“Chúng tôi tin rằng những người từng mắc bệnh không giúp họ được bảo vệ trước biến chủng Omicron”, chuyên gia Anne von Gottberg tại Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm cho biết hôm 2/12, theo AFP.
Phác thảo nghiên cứu ban đầu về biến chủng mới xuất hiện, nhà khoa học này cho biết các bác sĩ đang nhận thấy "sự gia tăng các ca tái nhiễm đối với biến chủng Omicron".
Xu hướng này cũng được thể hiện trong các mô hình dự báo, bà Gottberg nói trong cuộc họp báo với giới chức trách khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Chúng tôi cho rằng số ca nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân ở tất cả tỉnh thành trong cả nước”, nữ chuyên gia cho biết thêm.
Bà nhấn mạnh: “Vaccine vẫn sẽ bảo vệ bệnh nhân trước nguy cơ trở nặng”.
Một cư dân ở Alexandra thuộc thành phố Johannesburg, Nam Phi được xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AP. |
Được phát hiện lần đầu tại miền Nam châu Phi, biến chủng Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là có nguy cơ làm gia tăng ca nhiễm. Biến chủng mới của Covid-19 đã gây ra tình trạng báo động trên toàn cầu và khiến nhiều nước đóng cửa biên giới với một số quốc gia.
Omicron đã được phát hiện tại 5 trên 9 tỉnh của Nam Phi và nhiều khả năng đã có mặt ở khắp đất nước này, báo cáo chính thức công bố ngày 1/12 cho thấy.
Số ca mắc mới mỗi ngày ở Nam Phi đã tăng gấp đôi và lên tới 8.561 ca. Hiện không rõ trong số đó có bao nhiêu ca nhiễm biến chủng Omicron vì không phải toàn bộ mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene. Nhưng tài liệu chính thức cho thấy Omicron “đang nhanh chóng trở thành chủng chi phối”.
Tới nay, thế giới còn chưa có nhiều thông tin về Omicron. Biến chủng này đã xuất hiện ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Ấn Độ, Singapore, Mỹ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada, Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Áo, Italy, Israel, Hong Kong, Botswana…