Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt chịu ảnh hưởng từ quyết định đóng biên giới Pháp

Công dân Việt Nam tại Paris đang nóng lòng chờ tin tức từ chính phủ Pháp về thời điểm biên giới mở trở lại sau các vụ tấn công vào đêm 13/11.

Cảnh sát tuần tra gần tháp Eiffel ngày 14/11 - một ngày sau vụ tấn công liên hoàn ở thủ đô khiến 129 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Cảnh sát tuần tra gần tháp Eiffel hôm 14/11 - một ngày sau vụ tấn công liên hoàn ở Paris khiến 129 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Anh Nam Thắng, công dân Việt Nam đang làm việc tại Paris, chia sẻ với Zing.vn rằng trước vụ tấn công khủng bố liên hoàn đêm 13/11, nhà chức trách đã siết chặt an ninh tại thủ đô Pháp.

"Khi di chuyển bằng ôtô trên đường, tôi trông thấy cảnh sát chặn một số phương tiện để kiểm tra. Khi tôi hỏi lý do thì họ nói mục đích là xét hỏi những người tình nghi. Hoạt động tương tự diễn ra khắp thành phố", anh kể.

Theo anh Thắng, khi ra ngoài, mọi người đều phải mang giấy tờ tùy thân để trình trước lực lượng an ninh nếu họ yêu cầu.

An ninh càng được siết chặt hơn sau các vụ tấn công bởi Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Toàn bộ trường học, khu vui chơi giải trí như công viên, bảo tàng đều đóng cửa.

"Đường phố vắng vẻ hơn ngày thường rất nhiều. Người nào có công việc khẩn cấp mới ra khỏi nhà hoặc chỉ khách du lịch ở ngoài đường thôi. Dân bản địa ở trong nhà để đảm bảo an toàn. Tất cả mọi người hạn chế ra khỏi ngoài. Họ chờ đợi tin tức mới từ chính phủ với hy vọng cuộc sống sớm trở lại bình thường", anh Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, bạn Trịnh Đình Tuấn Anh, du học sinh tại Anh, cho hay, sau vụ tấn công liên hoàn tại Paris, nhiều người dân thủ đô London quyết định đón dịp Noel sắp tới tại nhà, thay vì xem pháo hoa ngoài trời do lo ngại an ninh.

Hiện tại nhịp sống ở London vẫn diễn ra bình thường. Cảnh sát vẫn tiến hành các cuộc tuần tra như thông lệ. Tuy nhiên, vụ khủng bố trở thành chủ đề phổ biến trong các cuộc trò chuyện của mọi người. “Việc nhóm Nhà nước Hồi giáo tuyên bố London nằm trong tầm ngắm của chúng càng khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, theo họ, khả năng bọn khủng bố tấn công Anh rất thấp”, chàng sinh viên năm cuối nói.

Theo Tuấn Anh, mối quan tâm của nhiều người Việt tại Anh là việc bọn khủng bố tấn công một nhà hàng Việt Nam ở Paris. Họ lo cho sự an toàn của đồng bào khi ở xứ người.

Ngoài ra, Tuấn Anh cũng nói, gia đình các bạn sinh viên Việt Nam rất lo lắng cho con, em đang sống và học tập tại quốc gia châu Âu. Họ luôn tự hỏi liệu Nhà nước Hồi giáo sẽ tấn công Anh như điều chúng tuyên bố hay không.

Chờ đợi để tới nơi an toàn hơn

Ảnh: Snipview.com
Đường biên giới giữa Bỉ và Pháp. Ảnh: Snipview.com.

Theo anh Thắng, cảm giác lo sợ, hồi hộp và hy vọng đan xen tâm trí anh trong một ngày qua. Anh đang có  kế hoạch sang Bỉ - quốc gia láng giềng. Hiện tất cả các đường biên giới giữa Pháp và nước lân cận đều đã đóng theo lệnh của tổng thống Hollande.

"Cả ngày hôm nay (14/11), tôi chỉ ở trong khách sạn để xem TV, cập nhật tình hình xem có tin tức mới không. Chỉ ngồi một chỗ chờ đợi thông tin khiến tôi rất sốt ruột. Tôi nóng lòng muốn nghe thông báo từ chính phủ để biết khi nào họ mở đường biên giới, sau đó sắp xếp thời gian hợp lý", anh nói.

Theo Thắng, thời gian từ Pháp sang Bỉ chỉ khoảng 4 tiếng và nếu ra khỏi Pháp, anh sẽ cảm thấy an toàn hơn. Những người muốn di chuyển sang các nước khác cùng chung tâm trạng như anh. Họ đều chờ đợi và hy vọng bởi họ nghĩ, chuyện đã xảy ra thì không thể thay đổi được.

Đề cập tới việc chính phủ Pháp đóng tất cả biên giới giáp các nước láng giềng, bao gồm Anh, bạn Tuấn Anh cho hay, lệnh cấm không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân sở tại. 

“Những người Việt muốn tới Anh phải qua Pháp và giờ mắc kẹt ở đó. Mọi người đều lo lắng nhưng chỉ có thể chờ đợi quyết định mới từ các chính phủ”, Tuấn Anh nói.

Bạn Bùi Thu Vân, một du học sinh khác tại Anh, kể rằng khi bọn khủng bố tấn công Paris, bạn đang ở London. “Sự buồn bã, xót xa và căm hận hiện rõ trên khuôn mặt người dân Anh khi họ đọc báo về vụ việc”, cô nói. Vân kể một bác cùng đứng trên xe buýt nói: "Chuyện gì đang diễn ra vậy. Thật kinh khủng. Tôi thấy đau lòng quá".  

Theo kế hoạch, một buổi bắn pháo hoa sẽ diễn ra tại London ngày 14/11, nhưng giới chức hủy sự kiện để chia buồn cùng nước Pháp. “Tôi cảm thấy người dân nước Anh muốn nói với người dân Pháp rằng họ hãy tỏ ra mạnh mẽ. Người dân Anh luôn sát cánh bên họ", Vân nói.​​

Chuyện gì xảy ra ở từng địa điểm tại Paris?

Các phần tử khủng bố bắt cóc con tin và xả súng liên tiếp ở nhà hát, nổ súng vào quán bar, cho nổ bom bên ngoài sân vận động ở Paris khiến toàn nước Pháp và thế giới chấn động.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm