Theo The Guardian, bà Chrystia Freeland - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada - cho rằng giá nhà tăng cao là "sự bất công giữa các thế hệ". Bà thừa nhận đây là mối lo ngại hàng đầu của mình trong bối cảnh khủng hoảng giá nhà.
Theo bà, giá nhà tại Canada đã tăng vượt khả năng chi trả. "Trước đây, chúng tôi có nhiều cơ hội để mua nhà và lập gia đình hơn giới trẻ ngày nay", bà Freeland bình luận.
"Chúng ta không thể biến Canada thành một nơi mà việc sở hữu nhà là giấc mơ xa vời", bà nhấn mạnh. Vị phó thủ tướng mô tả tình hình hiện tại là "cú sốc".
Giá nhà tăng cao tạo ra sự bất công giữa các thế hệ. Giới trẻ ngày càng khó mua nhà. Ảnh: Reuters. |
Chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Canada là nước có khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà lớn nhất trong G7. Hai thành phố Vancouver và Toronto thường xuyên xuất hiện trong bảng xếp hạng bong bóng bất động sản toàn cầu.
Tháng 2 năm nay, Canada ghi nhận giá nhà trung bình cao kỷ lục 816.720 CAD, tương đương 647.340 USD, tăng 20% so với năm ngoái. Tỉnh Nova Scotia chứng kiến tốc độ tăng nhanh nhất với 35%.
Giá nhà ở thành phố Kingston (bang Ontario) tăng vọt 44% so với năm ngoái. Đây là thành phố ghi nhận tốc độ tăng giá nhà cao nhất.
Các quan chức Canada lo ngại đà tăng phi mã có thể tạo nên bong bóng. Nhưng theo giới chuyên gia, không có biện pháp nào có khả năng nhanh chóng khắc phục cuộc khủng hoảng. Nguyên nhân là lãi suất vẫn thấp, những hành vi đầu cơ trên thị trường và tình trạng thiếu nhà ở mới.
Chúng ta đang chứng kiến một phần của xã hội bị gạt bỏ khỏi thành phố, bởi không còn đủ khả năng mua nhà nữa
Thị trưởng Berlin Michael Mueller
"Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng dân số tăng nhanh nhất trong G7, nhưng nguồn cung nhà ở lại không tăng với tốc độ tương tự", bà Freeland nhấn mạnh.
Dữ liệu mới được Cơ quan Thống kê Canada công bố hôm 12/4 đã nêu bật tình trạng bất bình đẳng trong thị trường nhà ở của Canada. Theo đó, những người sở hữu trên 1 ngôi nhà nắm giữ tới gần 1/3 tổng số bất động sản nhà ở.
Còn 10% chủ sở hữu giàu có nhất chiếm khoảng 1/4 giá trị nhà ở. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Canada. Giá bất động sản tăng vọt buộc người dân ở nhiều nước trên thế giới phải từ bỏ hy vọng sở hữu nhà.
"Chúng ta đang chứng kiến một phần của xã hội bị gạt bỏ khỏi thành phố, bởi không còn đủ khả năng mua nhà nữa", Thị trưởng Berlin (Đức) Michael Mueller bình luận.
"Đó là vấn đề ở London, Paris, Rome và không may, tình trạng này đang ngày càng gia tăng tại Berlin", ông nói thêm. Trưởng công đoàn Ver.di của Đức mô tả tiền thuê nhà ở thế kỷ XXI cũng giống như giá bánh mì, nguyên nhân dẫn đến bất ổn xã hội trong lịch sử.
Bất bình đẳng thế hệ
Đại dịch đã khiến thị trường nhà ở toàn cầu đạt những mức cao kỷ lục mới. Nguyên nhân là lãi suất cực thấp, hoạt động xây dựng gặp khó khăn, sự thay đổi trong chi tiêu của các hộ gia đình và ngày càng ít nhà được rao bán.
"Những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự kiện lớn không nên bỏ qua hoặc xem nhẹ”, ông Don Layton - cựu Giám đốc điều hành của công ty cho vay thế chấp khổng lồ của Mỹ Freddie Mac - viết trong bài bình luận cho Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở của Đại học Harvard.
Tại Anh, giá nhà tháng 3 vẫn tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2004. Trong khi đó, giá nhà ở 20 thành phố của Mỹ cũng tăng cao. Tại Mỹ và các nơi khác, khoảng cách thế hệ đối với khả năng mua nhà ở ngày càng gia tăng. Giấc mơ mua nhà của nhiều người thuộc thế hệ Millennials và thế hệ Z sẽ ngày càng khó khăn.
Nợ nhà hiện tại có thể gieo mầm cho cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo nếu chi phí vay bắt đầu gia tăng. Chuyên gia Niraj Shah của Bloomberg Economics đã tổng hợp về các quốc gia có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản cao nhất.
Đại dịch đã khiến thị trường nhà ở toàn cầu đạt những mức cao kỷ lục mới do lãi suất cực thấp và nguồn cung giảm. Ảnh: Reuters. |
Ông cho biết các chỉ số đo lường rủi ro đang “nhấp nháy cảnh báo” với mức độ chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các quan chức trên khắp thế giới đã đưa ra đủ biện pháp để giải quyết vấn đề này.
Chẳng hạn, hồi tháng 12/2021, giới chức Singapore đã đưa ra các biện pháp hạ nhiệt thị trường. Đến tháng 2 năm nay, chính phủ tăng thuế bất động sản nhắm vào những cư dân giàu có.
Nhờ đó, thị trường nhà ở của Singapore đã hạ nhiệt. Tốc độ tăng trưởng của giá nhà mới giảm còn 0,4% trong quý I/2022. Doanh số bán nhà tháng 3 lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 21 tháng.
Nhưng giới phân tích cho rằng các biện pháp kiểm soát chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Bởi nhu cầu của cư dân địa phương vẫn còn lớn.
Chính quyền Trung Quốc cũng tăng cường các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản kể từ năm ngoái. Bắc Kinh còn tìm cách tăng thuế bất động sản để hạ giá.