Theo số liệu từ GfK, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam tháng 7 đang giảm tốc độ tăng trưởng. Khu vực Hà Nội và Hải Phòng giảm 6,2%, miền Trung và miền Đông giảm 5,7%, TP.HCM giảm 9,6% và miền Tây giảm 0,9%. Riêng miền Bắc, doanh số điện thoại tăng nhẹ 0,5%, gần như giữ nguyên so với năm ngoái.
Tuy nhiên, về mặt giá trị (doanh thu có được) trên toàn thị trường lại tăng nhẹ trên tất cả khu vực. Điều này cho thấy dù bán ít hơn tháng trước, các nhà bán lẻ vẫn thu về nhiều tiền hơn nhờ vào việc người dân sẵn sàng chi trả số tiền cao hơn để mua điện thoại.
Người dùng ngày càng chi đậm hơn cho smartphone, nhưng sức mua của số đông đã giảm so với năm trước. Ở các thành phố lớn, nhu cầu mua điện thoại đang dần ít đi. Ảnh: Duy Tín. |
Diễn biến này trùng khớp với việc Samsung, Oppo và nhiều thương hiệu khác đánh mạnh vào phân khúc cận cao cấp trong nửa đầu 2017 với hàng loạt model như Oppo F3 Plus, Galaxy A5, Galaxy A7, Galaxy C9 Pro... thay vì đấu đá ở nhóm trung cấp như những năm trước đây.
Trong khi mô hình bán lẻ truyền thống tại các chuỗi cửa hàng không còn tăng trưởng mạnh, doanh số bán hàng qua mạng đang tăng đột biến. Toàn thị trường, doanh số bán online tăng 147% so với năm ngoái, riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tăng 94%. Người dùng đã bắt đầu tin tưởng phương thức mua hàng qua mạng nhiều hơn, đặc biệt là tại những hệ thống lớn. Điều này chưa từng xảy ra những năm trước đây, khi doanh số bán online luôn trong tình trạng nghèo nàn.
Không chỉ tháng 7, nhìn tổng quan số liệu nửa đầu 2017, đồ thị tăng trưởng doanh số di động của các vùng miền cũng thiên về cột âm - tức giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm tăng trưởng mạnh hiếm hoi chỉ có thị trường Tây Bắc và Đông Bắc Bộ. Người dân tại những đô thị lớn như Hà Nội (-3,5%), TP.HCM (-14,3%), Đà Nẵng (-18%) đang dần ít mua điện thoại hơn, nhưng khi mua, phần lớn chọn những máy đắt tiền. Điều này giải thích vì sao các cửa hàng vẫn có doanh thu cao hơn nửa đầu 2016 dù lượng khách giảm.
Thê thảm hơn nhiều so với smartphone, máy tính bảng đang là mặt hàng khó bán ở Việt Nam khi doanh số liên tục giảm so với 2016. Tốc độ tăng trưởng đều là số âm ở tất cả các vùng miền và ngay cả kênh bán trực tuyến. Doanh số tablet giảm mạnh nhất là ở TP.HCM (-27,9%), Hà Nội và Hải Phòng (-25,6%). Số tiền các nhà bán lẻ thu về cũng ít hơn năm ngoái, góp phần đẩy máy tính bảng dần đến bờ "tuyệt chủng" tại Việt Nam.
Tính đến tháng 7/2017, thị phần máy tính bảng ở Việt Nam chỉ 3,3% khi có đến 95,9% thiết bị di động bán ra là điện thoại (smartphone và điện thoại "cục gạch". Số % ít ỏi còn lại thuộc về các thiết bị đeo thông minh (đồng hồ thông minh, vòng theo dõi sức khoẻ).
% doanh số của các thương hiệu di động tại Việt Nam trong tháng 5/2017, tham khảo từ GfK. |
Nói với Zing.vn, ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Marketing của Thế Giới Di Động dự đoán thị trường nửa sau của 2017 sẽ sôi động hơn nhờ sự xuất hiện của những sản phẩm mới, đặc biệt là iPhone 8 của Apple và Galaxy Note 8 của Samsung. Số liệu những năm trước cũng chứng minh quý III và quý IV mới là "mùa làm ăn" của giới kinh doanh smartphone khi người dùng mua sắm mạnh tay hơn vào dịp giáng sinh và tết dương lịch.
Chung nhận định, đại diện một nhà bán lẻ khác ở TP.HCM cũng cho rằng không nên sớm "bi quan" với diễn biến hiện tại. "Dù thực tế ở các thành phố lớn nhu cầu về điện thoại đang dần ít đi vì họ đã sắm được smartphone từ năm trước, nhưng khi có sản phẩm thực sự tốt, thị trường sẽ được hâm nóng trở lại", vị đại diện này chia sẻ.
Ở một số tỉnh miền Trung và phía Bắc, các thương hiệu mới nổi đến từ Trung Quốc như Vivo, Huawei, Xiaomi vẫn bán được hàng và có thị phần vài phần trăm. Đây cũng là khu vực còn nhiều người dùng điện thoại cơ bản, có thể nâng cấp lên smartphone trong tương lai gần nếu sản phẩm có mức giá hợp lý.