Theo đó, 69% người Việt Nam được hỏi cho biết sử dụng tiền nhàn rỗi vào việc tiết kiệm. Tỷ lệ này ở Hong Kong, Trung Quốc đại lục và Indonesia lần lượt là 68%, 66% và 62%.
Lý giải về xu hướng này, bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam nhận định, "ngày càng có nhiều người cảm thấy tự tin hơn về tương lai".
Thực tế, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia lạc quan nhất toàn cầu. Quý III/2019, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt 128 điểm phần trăm, tăng 4% so với quý trước và cao hơn hẳn chỉ số trung bình trên thế giới (107 điểm phần trăm). Phần lớn kết quả tăng trưởng này đến từ sự lạc quan về cơ hội việc làm và vấn đề tài chính.
Hiện nay, theo ghi nhận của Zing.vn, mức lãi suất tiền gửi cao nhất các ngân hàng đang niêm yết với kỳ hạn dưới 6 tháng là 5%/năm, trong khi thời hạn 12 tháng hưởng lãi suất cao nhất là 8,15%/năm. Mặt bằng lãi suất đã có nhiều thay đổi sau chỉ đạo hạ trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù vậy, người Việt vẫn có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn là chi tiêu cho hôm nay, bà Hawley đánh giá. Ngoài yếu tố chi tiêu tăng trưởng duy nhất là quần áo, người Việt ngày càng dành ít tiền hơn vào du lịch, công nghệ và giải trí.
Đáng chú ý, với mối quan tâm hàng đầu là sức khỏe, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đáp viên mua bảo hiểm sức khỏe cao cấp cao nhất thế giới. 46% người được hỏi quan tâm nhiều nhất đến sức khỏe, trong khi các vấn đề về ổn định công việc, cân bằng cuộc sống hay tình hình kinh tế trong nước chỉ chiếm 37%, 24% và 21%.
Điều này tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe và thực phẩm hữu cơ. Thực tế, quý III/2019 đã ghi nhận thành công của nhiều thương hiệu.