Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người trẻ hôm nay cần sự trao đổi trực diện hơn'

Bằng kinh nghiệm nhiều năm đứng mục Trò chuyện đầu tuần, nhà báo Lê Thanh Hà với bút danh Hà Nhân quen thuộc, cho rằng "nói chuyện" với giới trẻ hôm nay đã khác trước rất nhiều.

- Sau gần 8 năm đứng mục Trò chuyện đầu tuần, lý do gì khiến anh quyết định ra "một lèo" 3 tập sách ở thời điểm này?

- Viết chuyên mục hằng tuần được một thời gian vài năm, cũng đã có người làm xuất bản gợi ý tôi nghĩ đến chuyện biên tập các bài viết của mình thành sách. Nhưng quả thực công việc làm báo quá bận bịu khiến tôi chưa thể hiện thực hóa dự định đó.

Cho tới gần đây, nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn đến gặp tôi với một cuốn sổ dày, cắt dán sưu tập rất nhiều bài tôi viết trên Hoa Học Trò. 

Đây là cuốn sổ của bạn Nguyễn Thanh Thoại, một biên tập viên ở cơ quan nơi nhà văn My Hoàn đang làm việc. Thoại thậm chí đánh dấu xanh, bôi vàng những câu mình thích trong mỗi bài. Thông qua chị My Hoàn, bạn ấy nói là nhờ đọc các bài trên mục Trò chuyện đầu tuần mà thi đỗ Đại học và bây giờ đang làm biên tập viên xuất bản.

Chính bạn ấy đã đề nghị tôi làm sách vì tư liệu bạn ấy có khá đầy đủ. Vậy là sau quá trình điều chỉnh, biên tập, bộ sách ra đời.

Từ những bài viết riêng lẻ trên mặt báo tới bộ 3 tập sách, anh muốn hướng tới đối tượng đọc nào?

- Giống như bạn biên tập viên đã giúp đỡ tôi thực hiện bộ sách, những năm qua đã có không ít độc giả của Hoa Học Trò đề nghị tôi tập hợp các bài viết thành sách. Có cả những giáo viên dạy Văn, khi gặp cũng nhắc tôi nên để ý chuyện in các bài viết thành sách.

Có thể bạn đọc thích cách tiếp cận vấn đề và cách viết của Trò chuyện đầu tuần. Họ thường xuyên tham khảo và "ứng dụng" không chỉ những chủ đề mà cả cách viết đó trong thực tiễn. Nếu bạn để ý sẽ thấy đề thi môn Văn mấy năm gần đây không quá bám theo các tác phẩm trong sách giáo khoa mà có những đề văn nghị luận vấn đề xã hội. 

Nhiều bạn chia sẻ sau kỳ thi tuyển sinh rằng nhờ đọc và ít nhiều học cách viết từ Trò chuyện đầu tuần mà trở nên rất hào hứng khi gặp những đề Văn mở và làm bài thi đạt điểm ngoài mong đợi.

Với tôi, bộ sách giống như một sự tập hợp tương đối có hệ thống những bài viết trên chuyên mục khoảng gần 8 năm qua và hy vọng có thể trở thành "cẩm nang" có ích cho các bạn, trước hết trong cách tiếp cận những đề Văn mở.

ra mat sach cua Ha Nhan anh 1
Tác giả Hà Nhân - nhà báo Lê Thanh Hà. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

Ba tập sách có 3 cái tựa khác nhau hẳn cũng mang những ý nghĩa, thông điệp nhất định?

- Nhiều bạn đọc nói rằng tựa của 3 tập sách giống như quá trình trưởng thành của một con người. Tức là từ Ngày trong sương mù rồi vượt lên và Bay xuyên những tầng mây để lựa chọn được một lối sống của mình là Sống như cây rừng.

Cuốn đầu tập hợp những bài viết gắn nhiều với những bài học thời thơ ấu. Khi mình lớn lên thì mình tập cách gọi đúng tên sự vật hiện tượng. 

Dù cuộc sống đôi khi như được bao phủ một màn sương mù thì mình luôn cần phải xác định đúng lối đi, gọi đúng tên những điều còn mù mờ. Vì có nhiều điều nếu gọi không đúng tên thì lâu dài dễ khiến mình lầm lạc. Những lầm lạc từ thời thơ bé có thể đưa con người ta “đi lạc” rất xa sau này.

Cuốn Bay xuyên những tầng mây tập hợp nhiều bài khơi gợi cảm hứng sống vượt lên. Hẳn bạn còn nhớ cách đây mấy năm, Hà Nội trải qua một đợt rét rất dài, suốt 38 ngày gần như không thấy mặt trời. Rồi trong một chuyến công tác, khi máy bay vượt qua khỏi tầng mây, tôi chợt thấy nơi đây đang nắng chan hòa. Trong cuộc sống, đôi khi có rất nhiều đám mây xám như giới hạn con người. Đám mây đó thường ướt sũng những định kiến, sợ hãi... Người trẻ hay già cũng phải học cách để đi xuyên qua nó, đến nơi nắng ấm sáng tươi.

Còn cuốn thứ ba thực ra “bắt mạch” từ câu chuyện hệ sinh thái, là một khái niệm mà tôi được học trong một khóa đào tạo truyền thông. Tự nhiên cho con người nhiều bài học, như sự nâng đỡ, che phủ, nương tựa lẫn nhau của những cánh rừng. Trong rừng cây, có cây cao và cây thấp, chúng phát triển hài hòa với nhau. Cuộc sống cũng vậy, không ai đứng một mình, sống một mình cả. Sống là “sống với ai đó” hay “sống cùng ai đó”.

Sống sinh thái không phải chỉ là câu chuyện màu sắc bên ngoài như đạp xe đạp, ăn rau mà sống sinh thái là tổ chức một đời sống nơi con người biết đi tới một cách khoan dung, nhẫn nhịn.

ra mat sach cua Ha Nhan anh 2
Bộ 3 tập sách của tác giả Hà Nhân vừa được ra mắt. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

Trước khi bút danh Hà Nhân xuất hiện, chuyên mục Trò chuyện trong tuần do cây viết Đoàn Công Lê Huy phụ trách và đã để lại dấu ấn lớn với bạn đọc. Khi đảm nhận tiếp công việc này, anh có cảm thấy áp lực?

- Đây là một chuyên mục trên tuần san Hoa Học Trò đã rất thành công trước đó. Người viết là anh Đoàn Công Lê Huy (Đoàn Công Huynh). Khi anh Huynh chuyển công tác khác, tôi được giao đảm nhận chuyên mục này. (Trước đó, tôi viết hằng tuần cho mục Bình luận trên tuần báo Sinh Viên Việt Nam).

Tôi chỉ là người nối tiếp. Điều hấp dẫn và níu kéo tôi gắn bó với chuyên mục này có lẽ là sự tin cậy của người đi trước là anh Đoàn Công Lê Huy, và dần dần là của độc giả. Tôi nhớ ngày đầu tháng 12/2008, khi quay lại cơ quan cũ để bàn giao cho lãnh đạo mới, xuống nhà ra về, anh Huynh gọi điện ngược lên phòng nói với tôi: "Bài tuần rồi em viết hay đấy. Cái chính là phải gắng giữ kỷ luật viết, phải viết đều rồi sẽ hay dần lên."

Sau vài năm, có những bạn đọc học trò sưu tập những bài viết và có bạn lập trang blog để đăng lại những bài viết. Những điều đó động viên tôi rất nhiều trong việc gắn bó với trang mục này. Trò chuyện cuối tuần rồi chuyển thành Trò chuyện trong tuần rồi Trò chuyện đầu tuần nhưng nói chung vẫn là chuyên mục đó, một món ăn quen thuộc với các bạn đọc trẻ trong "bữa ăn ngon" Hoa Học Trò hằng tuần. Tất nhiên, khi đảm nhiệm việc giữ vị ngon cho món ăn vốn đã rất được yêu thích là một gánh nặng không hề nhỏ.

"Bắt mạch" những vấn đề thời sự, xã hội là sở trường hay là lựa chọn của anh để tạo ra sự khác biệt?

- Tôi nghĩ là sở trường nhưng cũng là cách tiếp cận phù hợp hơn bạn đọc ngày nay. Sau gần 8 năm giữ chuyên mục và tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi thấy rằng người trẻ hôm nay cần sự trao đổi trực diện hơn. 

Với họ chỉ có đúng và sai, hay và dở, thích và không thích. Họ không ở giữa những giá trị đó.

Nhiều người nói rằng người trẻ đang thiếu sự quan tâm với thời cuộc, thiếu sự nhạy cảm đời sống, xã hội. Nhưng tôi nghĩ không phải như vậy. Người trẻ hôm nay có cách nhìn nhận riêng của họ, có niềm tin nhưng cũng có những thất vọng riêng của thời đại họ, có “niềm vui lớn” và cả “nỗi khổ lớn” của họ.

Ở thời điểm hiện tại, chính chúng ta chứ chưa nói tới các bạn trẻ, đang coi mạng xã hội và internet là những kênh tiếp cận thông tin chính. Anh có thấy rằng chuyên mục và những bài viết của mình cũng cần thay đổi cách tiếp cận để vẫn giữ được sự "kết nối" với độc giả?

- Đó là điều mà tôi cũng suy nghĩ và đang có những thay đổi phù hợp hơn với cách tiếp cận của các bạn trẻ hiện nay. Về tinh thần nội dung, cách viết có lẽ sẽ không phải vấn đề cần thay đổi nhiều nhưng sự tương tác với các bạn thì cần nhiều hơn. Các bài viết hàng tuần giờ đây được chia sẻ trên fanpage để các bạn vào tranh luận, chuyện trò, mở rộng hơn vấn đề được đề cập.

Tác giả bộ sách, Hà Nhân tên thật là Lê Thanh Hà, hiện đang là Phó Tổng biên tập báo Sinh viên Việt Nam, Hoa Học Trò. Ba tập sách tập hợp những bài viết của anh trong 8 năm giữ mục Trò chuyện đầu tuần.

­



Hiếu Vân

Bạn có thể quan tâm