Genetica, một startup của người Việt về lĩnh vực giải mã gene vừa cung cấp dịch vụ GeneNFT tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên người dùng Việt Nam có thể sở hữu kết quả giải mã gene của mình dưới dạng NFT hóa.
Để làm điều này, Genetica đã ứng dụng blockchain nhằm mã hóa dữ liệu. Startup này sau đó phát hành GeneNFT (một dạng chứng chỉ số về bộ gene) nhằm trao cho mọi người quyền kiểm soát dữ liệu di truyền của chính họ.
Ứng dụng quản lý dữ liệu giải mã gene của Genetica. Ảnh: Trọng Đạt/VietNamNet. |
Giải mã gene là việc dùng DNA (Deoxyribonucleic Acid) có trong các tế bào của cơ thể con người để xác định những gì liên quan đến di truyền như tiềm năng, thể chất, dinh dưỡng, nguy cơ bệnh trong mỗi người. Không chỉ là tìm hiểu về huyết thống, giải mã gen cho chúng ta cái nhìn toàn diện về những cơ chế ẩn sâu bên trong cơ thể.
Sau khi giải mã gene tại Genetica, dữ liệu gene sẽ được mã hoá, lưu trữ, bảo mật và quản trị trên hệ thống của Gene Friend Network.
Người dùng có thể kiểm tra GeneNFT bằng cách truy cập ứng dụng Genetica, vào Genetica Wallet (Ví Genetica), mở tab GeneNFT. Sau đó, họ sẽ nhìn thấy chứng nhận GeneNFT và có thể kiểm tra NFT token trực tiếp trên mạng Blockchain.
Theo Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Genetica: “GeneNFT là một loại tài sản kỹ thuật số, đại diện cho dữ liệu gene của một cá nhân”.
“Bộ gene của mỗi người là duy nhất, vì vậy GeneNFT của mỗi người cũng chỉ có một. GeneNFT có vai trò như một chứng chỉ đảm bảo bạn thực sự sở hữu bộ gene độc nhất của chính mình”, Tiến sĩ Cao Anh Tuấn chia sẻ.
Với việc nắm giữ GeneNFT, người xét nghiệm gene hoàn toàn tự quyết định về việc có chia sẻ dữ liệu di truyền của bản thân cho bên thứ ba hay không. Đây chính là lời giải cho câu chuyện minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu gene vốn gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học trước đó.
GeneNFT có vai trò như một chứng chỉ số, đảm bảo người giải mã gene tại Việt Nam thực sự sở hữu bộ gene của chính mình. Ảnh: Trọng Đạt/VietNamNet. |
Dù được xem như một loại tài sản, GeneNFT không ra đời với mục đích buôn bán để thu lại lợi ích kinh tế. Thay vào đó, người sở hữu có thể đồng ý cấp quyền truy cập dữ liệu gene của mình cho các nghiên cứu y học, dược phẩm hoặc bào chế thuốc… vì sự phát triển của nền y học Việt Nam và khu vực.
“Trong trường hợp này, các tổ chức nghiên cứu thường sẵn lòng tài trợ một khoản chi phí nhỏ cho quyền truy cập phân tích dữ liệu di truyền”, ông Tuấn cho biết thêm.
Bắt đầu hoạt động và mở văn phòng tại Việt Nam năm 2018, Genetica hiện cung cấp bốn nhóm dịch vụ giải mã gene cho người Việt.
Startup này cũng đang sở hữu CLIA, CAP - những chứng chỉ nghiêm ngặt bậc nhất tại Mỹ cho các phòng thí nghiệm về xét nghiệm gene. Kết quả báo cáo được thẩm định bởi đội ngũ khoa học thuộc các trường đại học hàng đầu tại Mỹ như Harvard, Stanford, California San Francisco, Cornell.
Bình luận