Một trong các nguyên nhân là dịch tả lợn châu Phi khiến Trung Quốc phải tiêu hủy 100 triệu con lợn hồi năm 2018, đẩy giá thịt lợn tăng lên 50%. Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa thừa nhận nguồn cung thịt lợn nước này sẽ đối mặt với sức ép cực lớn trong quý cuối của năm 2019 và nửa đầu năm 2020.
Phát tem phiếu mua thịt giá chiết khấu
Chính quyền Trung Quốc đang tiến hành một loạt các động thái nhằm cải thiện tình trạng khan hiếm thịt lợn và giá cả leo thang hiện nay.
Mới đây, ít nhất 4 tỉnh thành ở Trung Quốc đã phải xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh để ổn định thị trường, đặc biệt trong thời điểm tiêu thụ tăng mạnh trong ngày lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc đầu tháng tới. Kho thịt này vốn được chính phủ Trung Quốc dự trữ như một quỹ bình ổn thị trường và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi cần.
Tại một khu đô thị phía nam của Quảng Châu, chính quyền đang bán 17,6 tấn thịt lợn đông lạnh trong tháng này cho các siêu thị, trường học và nhà hàng, với giá thấp hơn 10% so với giá thị trường.
Một số địa phương, thậm chí, đã áp dụng phát hành tem phiếu chiết khấu để hỗ trợ người dân trong bối cảnh giá thịt leo thang.
Phiếu chiết khấu thịt tại Nam Ninh. Ảnh: Weibo. |
Tại Nam Ninh, thủ phủ của vùng Tây Nam Quảng Tây, chính quyền đã phát hành tem phiếu mua thịt với giá chiết khấu cho người dân. Mỗi người chỉ được mua giới hạn 1 kg thịt mỗi ngày tại 10 nơi bán thí điểm.
Tem phiếu giảm giá này cũng tồn tại ở một vài thành phố phía Nam của tỉnh Phúc Kiến. Hệ thống tem phiếu này được dự kiến duy trì đến cuối năm do nhu cầu cao điểm. Cũng tại Phúc Kiến, chính quyền Lệ Thành của thành phố Phủ Điền cũng cung cấp cho người dân khoản trợ cấp 4 nhân dân tệ mỗi kg cho việc mua thịt lợn. Mỗi người được mua 2 kg.
Từ đầu tháng 8, người dân ở Hạ Môn, một thành phố khác ở Phúc Kiến, cũng có tem phiếu, với mức giới hạn cao hơn, 2,5 kg thịt mỗi ngày.
Theo South China Morning Post, thông tin về việc phát hành phiếu chiết khấu của chính quyền một số địa phương tại Trung Quốc khiến nhiều người lo lắng về việc trở lại của chế độ tem phiếu thời bao cấp, kéo dài từ những năm 1950 tới cuối những năm 1980, 1990.
Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng thịt lợn . Ảnh: EPA |
Tìm cách đa dạng nguồn cung
Thịt lợn vẫn là loại thực phẩm truyền thống và phổ biến nhất với đại đa số người dân Trung Quốc. Do đó từ lâu, khả năng chi trả của người dân với loại thịt này được coi là chỉ số hạnh phúc của người dân.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc leo thang chóng mặt từ đầu năm. Ảnh: Bộ nông nghiệp Trung Quốc. |