Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn

Người họa sĩ 77 tuổi, ngón tay gầy gò miết từng nét chì đậm nhạt trên bức họa chân dung một người lính trẻ đã quá cố. Ông tập trung đến mức quên mất sau lưng đang có người.

Ông già “lỗi nhịp”

Ông là Từ Hoa Lợi - họa sĩ vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn. Cách đây chục năm, người con trai của ông thỏ thẻ nói với ông rằng: “Ba ơi! Ba thông cảm cho con, con không đủ kiên nhẫn để theo nghề này”. 

Rồi 5 năm sau, tiệm tranh truyền thần của người học trò duy nhất của ông cũng dẹp tiệm. Thế là chỉ còn một mình ông chung thủy bám lấy nghề, bám riết lấy cái hiên nhà số 596 Điện Biên Phủ, bám riết lấy những bức tranh truyền thần đen trắng đến hoài cổ, cũ kỹ.

“Hai mươi ba năm tròn rồi” - ông bảo thế, giọng đượm buồn.

Những nghề sắp thành dĩ vãng ở Sài Gòn

Nhịp sống Sài Gòn ngày càng năng động, hiện đại nên những nghề một thời phát triển như viết thư thuê, vẽ tranh truyền thần, thợ rèn... dần tàn lụi, chỉ còn người già cả bám nghề.

Phố phường Sài Gòn có bao phen thay đổi chứ ông thì “chịu thôi, chả thay đổi được”. Ông “ngồi lì” ở mái hiên đó suốt 23 năm. Đến nỗi, một người khách hàng từng được ông vẽ chân dung, đi nước ngoài 10 năm. Khi trở về Việt Nam, qua chỗ cũ, thấy ông Từ Hoa Lợi vẫn ngồi đó. 

Ông khách đến ôm vai người họa sĩ già, phá lên cười: “Mèn đéc ơi! Chú vẫn ngồi đây ư?”. Ý ông khách là sao họa sĩ vẫn chưa ngồi một nơi sang hơn, yên ắng hơn mà vẽ cho được tập trung, chứ vẽ ở hiên nhà, thì ồn ào lắm. 

Ông thủng thẳng, đáp: “Khi vẽ tranh, tôi quên tất cả mọi thứ xung quanh mình. Cho nên có ngồi ở đâu cũng vậy thôi”. Với lại, mái hiên này với ông còn là nơi lưu giữ lại kỷ niệm với người vợ đã quá cố 10 năm nay.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi đang chăm chú từng nét vẽ.
Họa sĩ Từ Hoa Lợi đang chăm chú từng nét vẽ.

Hồi mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông được nhận về làm họa sĩ thiết kế sân khấu, phục trang cho Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương. Làm việc đúng 10 năm, ông nghỉ rồi tự mở hàng tranh ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. 

Nhưng cái tính phóng khoáng muốn đi cho thỏa chí tang bồng không giữ được bước chân người họa sĩ ở lại đất thủ đô. Ông lại cùng vợ vào Sài Gòn, mượn luôn hiên nhà một người bạn cùng đoàn xiếc để mở hàng tranh. Cuộc sống sinh hoạt giản dị của hai vợ chồng diễn ra trong căn phòng nhỏ ông thuê sát bên.

Ngày nào cũng vậy, cứ 8 giờ sáng, ông dọn hàng ra, 5 giờ chiều lại dọn về. Hàng tranh của ông nhỏ bé, đơn sơ với chỉ những bức chân dung đen trắng được đóng khung cẩn thận, giá vẽ, và tá bút ông tự chế bằng tre, bông và thậm chí là lông chổi hay đầu lọc thuốc lá. Hàng tranh cũng không nhiều việc lắm, nhưng bà luôn ra phụ ông mấy việc nho nhỏ và cũng say mê nhìn ông vẽ. 

Từ ngày bà mất, ông lủi thủi một mình, lại càng yêu hơn, gắn bó hơn với tranh. Ông quyết không rời góc của mình để về sống cùng các con. Bởi góc này, những bức tranh này là sợi dây gắn kết, là tình yêu chung của hai vợ chồng.

Tài hoa của họa sĩ vẽ tranh trong chai, trong trứng

“Người thổi hồn vào chai” là biệt danh mà giới hội họa đặt cho người họa sĩ thầm lặng Lê Công Tuân. Anh không vẽ trên giấy, trên lụa mà anh vẽ tranh trong những cái chai thủy tinh.

Vẽ bằng trái tim

Gọi là tranh truyền thần, bởi đây là loại chân dung không chỉ thể hiện được đường nét, dáng dấp khuôn mặt. Tranh còn phải thể hiện được cả tâm trạng, nét tính cách, thậm chí là thần thái, tình cảm của nhân vật. Phác họa một bức chân dung không khó. Cái khó là nắm bắt được cái thần thái của họ để đưa vào tranh một cách sống động. 

“Thần thái của nhân vật thể hiện nhiều nhất qua ánh mắt và khóe miệng” - họa sĩ Từ Hoa Lợi giải thích.

Khách hàng tìm đến ông, khi thì mang đến những bức ảnh người thân cũ nhòe, mất nét, nhờ ông vẽ lại. Có người cất công đến tìm ông: “Nhờ họa sĩ vẽ lại tôi của hai chục năm trước, để tôi giữ lại khoảnh khắc tuổi xuân”. 

Đặc biệt, những người có người thân đã mất, không còn giữ được một tấm hình, chỉ đến gặp ông, miêu tả lại đường nét, tính cách, nhờ ông vẽ. Bởi vậy, có những kỷ niệm về nghề khiến người họa sĩ già “giọt lệ như sương” khi kể lại vẫn lén tôi lau nước mắt.

Cách đây 3 năm, một gia đình đất Củ Chi đánh xe hơi đến tận cửa hàng tìm ông, xin đón ông về nhà để thực hiện tâm nguyện của cả dòng họ. Đó là vẽ lại bức chân dung ông cụ đã mất cách đây gần 60 năm. Gia đình buồn phiền vì trên bàn thờ chẳng có được một tấm ảnh của cha ông. 

Họa sĩ Từ Hoa Lợi nhận lời, ông bảo con cháu cả dòng họ tập trung lại, rồi hỏi xem những ai có đường nét giống ông cụ nhất. Con trai ông cụ, nay đã 85 tuổi, ngồi sát bên người họa sĩ, miêu tả đường nét cha mình. Vừa nghe, họa sĩ Từ Hoa Lợi vừa vẽ phác thảo lại bằng bút chì trước sự dõi theo đầy xúc động của cả dòng họ. 

Sau một tiếng rưỡi, ông hoàn thành đường nét cơ bản gương mặt người đã khuất. Vừa nhìn thấy bức phác thảo, người con trai 85 tuổi gật đầu, rồi bật khóc nức nở: “Đúng là cụ nhà tôi đây rồi”.

Thế là suốt 3 tiếng sau, ông hoàn chỉnh bức vẽ trong tiếng khóc thút thít vì xúc động của cả dòng họ. Người con 85 tuổi ôm bức họa vào lòng, rồi ôm người họa sĩ, cả hai con người cùng bật khóc. 

Một người khóc vì niềm hạnh phúc tìm lại được đường nét cha ông, một người khóc vì thấm thía niềm hạnh phúc của nghề: “Tôi đã vẽ bức chân dung đó bằng cả trái tim”.

Màu của ký ức

Người họa sĩ già bảo, cuộc sống của mình có hai màu đen trắng, như những bức truyền thần ông vẽ vậy, giản dị, mộc mạc đến hoài cổ. Giữa một thành phố hiện đại nhất nhì cả nước, vẫn còn nhiều người tìm đến ông như để khỏa lấp những nỗi buồn rất xưa cũ, tìm lại những đường nét, con người, kỷ niệm xa xăm. Bản thân ông cũng nặng lòng với những cảnh, những tình trong tranh.

Không nặng lòng sao được khi mà đã 23 năm trời, vẽ hàng ngàn bức tranh. Và mỗi bức tranh ông lại được lắng nghe một câu chuyện về họ. Ông bảo tâm hồn mình nhạy cảm như những sợi dây đàn. Mỗi câu chuyện lại chạm vào tâm hồn ông một cách dễ dàng như gẩy vào sợi dây đàn một loại âm sắc. Bởi vậy, ông vui, buồn cùng bao nhiêu con người… trong tranh. Có những âm thanh còn ngân vang mãi.

Như một chuyện tình đẹp nhưng đượm buồn của một ông cụ tìm đến ông vài năm trước. Một ông già đầu tóc bạc phơ, đến tìm họa sĩ để nhờ ông vẽ lại hình ảnh người con gái ông đã từng yêu. 

Trước đây, ông vốn là con trai của một điền chủ giàu có. Nhưng ngang trái, ông phải lòng một cô gái con người tá điền. Tình yêu của họ bị gia đình ngăn cản vì không môn đăng hộ đối. Ông buộc phải lấy một người con gái nhà giàu khác theo sự sắp đặt của cha mẹ.

Về già, khi đã con đàn cháu đống, có một khoảng lặng cho riêng mình, nặng lòng với người cũ. Ông tìm đến họa sĩ Từ Hoa Lợi, tâm sự và nhờ ông vẽ lại hình dung cô gái đó thuở còn son trẻ.

Bởi vậy, người họa sĩ bảo cái nghề của mình được nhiều thứ lắm. Ông được niềm say mê, được niềm vui, được chia sẻ tâm tình với biết bao con người. Chỉ tiếc rằng khi vốn sống dày thêm mỗi ngày là đường đời lại mỏng đi một chút. 77 năm “ở trọ trần gian, biết ngày nào “về trời”, khi mà chưa tìm được một ai nối nghiệp.

Giữa Sài Gòn nhộn nhịp, góc của ông với cái hiên nhà số 596, với những bức tranh đen trắng hoài cổ như làm cho cuộc sống chậm lại một chút, để níu giữ đôi chân người dưng tìm lại ký ức. Dù ký ức đó đẹp hay buồn.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/nguoi-ve-tranh-truyen-than-cuoi-cung-o-sai-gon-230495.bld

Theo Khương Quỳnh/Lao động

Bạn có thể quan tâm