn thờ Thánh, càng xa bàn thờ thì càng là chiếu thấp, thấp nữa là chiếu ngoài sân đình.

Riêng những người làm mõ thì ngồi chiếu riêng, ăn mâm riêng được coi là những người hạ đẳng xuất thân từ dân ngụ cư. Chiếu cao hơn thì cỗ cũng to hơn, nhiều món hơn. Kẻ thấp sẽ ghen tức vì mâm kẻ cao thật nhiều sơn hào hải vị. Mới có câu “Bầu dục không đến bàn thứ tám”.

Nguoi Viet hay cuoi,  quen xia rang va ngoi xom anh 2

Góc chiếu làm nên vị trí của người ngồi. Ảnh minh họa: Pinterest.

Cái văn hóa góc chiếu giữa đình này chưa hề mất đi, ngày nay nó được thay thế bằng văn hóa phong bì, nghĩa là ăn tiệc sẽ như nhau, nhưng tiền thưởng theo đẳng cấp.

Quỳ lạy được dùng trong tế lễ, yến kiến vua quan, không thật phổ biến trong sinh hoạt. Đại bộ phận nông dân thích ngồi xổm, tức là ngồi gập đầu gối, đít kê hòn gạch hoặc ghế đẩu, hoặc ngồi không, hoặc ngồi bệt.

Sức sống trăm năm của cuốn sách về lịch sử Việt Nam

100 năm qua, “Việt Nam sử lược” được lưu hành trên thị trường như quyển sách vỡ lòng cho những người bắt đầu tìm hiểu lịch sử.

Phan Cẩm Thượng / Zenbooks, NXB Thế giới

SÁCH HAY