Cải cách hệ thống đào tạo nguồn nhân lực quốc gia là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và khu vực. Thế nhưng, cho đến nay, tốc độ cải cách vẫn rất chậm chạp. Bằng chứng rõ nhất là sau hơn 2 năm lên kế hoạch, việc xây dựng khung trình độ quốc gia (NQF) - một công cụ cho việc phát triển, phân loại các kỹ năng, kiến thức và năng lực theo các cấp độ - vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể.
Theo ông Mark Novels, Giám đốc công ty tư vấn quản lý giáo dục Anh Novels Consulting, NQF sẽ giúp mọi người hiểu sâu hơn về các cấp độ chuyên môn cũng như con đường để đạt được các cấp độ đó. Ở Anh, chẳng hạn, công chúng có thể tiếp cận cơ sở dữ liệu về các cấp độ chuyên môn để tham khảo xem bằng cấp nào có thể giúp họ thích ứng với công việc mà mình mong muốn. Nó cũng giúp các nhà tuyển dụng tìm được nguồn lao động thích hợp.
Năng suất lao động của Việt Nam bị xếp vào hàng thấp nhất khu vực châu Á. |
Quan trọng hơn, NQF sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo của một quốc gia. Một số nước châu Âu, chẳng hạn, đã tham chiếu NQF của các nước tiên tiến để từ đó cải cách hệ thống các tiêu chuẩn, bằng cấp và nội dung đào tạo cho tương thích hơn.
Trên thế giới, 130 nước đã có NQF. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia, Philippines đã hoàn thiện những bước căn bản của tiến trình xây dựng NQF và giờ đến lượt Campuchia. Còn Thái Lan đã hoàn thành xong khung trình độ này từ lâu.
Trong khi đó, việc triển khai NQF ở Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ. Thậm chí, hai Bộ có trách nhiệm chính trong đề án này là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đến giờ vẫn chưa phối hợp cùng nhau để triển khai các bước đi cụ thể.
Việc chậm triển khai NQF có thể khiến Việt Nam đánh mất phần nào hình ảnh hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi họ phải tốn nhiều nguồn lực hơn để tìm kiếm và xây dựng nguồn lao động phù hợp.
Không chỉ vậy, Việt Nam có thể mất đi cơ hội cải thiện hệ thống đào tạo chất lượng lao động trong nước, khi vẫn chưa biết mình đang đứng ở đâu. Trên thực tế, kỹ năng làm việc, trình độ chuyên môn, khả năng giao tiếp tiếng Anh của lao động Việt Nam vẫn bị đánh giá là rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều này góp phần khiến năng suất lao động của Việt Nam bị xếp vào hàng thấp nhất châu Á như thể hiện trong báo cáo “Thế giới Việc làm 2014” gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Đây sẽ là một thách thức cho Việt Nam khi cộng đồng kinh tế ASEAN được dự kiến thành lập vào năm tới, vì khi đó sẽ có một luồng chảy tự do hơn về nguồn nhân lực giữa 10 quốc gia trong khu vực để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Với trình độ hiện nay, liệu lao động Việt Nam có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác như Philippines? “Philippines có dân số đang tăng, trẻ, được đào tạo và nói tiếng Anh tốt. Cùng với việc có nhiều tài nguyên, Philippines là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Naoyuki Shinohara, Phó Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đánh giá về Philippines bên lề hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 diễn ra hồi tháng 5.