Những ngày gần đây, hashtag “Olympics severely corrected my aesthetics standard” (tạm dịch: Olympic đã sửa chữa tiêu chuẩn thẩm mỹ của tôi) trở nên phổ biến trên mạng xã hội của quốc gia tỷ dân với 540 triệu lượt sử dụng.
Nhiều bài đăng trong số đó đã ca ngợi các vận động viên nữ vì năng lực thể thao tại Thế vận hội Tokyo, bất chấp những định kiến về tiêu chuẩn cái đẹp luôn gắn liền với phụ nữ, theo Sixth Tone.
Một số người dùng nói rằng họ thấy bản thân mình trong hình ảnh của các tuyển thủ đang tham gia thi đấu.
Các cuộc thảo luận bắt đầu bùng nổ khi một phụ nữ chia sẻ cảm xúc của mình trên Weibo về việc những nữ VĐV đã truyền cảm hứng cho cô yêu bản thân và thoát khỏi ám ảnh về ngoại hình.
"Họ đẹp một cách tự nhiên với làn da không hoàn mỹ, cơ thể dẻo dai và ánh mắt kiên định. Sự hiểu biết của tôi về thẩm mỹ đã trở lại theo hướng ban đầu mà không bị giới hạn về hình thức hay phân loại”, người này viết kèm theo hashtag.
Sự tự tin và chiến thắng của các nữ vận động viên Trung Quốc ở nhiều hạng mục thi đấu đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Ảnh: Athletics Weekly. |
Định kiến về cái đẹp
Zhu, một người dùng khác, luôn nghĩ mình là “cô gái béo”. Việc thấy nhiều vận động viên Olympic vẫn tỏa sáng dù có ngoại hình không tuân theo định nghĩa cái đẹp “giống người mẫu” đã khiến Zhu bớt mặc cảm về vẻ ngoài của mình.
“Tôi rất vui khi phát hiện ra rằng qua nhiều năm nỗ lực, cuối cùng mọi người cũng chấp nhận các nét đẹp khác nhau và ngừng áp dụng những tiêu chuẩn chung cho tất cả phụ nữ”, Zhu nói với Sixth Tone.
Tính đến 6/8, các vận động viên nữ từ đoàn thể thao Trung Quốc đã giành được hơn một nửa số huy chương vàng (HCV) mang về cho đất nước tỷ dân.
Tuy nhiên, bất chấp những thành tích vượt trội, các nhà bình luận trên phương tiện truyền thông vẫn không né tránh việc nói về ngoại hình của họ hoặc đặt ra những câu hỏi thẳng thắn liên quan đến phân biệt giới tính.
Yang Qian (21 tuổi), xạ thủ Yang Qian xuất sắc giành được tấm huy chương vàng đầu tiên ở Thế vận hội 2020, được một nhà báo của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hỏi về “mẫu người đàn ông lý tưởng”. Cô chỉ trả lời ngắn gọn: “Miễn là người đó tích cực và tử tế”.
Vượt qua hàng loạt đối thủ nặng ký, xạ thủ Yang Qian mang về vinh quang cho đoàn thể thao Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tương tự đồng nghiệp, Gong Lijiao, nhà vô địch môn đẩy tạ ở Olympic Tokyo với thành tích cá nhân 20,58 m, cũng bị phóng viên từ CCTV đặt những câu hỏi rập khuôn như kế hoạch kết hôn và lập gia đình.
Người này còn liên tục nhắc đến ngoại hình “nam tính” của Gong và đề cập đến việc chồng tương lai có thể thua cô trong các trận đấu vật tay.
Trước những câu hỏi “kém duyên”, nữ vận động viên lúng túng đáp lại: "Sau khi nghỉ hưu, có lẽ tôi sẽ giảm cân, kết hôn và sinh con - những dấu mốc trong cuộc đời mà ai cũng phải trải qua".
Không ít dân mạng bày tỏ sự bức xúc khi các phóng viên, nhà báo liên tục nhắm đến vẻ ngoài của vận động viên hơn là chuyên môn của họ.
“Tôi nhận ra nhiều phụ nữ cũng là đồng phạm với những kẻ kỳ thị khi áp đặt lên người cùng giới các tiêu chuẩn cái đẹp với quan điểm của họ”, một ý kiến được để lại trong phần bình luận dưới bài phỏng vấn về Gong.
Áp lực tuân theo những chuẩn mực về ngoại hình và hình ảnh cơ thể đã dẫn đến việc phụ nữ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ. Khi xu hướng này ngày càng lan rộng, nó gây ra một số rủi ro về sức khỏe và thậm chí có thể tử vong. Việc hướng tới sự hoàn hảo cũng khiến chứng rối loạn ăn uống ở phụ nữ gia tăng.