Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ TP.HCM chờ 4 tháng để được trở lại văn phòng

Phấn khởi, hào hứng là tâm trạng chung của nhiều bạn trẻ ở TP.HCM. Họ tất bật là lượt quần áo, dọn dẹp văn phòng, kiểm tra danh sách công việc để chuẩn bị đi làm ở công ty.

Từ ngày 4/10, nhiều nơi bắt đầu hoạt động theo những hình thức khác nhau như làm việc toàn thời gian tại văn phòng; kết hợp nửa tại nhà, nửa tại chỗ.

Một số người trẻ tỏ ra háo hức, phấn khởi, xốc lại tinh thần để chuẩn bị với guồng quay của công việc ở trạng thái "bình thường mới".

Trong cuộc trò chuyện với Zing, 5 bạn trẻ ở TP.HCM chia sẻ cảm xúc khi được đến công ty làm việc.

Nguyễn Thị Cẩm Nhung (22 tuổi, quận 7) - Nhân viên thiết kế đồ họa

Nhận thông báo "Cả nhà chuẩn bị thứ 2 đi làm lại nhé" từ cấp trên, tôi lập tức nhắn ngay cho các đồng nghiệp khác để cùng nhau "ăn mừng".

nguoi dan tphcm tro lai van phong anh 1

Cẩm Nhung hào hứng khi được gặp lại đồng nghiệp sau 4 tháng họp qua video call.

Sau 4 tháng im ắng từ khi làm việc tại nhà, cả nhóm chat trở nên sôi nổi hơn hẳn.

Mọi người bắt đầu lên kế hoạch dọn dẹp bàn làm việc, rủ nhau gọi đồ ăn trong ngày đầu tiên đi làm hậu giãn cách.

Thông tin được quay lại làm việc ở văn phòng khiến tôi hào hứng tới mức khó ngủ.

Tối trước đó, tôi dành 2 tiếng chọn trang phục công sở, sửa sang đầu tóc gọn gàng.

Lâu lắm rồi tôi mới vui như vậy vì khi work from home, tôi chỉ mặc quần áo ở nhà, không có cảm giác như mình đang "làm việc".

Tôi nghĩ một bộ đồ chỉn chu sẽ giúp mình thêm động lực, tinh thần khi gặp gỡ đồng nghiệp sau một thời gian dài.

Với người làm công việc thiên về sáng tạo như tôi, những ngày làm việc tại nhà tựa một "cơn ác mộng" khi phải thu mình giữa 4 bức tường, khó tìm cảm hứng và dễ hiểu lầm yêu cầu của sếp.

Do công ty có quy mô nhỏ, đa số nhân viên đều tiêm đủ 2 mũi vaccine nên tôi không quá ngại ngần về nguy cơ dịch bệnh. Tôi sẽ chủ động đeo khẩu trang, mang dung dịch sát khuẩn riêng và chú ý khi tiếp xúc với người khác.

Vũ Bằng (29 tuổi, quận 8) - Quản lý công ty

Tối 3/10, tôi nhờ vợ chọn ra vài bộ đồ công sở phù hợp rồi đem là lượt một loạt, chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm lại.

nguoi dan tphcm tro lai van phong anh 2

Vũ Bằng thu xếp công việc kinh doanh nhỏ và đam mê làm vườn để chuẩn bị quay lại công việc chính.

Do vài tháng qua không mặc lại áo sơ mi, quần tây, tôi cảm thấy khá lạ lẫm, nhưng cũng phấn chấn tinh thần hơn.

Khi làm tại nhà, tôi dễ bị phân tán sự tập trung do phải thay đổi thói quen và môi trường xử lý công việc.

Do đó, khi biết tin trở lại văn phòng vào cuối tháng 9, tôi phải lên kế hoạch cụ thể về những việc cần giải quyết, chấn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ và đặt mục tiêu mới cho mình.

Trở về nhịp sống công việc "bình thường mới" đồng nghĩa với việc tôi không còn nhiều thời gian cho vườn rau mini trên ban công - thứ khiến gia đình giữ tinh thần lạc quan, gắn kết suốt 4 tháng giãn cách.

Tôi sẽ nhờ vợ và các con nhỏ cùng chăm sóc buổi sáng, còn mình sẽ coi sóc nó lúc tan làm và cuối tuần.

Hơn nữa, tôi cũng dời việc kinh doanh trái cây ở chung cư, vốn phát sinh trong thời gian nghỉ dịch, xuống cuối tuần để dành nhiều tâm sức cho công việc chính.

Khuất Kiều Trang (25 tuổi, thành phố Thủ Đức) - Nhân viên phân tích đầu tư

nguoi dan tphcm tro lai van phong anh 3

Kiều Trang chọn hình thức làm việc kết hợp nửa từ xa, nửa ở văn phòng.

Tôi rất vui khi được quay lại công ty vì tính chất công việc cần trao đổi trực tiếp, xử lý giấy tờ tại chỗ. Tôi dành cả một buổi để sắp xếp, kiểm tra lại các hạng mục cần làm.

