Tiếp nối năm 2017, 2 tháng đầu năm 2018, thị trường ôtô chứng kiến những biến đổi khó lường nhất là khi Tết Mậu Tuất đang gần kề. Giá xe lắp ráp tiếp tục trên đà giảm trong khi một số mẫu xe nhập lại khan hàng.
Mới 2 tháng trước, anh Minh Thành, một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội, còn hào hứng chia sẻ: “Giá xe năm 2017 giảm sâu, may quá tôi không mua xe, không thì lỗ to. Đợi có thưởng Tết cuối năm tôi mua xe đi du xuân luôn, đỡ phải vay ngân hàng nhiều”.
Thế nhưng, mọi dự tính của anh Thành đều đổ bể khi Nghị định 116 có hiệu lực từ tháng 1/2018. Văn bản này quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô nhằm siết chặt thị trường ôtô nhập khẩu, không còn đường lách cho các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân. Ngay lập tức, một số mẫu xe Honda và Toyota trở nên khan hàng. Đây là điều chưa từng có ở Việt Nam.
“Chưa bao giờ tôi lại thấy ôtô lại không có để mà mua, phải xếp hàng thế này” - anh Thành chia sẻ.
Mẫu xe Honda CR-V 2.0 AT anh Thành chọn lựa, ở thời điểm này thì không có mà mua nhưng theo tính toán của Zing.vn, trong năm 2017, đây lại là một trong những mẫu xe rớt giá nhiều nhất. Đứng đầu danh sách giảm giá là Mazda sedan 2.0 và Mazda CX-5 2.5 (1 cầu), mẫu xe anh Thành đang mơ ước đứng ở vị trí số 3.
Không chờ đợi như anh Thành, anh Quang Đại, làm trong lĩnh vực truyền thông ở Hà Nội, quyết định mua xòng xe này hồi tháng 9 để phục vụ công việc. Không lâu sau khi anh mua, mẫu xe này giảm giá 110 triệu.
Câu chuyện của anh Đại và anh Thành khá phổ biến với thị trường ôtô Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay. Hàng loạt những chính sách liên quan đến thuế phí nhập khẩu ôtô có hiệu lực trong năm 2018 tạo tâm lý chờ đợi giá giảm cho người tiêu dùng, đồng thời cũng tạo sức ép giảm giá lên các hãng xe để giữ thị phần và doanh số.
Sự giằng co giữa cung - cầu tạo thành thế xoay vòng. Doanh nghiệp càng giảm giá, niềm tin của người tiêu dùng càng có cơ sở rằng giá xe vẫn có thể giảm thêm nếu kiên nhẫn chờ đợi. Nếu không thể chờ thêm, người dùng chỉ có thể "nhắm mắt mua", phó mặc cho chuyện giá xe lên xuống.
Từ câu chuyện tiếc nuối của anh Đại, Zing.vn thử ước tính số tiền mà người Việt “hao hụt” vì xe mất giá năm 2017. Trích xuất số liệu về doanh số 20 mẫu xe bán chạy nhất trong năm vừa qua từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và giá niêm yết của hãng trong năm của từng phiên bản từ tháng 1 cho đến tháng 12 (không xét đến giá tại đại lý). Dựa trên mức chênh lệch giá xe do hãng niêm yết tính từ tháng đầu tiên bán ra trong năm 2017 (tháng 1) cho đến tháng cuối cùng (tháng 12), cùng với doanh số mẫu xe đó ở mỗi tháng, có thể tìm ra số tiền mà khách hàng đã mất đi vì xe giảm giá.
Với mẫu xe không có số liệu từng phiên bản, số tiền mất đi được tính toán giá dựa trên phiên bản thấp nhất, do đó số tiền mất đi này được hiểu là mức tối thiểu.
Trên thực tế, số tiền mà khách hàng mất đi còn cao hơn rất nhiều. Ước tính trong năm 2017, người Việt “hao hụt” ít nhất 2.900 tỷ đồng bởi giá xe giảm.
Minh họa công thức tính số tiền 'hao hụt" năm 2017 cho mẫu xem Camry 2.0E.
2018: Xe nhập gặp khó, mặt bằng giá xe giảm
Sang năm mới 2018, khi người tiêu dùng chờ ngóng xe giá rẻ, thì nhiều mẫu xe mới từ nhập khẩu đến lắp ráp trong nước lại tăng giá, gây nỗi thất vọng cho thị trường.
Mazda CX-5 tăng giá 10-30 triệu đồng do tăng phí vận chuyển linh kiện. Honda CR-V 2018 cũng tăng giá so với dự kiến, vì những mẫu xe được nhập về đợt đầu tiên đã thông quan trước 1/1/2018 nên không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% nội khối ASEAN. Một số trường hợp xe nhập được đại lý báo khan hiếm hàng phải bỏ thêm tiền mới mua được xe mới.
Trong khi xe nhập còn khan hiếm ở Việt Nam, thì các hãng xe trong nước tiếp tục giảm giá.
Bước sang tháng 2/2018 vài ngày, nhiều hãng xe đã bắt đầu cuộc đua giảm giá. Các hãng như Toyota, Mazda, Kia, Mitsubishi và Chevrolet lần lượt giảm giá xe từ vài chục triệu đồng đến mức cao nhất là 200 triệu đồng/chiếc để cạnh tranh với các loại xe cùng loại.
Chính sách giảm giá giúp các hãng tăng sức cạnh tranh, giành thị phần, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, khi người tiêu dùng sẵn sàng móc hầu bao để mua sắm.
Trong khi đó, theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, giá xe năm 2018 sẽ còn đi lên.
Năm 2018, ai sẽ thống lĩnh thị trường xe Việt? Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra bởi kỳ vọng thuế xe nhập khẩu từ ASEAN về nước đang là 0%, người tiêu dùng và thị trường trông đợi vào các đợt giảm giá nhiều, mạnh tương xứng với thuế nhập xe giảm từ 30% xuống 0%.
Tuy nhiên, nếu không có những điều chỉnh, thì người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi như trường hợp anh Thành, anh Đại. Người mua xe trong năm 2017 thì mất tiền, người chờ mua xe trong năm 2018 thì thấp thỏm lo không có xe ưng ý mà mua.
“Mua nhà, tậu xe” trong tâm khảm người Việt là những dấu mốc lớn trong cuộc đời. Và với sự tăng lên nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam thì sở hữu một chiếc ôtô như phương tiện đi lại càng trở nên dễ dàng. Thế nhưng, thực tế lại không phải vậy.
“Giờ mua ôtô như chơi chứng khoán vậy, căng thẳng thật. Có tiền còn không mua được xe nữa, Tết này thôi đành du xuân bằng xe máy vậy,” anh Thành cười trừ.