“Tôi thấy khiếp vía vì cảnh tượng bên ngoài”, chị Vũ Hường - sinh sống ở thành phố Tampa, Florida đã được 4 năm - nói với Zing qua điện thoại vào khoảng 19h tối 28/9 giờ địa phương (khoảng 6h ngày 29/9 giờ Việt Nam). Chị đang trú với bạn cùng phòng ngay tại chính nơi ở, một căn hộ tại khu Cordoba, thuộc Tampa.
Nhìn ra ngoài cửa sổ, chị Hường thấy gió thổi những cây cọ đặc trưng trên đường phố Florida như “món đồ chơi trẻ con” khi bị quăng quật “tứ bề không thương tiếc” giữa không trung.
Âm thanh gió gào rú bên ngoài “là thứ tiếng động chưa từng nghe thấy”, khiến chị Hường không dám mở cửa sổ để nghe ngóng tình hình. Tiếng lá cờ phần phật trước gió đập vào cột cờ gần nhà kêu lanh canh cũng làm chị thấy ghê sợ, giống “tiếng chuông nguyện hồn ai”.
Bão Ian đã mạnh lên thành bão cấp 4 khi đổ bộ vào Florida vào khoảng 15h ngày 28/9 giờ địa phương, với sức gió lên đến hơn 240 km/h kèm mưa xối xả cùng đợt sóng biển nguy hiểm, khiến nó trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Mỹ trong những năm trở lại đây.
Tính tới tối 28/9, mặc dù dần suy yếu thành cấp 1 trong lúc di chuyển trên đất liền, cơn bão này vẫn khiến đường phố tại nhiều khu vực biến thành sông, trong khi hàng triệu người chịu cảnh sập nguồn điện.
Chị Hà Thu - người Việt sống tại Florida đã gần 10 năm - cho biết từ 10h sáng 28/9 tới tận đêm, điện nhà chị đã bị chập chờn, có lúc mất hẳn, dù bão chưa trực tiếp ảnh hưởng tới khu vực chị sinh sống ở Tampa vào thời điểm trò chuyện với Zing.
“Hiện tại, khu vực Tampa vẫn mưa suốt từ tối 27/9 và gió giật mạnh”, chị chia sẻ. “Tôi sinh sống ở Florida gần 10 năm nên cũng khá quen thuộc với tình hình bão tố ở bang này. Tuy nhiên lần bão nào thì cũng như lần đầu tiên, nên lo lắng hồi hộp là không thể tránh khỏi”.
“Thà chuẩn bị thừa còn hơn thiếu”
Chị Hà Thu cho hay hầu như năm nào, Florida cũng chứng kiến mưa bão nên bản thân chị luôn trong tâm thế sẵn sàng phòng chống vào khoảng thời gian này.
“Khi nhận được tin bão có khả năng đổ bộ vào khu vực sinh sống, điều đầu tiên tôi chuẩn bị là tích trữ thêm thực phẩm khô ăn liền như mì gói, bánh mì, đồ hộp và nước uống đóng chai”, chị liệt kê.
Ngoài ra, chị cũng dự tính đến trường hợp mất điện và mất nước trong nhiều ngày, nên đã chuẩn bị thêm các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ như bếp gas mini, đèn pin, pin tiểu, đồ sạc dự phòng,...
Chị cũng kiểm tra và khóa kín các cửa sổ để tránh gió giật và gắn tấm chắn gỗ vào các cửa sổ gần cây lớn để cản bớt sức gió gây vỡ kính.
“Tôi còn chặn khe cửa bằng túi cát để ngăn nước ngập và cắt bớt các nhánh cây có thể rụng rơi vào nhà”, chị cho hay, nói thêm chính quyền bang còn tổ chức các điểm để người dân tới nhận bao cát chặn khe ngăn nước ngập.
Chị Thu chắn cửa bằng tấm gỗ để phòng tránh bão. Ảnh: NVCC. |
Theo chị Thu, điều quan trọng nhất là cần chuẩn bị túi hành lý khẩn cấp để trong tình huống nguy hiểm có đủ vật dụng cùng gia đình di tản tới các địa điểm trú ẩn.
“Nhà tôi may mắn không nằm trong diện di tản vì không thuộc khu vực ngập lụt. Tuy vậy, tôi vẫn tìm hiểu về các điểm trú ẩn gần nhà và đảm bảo xăng đầy bình để nếu cần có thể nhanh chóng sơ tán”, chị cho hay.
Chị Thu nói thêm do đây là lần đầu tiên ở Florida đúng dịp bão, khi mọi năm chị đều đi công tác trong thời gian này, nên chị “cũng có những hoang mang nhất định”. “Thà chuẩn bị thừa còn hơn thiếu. Hy vọng mọi thứ sẽ ổn”, chị nói.
Giống chị Thu, anh Tuấn Phạm - sinh sống 20 năm ở Tampa - cho hay dù khá lo lắng, anh vẫn bình tĩnh và lên kế hoạch chi tiết đón bão.
Từ lúc cơn bão cách Tampa khoảng 150 km, anh Tuấn đã có nhiều biện pháp bảo vệ căn nhà, như gia cố hàng rào, dọn dẹp xung quanh, cất đồ như thùng rác ngoài sân để tránh trường hợp bị thổi bay.
“Tôi chuẩn bị nước, đồ ăn, pin, đồng thời đảm bảo sạc đầy đủ các thiết bị điện, đặc biệt là điện thoại di động để có thể cập nhật thông tin trong trường hợp mất điện. Tôi cũng lập kế hoạch ứng phó để gia đình biết cách làm gì khi mất điện: Có đèn pin, nến, bếp gas để nấu nướng. Có người mua máy phát điện nhưng nhà tôi không có vì cả nhà sẽ đi thuê trọ nếu cắt điện lâu dài”, anh nói.
“Nếu bão tới, tôi và gia đình cùng trú tại căn phòng ngủ nằm giữa nhà. Khu nhà tôi nằm giữa thành phố nên chưa bao giờ bị lụt”, anh chia sẻ thêm.
Ngoài ra, chị Thu cho biết từ trước đó, chính quyền bang đã chỉ đạo phòng tránh. Hầu hết cửa hàng và doanh nghiệp, trong đó có công ty chị đóng cửa từ 17h trước ngày bão về để có đủ thời gian di tản và phòng chống.
Một số đồ gia đình anh Tuấn Phạm chuẩn bị để tránh bão. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, giới chức cũng liên tục tổ chức họp báo để cập nhật tình hình bão, điều hướng người dân ở khu vực tâm bão và nguy cơ ngập lụt cao tới khu vực trú ẩn miễn phí ở địa phương, theo chị Thu.
Tương tự, chị Hường cho biết ngay khi có tin dự báo bão có thể vào Tampa, các trường học xung quanh trở thành “lô cốt” chống bão khi nơi này có nhân viên chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho mọi người. “Khi tôi đi siêu thị hai ngày trước, mọi người đã khua khoắng không còn một hộp sữa, miếng bánh mì hay chai nước nào trên kệ”, chị nói.
Chính quyền Tampa khi ấy đã ban lệnh sơ tán nhưng chị Hường không đi. “May mắn cơn bão lần này đã không đánh vào Tampa, nếu không chắc tôi cũng gặp nguy hiểm”, chị nói.
Khi được hỏi lý do không sơ tán tới các trung tâm trú bão tập trung, chị thừa nhận còn chủ quan do chưa có kinh nghiệm.
“Từ khi tôi chuyển tới Florida, mỗi năm đều có dự báo bão nhưng chưa năm nào bão nào đánh vào Tampa, đều chỉ vào những nơi cách đây khoảng 4-5 tiếng xe chạy, ảnh hưởng không quá lớn”, chị nói. “Nhưng cơn bão lần này chỉ cách tôi 2 tiếng xe chạy mà đã đáng sợ như vậy, tôi mới nhận ra mình chưa có kinh nghiệm trong việc này”.
Lo thiếu điện hơn thiếu thực phẩm
Chị Hường nói nỗi lo bây giờ không phải về thực phẩm mà là mất điện.
“Hiện giờ nhà tôi vẫn còn điện nhưng không biết sẽ được bao lâu”, chị nói, cho biết thêm đèn điện đã có dấu hiệu nhấp nháy trong lúc trao đổi qua điện thoại với Zing. “Trong tủ lạnh tôi để rất nhiều đồ đã nấu nên nếu cúp điện, đồ ăn sẽ hỏng hết mất”, chị nói.
Và dù bão không trực tiếp đánh vào Tampa, chị Hường vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm vì thành phố này vẫn chịu ảnh hưởng. “Không chỉ thế, tôi còn cảm thấy lo lắng cho nhiều người Việt Nam đang sống ở Fort Myers, nơi tôi nghe nói tình hình rất tệ”, chị nói.
Thông báo lệnh sơ tán của chính quyền nơi chị Vũ Hường sinh sống. Ảnh: NVCC. |
Trước đó, hôm 25/9, chuyên gia về bão John Cangialosi cho biết chưa thể xác định nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão Ian.
Ông khẳng định người dân nên chuẩn bị, đặc biệt trong trường hợp mất điện kéo dài. Tính đến 26/9, Tampa và St.Petersburg là một trong những nơi có nhiều khả năng bị bão lớn tấn công trực tiếp.
Tới 23h đêm 28/9, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ cho biết Ian dự kiến di chuyển qua miền Trung Florida trong đêm. Sau đó, dọc theo bờ biển phía tây nam của Florida, các cộng đồng ven biển bị tấn công trong nhiều giờ.
Gió mạnh thổi bay đồ vật, quật ngã cây cối và đánh sập đường dây điện. Cùng với gió giật dữ dội, triều cường dâng cao cũng đe dọa tính mạng con người. Triều cường thậm chí lên đến 2 m khi bão đổ bộ, theo AP.
Các nhà chức trách trước đó đã cảnh báo mực nước ở một số khu vực dân cư sẽ lên mức cao kỷ lục. Mực nước ở Fort Myers đạt mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi các quan chức bắt đầu ghi thời tiết chi tiết vào năm 1965.
Chị Thu nhận định vì bão Ian lần này chuyển biến bất thường và có hướng đi rất khó đoán nên việc chuẩn bị chống bão trong các địa phương cũng khá gấp rút và không được chỉn chu như những năm trước.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ người dân Florida đã khá quen trong việc phòng tránh bão nên họ chủ động phòng bị theo cách riêng chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào hỗ trợ của chính quyền địa phương”, chị kết luận.