Hội chợ thủy sản 2017 (Vietfish 2017) diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và hội nghị Sài Gòn, TP.HCM (từ 29/31/ 8) do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức vừa kết thúc. Điều đọng lại tại hội chợ này là các gian hàng trong nhiều ngày đón rất đông khách mua. Đặc biệt, khách Trung Quốc dồn dập đổ đến mua hàng từ khi khai mạc.
Xuất khẩu tôm tăng 10 lần trong 10 năm
Tất cả thủy sản, từ tôm, cá, mực đến nghêu sò,… khách Trung Quốc đều hỏi mua từ phân khúc cao cấp đến rẻ tiền.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể bán chính ngạch, thanh toán theo thông lệ quốc tế hoặc bán trả tiền ngay tại nhà máy theo dạng bán nội địa. Thương nhân Trung Quốc sẽ tự tìm đường đưa hàng sang biên giới.
Khách Trung Quốc trực tiếp chọn mua hải sản từ cao cấp đến rẻ tiền tại các gian hàng trong hội chợ. Ảnh: T. Trang. |
Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại VASEP, suốt 10 năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng dương. Tăng trưởng mạnh mẽ nhất là ở các mặt hàng chính, như tôm đã tăng gấp 10 lần, cá tra gấp 8 lần trong giai đoạn 2007-2016 và vẫn còn dư địa tăng tiếp.
Nguyên nhân là nước này tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng nhưng nuôi trồng và khai thác lại giảm, nên khuyến khích nhập khẩu, vừa cho nhu cầu tiêu dùng nội địa vừa để chế biến xuất khẩu.
Trung Quốc cũng có chính sách ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp nước này nhập thủy sản, nên năm 2017 lượng nhập ước tính tăng 22%. Giá thủy sản trung bình tại Trung Quốc là 3,27 USD/kg, mức cao nhất trong hơn 6 năm qua và dự báo mức giá cao sẽ ổn định hoặc tiếp tục tăng nhẹ.
Chỉ từ tháng 1 đến tháng 5/2017, giá thủy sản tại Trung Quốc đã tăng 31%, cao nhất trong lịch sử và là nguyên nhân chính gây ra lạm phát tại Trung Quốc.
Nhà giàu Trung Quốc thích ăn hải sản nhập khẩu
Cũng theo bà Hằng, giới nhà giàu Trung Quốc ngày càng nhiều và thích ăn hải sản, đặc biệt là hải sản nhập khẩu, trong khi lại giảm ăn thịt gia súc, gia cầm khiến giá các loại thịt này giảm. Điều này cũng giải thích vì sao người nuôi heo, gà Việt Nam thời gian gần đây liên tục thua lỗ trong khi người nuôi cá, tôm lại thắng.
Một lý do khác là nguồn thủy sản nhập từ Việt Nam có thuế suất ưu đãi 0% trong khi nếu nhập từ Indonesia là 6%, Ấn Độ 17% cho thấy lợi thế của Việt Nam.
Thị trường Trung Quốc đang chiếm 21% lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam, sau Mỹ (22%). Ảnh: Ngọc Trinh. |
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có nhiều nét đặc biệt.
Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp có lượng thủy sản xuất khẩu mạnh đi Trung Quốc, cho biết thị trường này liên tục thay đổi thị hiếu, trong khi thị trường châu Âu, Mỹ khá ổn định.
Theo lý giải của vị này, do người tiêu dùng Trung Quốc "cả thèm chóng chán" nên doanh nghiệp phải liên tục cải tiến để đón đầu xu hướng. Ngoài ra, nhiều thương nhân Trung Quốc không giữ chữ tín, nên doanh nghiệp Việt không dám cho nợ, sợ bị "xù". Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp không xuất khẩu trực tiếp mà chọn bán đứt ngay tại nhà máy, không phụ trách phần vận chuyển đến khách qua đường tiểu ngạch.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, nhận định sắp tới có khả năng người giàu Trung Quốc sẽ chi tiền mạnh để “ăn” hết cá tôm ngon trước đây hay bán cho khách Âu, Mỹ.
“Nhà giàu Trung Quốc thích hàng chất lượng chuẩn Nhật Bản, châu Âu. Vừa qua có thương hiệu bồn cầu của Nhật Bản người Trung Quốc mê đến nỗi sản xuất bao nhiều vét sạch. Doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải giới hạn mỗi người chỉ mua 1 chiếc. Đây là bài học cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ngành thực phẩm”, ông Hòa nói.
Vẫn là thị trường bất an
Một chuyên gia về thị trường và dinh dưỡng của Trung Quốc, TS Yang Yong, Chủ tịch Công ty Guangzhou Nutriera Biotechnology, cho hay người Trung Quốc đang tăng dùng thủy sản khoảng 4%/năm. Người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua thủy sản thỏa mãn các yếu tố: chất lượng (dinh dưỡng, tươi ngon), an toàn, lành mạnh và tiện lợi.
Năm 2016, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc đạt hơn 800 triệu USD với hai mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm. |
TS Yang Yong gợi ý cho doanh nghiệp Việt: Người dân Trung Quốc ngày càng bận rộn, không có thời gian cho bếp núc nên thích mua những mặt hàng đã sơ chế, chế biến sâu. Nhiều mặt hàng rẻ tiền như cá trắm cỏ chỉ cần thêm thao tác như làm sạch nhồi đậu, bánh cá chiên, lẩu... có thể tăng giá gấp 20 lần so với bán thô.
Đối với cá tra, thị trường Trung Quốc (21% thị phần) đang chuẩn bị soán ngôi đầu của Mỹ (22% thị phần) với tốc độ tăng trưởng 50-60%. TS Yang Yong cho rằng doanh nghiệp Việt có thể cải thiện hương vị để lấy lòng người tiêu dùng Trung Quốc.
Dù thị trường Trung Quốc rất hấp dẫn với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo bà Lê Hằng, các doanh nghiệp phải thận trọng khi giao dịch, không nên chỉ tập trung bán hàng một thị trường. Với những đơn hàng lớn, yêu cầu khác biệt cần phòng trừ tình huống Trung Quốc ngưng mua, sẽ không bán được thị trường khác.
Đặc biệt, với các đơn hàng chất lượng thấp, không kiểm soát kháng sinh, hóa chất sẽ khiến cho nền sản xuất của Việt Nam khó nâng chuẩn và có nguy cơ đổ đi nếu thị trường này gặp trục trặc.
Ngoài ra, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc là có thật, nhưng chuyện ngưng mua đột ngột vẫn có khả năng xảy ra.
Đơn cử như trường hợp mặt hàng cá ngừ vừa qua, xuất khẩu giảm vì doanh nghiệp nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp Việt phải có chứng nhận khai thác liên quan đến vùng biển đang có tranh chấp.
Trả giá vì ô nhiễm
Theo TS Yang Yong, Trung Quốc có nhiều hoạt động siết việc khai thác thủy sản. Nhiều vùng của quốc gia này trước đây là nơi lý tưởng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản giờ trở nên không thể sản xuất, do ô nhiễm môi trường. Do đó, Trung Quốc đang tăng cường nhập đa dạng các sản phẩm từ tươi sống đến đông lạnh, khô, chế biến kỹ và ăn liền.