Nhưng điều khiến tôi nhẹ lòng nhất là thoát khỏi sự ồn ào từ tiếng karaoke của hàng xóm.

Có những ngày, tôi vừa họp, vừa phải nghe nhà bên cạnh hát cải lương, không thể tập trung lắng nghe đồng nghiệp trình bày.

Tôi chỉ còn cách nhờ cả nhóm dời lịch họp để tránh phiền nhiễu.

Do công ty không bắt buộc phải lên văn phòng làm việc toàn thời gian ngay, tôi sẽ linh hoạt giữa làm việc tại văn phòng và tại nhà.

Bản thân tôi vẫn khá lo lắng vì tình hình dịch vẫn chưa hoàn toàn ổn định.

Diệp Lý Nguyên (23 tuổi, quận 10) - Chuyên viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM

1h ngày 4/10, tôi vẫn thức để chỉnh sửa đoạn clip sẽ được phát tại buổi khai giảng sáng nay. Dù mệt mỏi, tôi vẫn muốn dành thêm chút ít thời gian để gọt giũa sản phẩm chỉn chu hơn nữa cho ngày đặc biệt này.

nguoi dan tphcm tro lai van phong anh 4

Lý Nguyên đón chờ sản phẩm của mình và các đồng nghiệp tại buổi lễ khai giảng, cũng là ngày đầu trở lại văn phòng.

Với công việc phụ trách truyền thông và các sự kiện ở trường, ngày khai giảng cũng là ngày đầu tiên tôi quay lại văn phòng sau nhiều tháng làm việc ở nhà theo Chỉ thị 16.

Để chuẩn bị cho sự kiện hôm nay, tôi cùng các đồng nghiệp phải dành vài tuần chuẩn bị: từ khâu kịch bản, cho đến tiếp nhận video từ các giảng viên, tân sinh viên.

Dù chưa thể tựu trường trực tiếp, chúng tôi đều nỗ lực hết mình với mong muốn tạo nên buổi lễ đáng nhớ với các bạn trẻ.

Thực tế, tôi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình trong những ngày làm việc ở nhà. Công việc chính của tôi là thiết kế, dựng phim nên bị hạn chế về máy móc, thiết bị, ví dụ như cấu hình máy tính không đủ khỏe để dựng sản phẩm nhanh chóng.

Tôi nóng lòng được xem sản phẩm của cả tập thể vào ngày khai giảng. Tôi cũng mong dịch bệnh sẽ sớm ổn định để các sinh viên được đến trường.

Ngọc Thuận (25 tuổi, TP Thủ Đức) - Nhà sản xuất lĩnh vực quảng cáo

Vài ngày trước, khi biết tin được đi làm lại, tôi cùng 3-4 đồng nghiệp khác đã lên văn phòng dọn dẹp sạch sẽ.

nguoi dan tphcm tro lai van phong anh 5

Dù công việc có thể chỉ phục hồi ở mức 10-30%, Ngọc Thuận vẫn coi đây là bước tiến đến với cuộc sống "bình thường mới".

Công ty vốn chỉ có 6-7 người nên chúng tôi coi công ty như ngôi nhà chung. 4 tháng trời không người chăm nom, nơi đây đóng bụi dày, cây cối cũng héo rũ cả.

Chúng tôi chia nhau dọn dẹp mỗi ngày một chút, xếp lại bàn ghế, mua thêm cây để cảnh quan sinh động hơn, thêm năng lượng cho ngày đầu đi làm trở lại.

Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi gần như không có việc mới vì sống phụ thuộc vào yêu cầu từ các nhãn hàng.

Ngày ngày trôi qua, nhìn số ca nhiễm và tử vong tăng cao, tôi rất lo lắng, áp lực, thậm chí có suy nghĩ: "Chẳng biết bao giờ tình hình mới khá hơn? Bao giờ mình mới được làm việc lại?".

Với tôi, trở lại công ty đồng nghĩa với bước đầu tiên đến với trạng thái "bình thường mới". Dù trên thực tế, có lẽ chúng tôi chỉ có thể phục hồi hoạt động ở mức 10-30% so với trước dịch vì chưa thể đi quay nhiều.

Thế nhưng, tôi được tiếp thêm động lực khi được rời khỏi 4 bức tường ở nhà, gặp gỡ đồng nghiệp. Thời gian này giống như "điểm sạc pin" để tôi nạp lại năng lượng, động lực, từng bước quay lại với guồng công việc.

Khách xếp hàng mua phở Phú Vương, cơm tấm Ba Ghiền, bánh mì Huỳnh Hoa

Trời mát, anh Thức muốn ăn tô phở cho ấm bụng. Sau khi chạy lòng vòng 3-4 nơi, anh hòa vào dòng người đang xếp hàng trước tiệm phở Phú Vương.

Trang Minh - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm