Tại một quầy hàng thực phẩm ở thủ đô Caracas, ông Humberto Gonzalez phải đặt bao tiền lên bàn cân để tính số lượng thay vì đếm tiền của khách hàng. "Tình hình ngày càng đáng buồn. Chuyện đã đến nước này, tôi nghĩ phô mai còn đáng giá hơn", ông nói với Bloomberg.
Cảnh cân tiền để bán hàng như trên ở Caracas được xem là dấu hiệu rõ rệt nhất về tình trạng siêu lạm phát tại Venezuela, dù nước này không công bố dữ liệu giá tiêu dùng theo định kỳ.
Thu ngân tại một cửa hàng bánh ở Venezuela đang cân tiền để bán hàng. Ảnh: Bloomberg. |
Những bao tải tiền
Hiện tượng cân tiền chưa phải là phổ biến nhưng đang có xu hướng tăng. Nó gợi nhớ đến những giai đoạn lịch sử lạm phát mạnh ở các nước như Đức thời hậu Thế chiến 1, Nam Tư (cũ) những năm thập niên 1990 và gần đây nhất là Zimbabwe.
"Nó cho thấy lạm phát ở Venezuela đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng người dân nước này không biết được mức độ nghiêm trọng thực sự của nó do chính phủ từ chối công bố các số liệu", Jesus Casique, giám đốc tài chính công ty tư vấn Capital Market Finance, nói.
Do không có số liệu chính thức nên những nhà kinh tế buộc phải dự đoán. Họ ước tính tỷ lệ lạm phát khoảng 200% - 1.500%.
Từng là một trong những đồng tiền mạnh của thế giới, tiền bolivar Venezuela giờ đây mang lại sự phiền hà cho người dân. Họ bị đặt vào một hoàn cảnh trớ trêu khi có rất nhiều tiền mặt nhưng chỉ vừa đủ để mua một mặt hàng đơn giản. Nhân viên thu ngân phải chứa tiền trong rất nhiều hộp đựng do ngăn kéo bị đầy kín.
Họ phải cầm theo cả trăm tờ chỉ để mua những hàng hóa cơ bản. Người dân thường phải mang nhiều bao tải tiền ra đường, giữa một đất nước có tỷ lệ tội phạm cao. "Cầm cả đống tiền như vậy ra đường là điều vô cùng nguy hiểm, bạn tự đặt cuộc sống vào sự rủi ro", Jose Marcano, 26 tuổi, nói.
Các chuyên gia kinh tế ước tính lạm phát ở Venezuela khoảng 200%-1.500%. Ảnh: Bloomberg. |
In tiền mệnh giá cao hơn
Để có đủ tiền mua hàng, người dân phải trải qua hành trình mệt mỏi xếp hàng chờ rút tiền ở ngân hàng. Số lượng máy ATM chẳng những bị giảm mà các ngân hàng còn áp đặt hạn mức rút tiền. Chỉ 2 năm trước, tiền trong ATM được bổ sung sau vài ngày. Giờ đây, thời gian bổ sung tiền chỉ còn vài tiếng.
Khoảng 1/3 nhân lực lao động là những người làm các công việc phổ thông và họ chỉ quen sử dụng tiền mặt. Tiền lương hưu cũng được chi trả bằng tiền mặt.
Tiền rớt giá nhưng chính phủ vẫn không phát hành tiền có mệnh giá lớn hơn. Tờ tiền có giá trị cao nhất là 100 bolivar nhưng quy ngang giá chưa bằng đồng 10 xu Mỹ (bằng 1/10 USD).
Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết chính phủ đã bí mật đề nghị các công ty sản xuất tiền gửi các mẫu tiền mệnh giá cao hơn để cân nhắc, bao gồm 500 bolivar, 1.000 bolivar... hoặc thậm chí 20.000 bolivar. Để giảm thiểu chi phí, nhà nước đã đề nghị chỉ thay đổi màu sắc của các tờ tiền hiện hành, thêm vào con số 0, chứ không thay đổi thiết kế.
Caracas được cho là đã yêu cầu phát hành tiền mệnh giá mới trước dịp phát thưởng nhân lễ Giáng sinh. Những đơn hàng in tiền như vậy cần 4-6 tháng để thực hiện, nhưng chưa hợp đồng thầu nào được ký kết. Ngân hàng Trung ương Venezuela không đưa ra phản hồi khi được Bloomberg liên lạc.
Giờ đây, việc có quá nhiều tiền trở thành nỗi ám ảnh với Bremmer Rodrigues, 25 tuổi. Anh là chủ một tiệm bánh ở ngoại ô Caracas, mỗi ngày thu về hàng trăm nghìn tờ tiền bolivar. Rodrigues phải giấu tiền trong văn phòng, đợi đến lúc thích hợp thì đóng gói rồi vận chuyển đến ngân hàng.
"Ai mà nhìn thấy cảnh tôi chuyển tiền chắc họ sẽ nghĩ tôi là trùm ma túy. Mỗi ngày tôi phải nhận cả núi tiền", anh nói.