Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ Việt làm gì tại các cửa hàng tiện lợi?

Người trẻ thường mua bánh snack, mì ly và dùng trực tiếp tại khu vực ăn uống có sẵn tại cửa hàng. Ngoài ra, họ cũng tận dụng không gian này để thư giãn, nghịch điện thoại.

Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me vừa công bố khảo sát về những hoạt động người Việt thường làm tại khu vực ăn uống bên trong các cửa hàng tiện lợi. Kết quả cho thấy ăn uống và trò chuyện cùng bạn bè là hoạt động phổ biến nhất của người Việt tại kênh bán lẻ hiện đại này.

Chiếm 80% khách hàng của các hệ thống cửa hàng tiện lợi đang có trên thị trường là nhóm những người tiêu dùng trẻ từ 16-29 tuổi. Ngoài ra, đây cũng là nhóm khách hàng thường xuyên sử dụng khu vực ăn uống có tại các điểm kinh doanh này nhất.

“Bánh snack, mì ly ăn liền và lẩu là top 3 món ăn phổ biến được gọi. Mì ly ăn liền được ăn phổ biến vào giờ trưa hoặc ăn tối, trong khi đó, snack được mua ăn không kể thời gian nào trong ngày”, đại diện của công ty nghiên cứu thị trường này cho biết.

Nguoi tre Viet thuong lam gi trong cac cua hang tien loi? anh 1
Cả trăm khách hàng trẻ vào mua sắm tại một cửa hàng tiện lợi mới khai trương. Ảnh: Lê Quân.

Cụ thể, snack là mặt hàng được giới trẻ “săn lùng” nhiều nhất tại các cửa hàng tiện lợi, sau đó đến mì ly ăn liền, lẩu ăn liền. Ngoài ra, khảo sát cũng thấy rằng danh sách món ăn tại các cửa hàng tiện lợi phục vụ giới trẻ rất đa dạng, gồm mì chế biến sẵn, tráng miệng, trái cây…

Về đồ uống, nước ngọt là mặt hàng bán chạy nhất, kế đến là nước khoáng. Đặc biệt, chỉ có 2% người lựa chọn các kênh này để mua bia hoặc các đồ uống có cồn khác.

Ngoài việc ăn uống trực tiếp tại đây, nhiều khách hàng cũng nán lại lâu hơn để trò chuyện cùng bạn bè, sử dụng điện thoại để giải trí hoặc làm việc…

Khảo sát cũng cho thấy khung giờ trưa và xế chiều là thời gian có lượng người mua hàng, sử dụng khu vực ăn uống của cửa hàng tiện lợi nhiều nhất.

“Người Việt lựa chọn ăn uống bên trong các cửa hàng tiện lợi bởi vị trí thuận tiện của nó cũng như cơ sở vật chất tốt như máy điều hòa, wifi. Khu vực ăn uống này vừa được sử dụng là nơi để trò chuyện và thư giãn”, báo cáo của Q&Me nhận định.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng cửa hàng tiện lợi cung cấp các suất ăn nhanh và có thể sử dụng ngay sau khi vừa thanh toán.

Ngoài ra, báo cáo này cũng cho thấy độ “quen mặt” của các thương hiệu cửa hàng tiện lợi đang có trên thị trường với người tiêu dùng trẻ. Theo đó, các cửa hàng FamilyMart, VinMart+, Circle K và Ministop có được độ nhận biết tốt nhất, lên đến 90%.

Trong khi đó, nhóm có độ nhận diện thấp nhất là hai “ông lớn” 7-Eleven (Nhật Bản) và GS25 (Hàn Quốc) với tỷ lệ người không biết đến thương hiệu lần lượt là 29% và 53%.

Báo cáo hồi tháng trước của Nielsen cũng cho thấy kênh bán lẻ hiện đại cửa hàng tiện lợi đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt tại Việt Nam và ngày càng tiếp cận nhiều hơn người tiêu dùng.

Cụ thể, người Việt hiện trung bình mua sắm tại cửa hàng tiện lợi 4,5 lần mỗi tháng. Năm 2010, con số trên chỉ là 1,24 lần. Đây cũng là kênh mua sắm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 8 năm qua.

Ngược lại, nếu 8 năm trước, tần suất mua sắm trung bình của người Việt tại các chợ truyền thống là 25,17 lần/tháng thì hiện chỉ còn 18,86 lần.

Theo ông Gaurang Kotak - Trưởng bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam, những cư dân thành thị ngày càng ít thời gian hơn nên buộc họ phải chọn cửa hàng tiện lợi để mua sắm thuận tiện nhất.

Đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi của đại gia ngoại bủa vây khắp Sài Gòn

Đại gia bán lẻ ngoại đang bủa vây các cửa ngõ vào trung tâm TP.HCM bằng hệ thống đại siêu thị. Trong khi đó, nội thành đang là cuộc chiến của hàng nghìn cửa hàng tiện lợi.


Lâm Hoàng

Bạn có thể quan tâm