Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ cần nhận ra trạng thái cái Tôi và những xung đột giữa chúng

Nếu mục tiêu của cuộc đời là bản thân vững vàng, trưởng thành... thì mỗi chúng ta cần nhận ra, đối diện với cả sáu trạng thái cái Tôi và những xung đột giữa chúng.

Con người từ khi ra đời đã tồn tại "cá nhân" hay "cái Tôi". Nguồn: flytothesky.

Hồi học đại học, tôi rất ấn tượng với ý tưởng của một thầy giáo. Thầy nói rằng từ “tôi” trong tiếng Việt không có sức mạnh chủ thể như các ngôn ngữ phương Tây, mà mang nghĩa chịu đựng. Ấy vậy mà người Việt có từ “tôi tớ”.

Trong tiếng Anh, cái Tôi (Self) tùy theo cấu trúc ngữ pháp mà trở thành chủ thể của hành vi (I) hoặc đứng ở vị trí đối tượng chịu sự tác động (me). Tiếng Việt mình, dù đứng làm chủ ngữ hay tân ngữ, đều đọc và viết thành chữ “tôi”. Nên tùy khả năng hiểu cái ý trong lời mà người Việt nhận định được một người đang nói về cái “tôi” theo nghĩa làm chủ hay tiếp nhận.

Cái Tôi của mỗi chúng ta vốn được định hình theo hai chiều như vậy: Tôi tác động đến người khác và người khác tác động đến tôi. Chúng ta có lúc tiếp nhận phản hồi từ người khác, có lúc chống lại. Sự kháng cự là do các giá trị được phản hồi khác biệt đến mức tương phản với điều chúng ta vốn nghĩ về bản thân mình.

Tự vấn bản thân, thấu hiểu sự kháng cự là cách con người mở rộng đường biên bản ngã. Quá trình tự vấn bao giờ cũng có xung đột nội tâm xảy ra.

Năm 1987, nhà nghiên cứu tâm lý Edward Higgins đã nói về những xung đột nội tâm ấy thông qua Lý thuyết về tầng khác biệt cái Tôi (Self-discrepancy Theory). Theo ông, cái Tôi của mỗi chúng ta được cấu tạo từ hai nguồn tham chiếu và ba tầng bậc.

Hai nguồn tham chiếu gồm:

- Bản thân mình nhìn nhận về mình.

- Những người quan trọng với mình (cha mẹ / vợ chồng / con cái / thầy cô / sếp…) nhìn nhận về mình.

Ba tầng bậc khác biệt cái Tôi gồm:

- Cái tôi thực tế (actual self): mình đang sở hữu những đặc điểm gì.

- Cái tôi lý tưởng (ideal self): mình mong ước hoặc được mong ước sở hữu những đặc điểm gì.

- Cái tôi nên có (ought self): mình tự nghĩ hoặc được kì vọng là nên sở hữu những đặc điểm gì.

Tổ hợp hai nguồn tham chiếu và ba bình diện cho ra sáu dạng trạng thái cái tôi:

- Cái tôi thực tế trong mắt bản thân (actual / own). Ví dụ: Tôi là người cẩn trọng, từ tốn, đáng tin, hơi khó khăn khi thích ứng với môi trường mới.

- Hình ảnh tôi thực tế trong mắt người khác (actual / other). Ví dụ: Tôi được lãnh đạo đánh giá là người kiệm lời, có phần bí ẩn, đáng tin, hơi nhiều nguyên tắc, hơi thiếu linh động.

- Cái tôi lý tưởng trong mắt bản thân (ideal / own). Ví dụ: Giá như tôi dám thể hiện tâm hồn nghệ sĩ trong mình nhiều hơn.

- Hình ảnh tôi lý tưởng trong mắt người khác (ideal/other). Ví dụ: Bố mẹ tôi mong tôi vui vẻ, biết cảm nhận tình yêu thương, thành đạt.

- Cái tôi nên có trong mắt bản thân (ought / own). Ví dụ: Tôi nên dũng cảm, dám sống cho mình hơn.

- Hình ảnh tôi nên có trong mắt người khác (ought / other). Ví dụ: Người thầy kính mến cho rằng tôi nên biểu đạt điều tôi thực sự nghĩ.

Như vậy, nếu mục tiêu của cuộc đời là bản thân vững vàng, trưởng thành, bình tâm trước mọi biến động cuộc sống, thì mỗi chúng ta cần nhận ra, đối diện với cả sáu trạng thái cái Tôi và những xung đột giữa chúng. Nhà nghiên cứu tâm lý Higgins cho rằng có bốn dạng xung đột như sau:

- Xung đột giữa cái tôi thực tế và cái tôi lý tưởng trong mắt bản thân (actual / own versus ideal / own): Khiến ta của hiện tại còn cách quá xa so với mơ ước, khát vọng của mình. Cảm xúc phải đối diện là sự thất vọng, không hài lòng, tự phán xét mình không hiệu quả, thật đáng trách, giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh. Tóm gọn lại là cảm nhận thiếu tính hiệu quả và thiếu thành công.

- Xung đột giữa cái tôi thực tế trong mắt bản thân và cái tôi lý tưởng trong mắt người khác (actual / own versus ideal / other): Khiến ta hổ thẹn, trầm mặc, cảm thấy bản thân thấp kém trong mắt người khác, thiếu sự tự hào, thiếu cảm giác chắc chắn và mục tiêu, cảm thấy cô đơn, buồn bã. Nhìn chung là thiếu cảm giác được ghi nhận xã hội và giảm lòng tự trọng.

- Xung đột giữa cái tôi thực tế trong mắt bản thân và cái tôi nên có trong mắt người khác (actual / own versus ought / other): Khiến ta bị áp lực bởi các nghĩa vụ và trách nhiệm người khác đặt lên vai mình. Ta dễ sợ hãi, bị kích động dẫn đến hoảng sợ, cảm thấy tự nhiên sợ không vì lý do gì, mang nỗi hổ thẹn. Khái quát là cảm nhận sợ hãi, bị đe dọa dễ kích hoạt trong ta.

- Xung đột giữa cái tôi thực tế và cái tôi nên có trong mắt bản thân (actual / own versus ought / own): Dẫn đến sự trách phạt chính mình. Ta thường trực mang cảm xúc tội lỗi, tự khinh thường, không thoải mái vì cho rằng mình đang vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của bản thân. Nỗi lo lắng vì vi phạm các quy tắc luôn canh cánh trong lòng. Nghịch lý là ta càng cảm thấy có lỗi, tự kiểm điểm bản thân thì càng kiềm chế biểu đạt chúng. Ta chối bỏ cảm xúc tội lỗi mà thay thế bằng cảm giác vô giá trị. Tựu trung là dễ bị kích động xuất phát từ sự phê phán bản thân.

Không một ai có thể chỉ sống riêng cho mình và gác lại những ý kiến của người khác. Nếu có ai đó khuyên bạn rằng “Hãy bơ đi mà sống”, đó là lời khuyên hữu ích để tồn tại trong thế giới này, nhưng không đúng với bản chất tâm hồn của con người. Và cũng xin đừng hiểu rằng trái nghĩa của “bơ đi mà sống” là vận vào mình những trách nhiệm chẳng thuộc về bản thân. Con đường ở giữa là đối diện với những xung đột, những chênh khác giữa các trạng thái cái Tôi. Con đường này mơ hồ, nên ít người muốn đi. Không có cách nào cụ thể hơn sao? Không, vì mỗi người sẽ đi một cách riêng, sao mà cụ thể được.

Bạn đọc thân mến, hãy yên tâm, cái tôi thực tế (actual / own) không phải là một khái niệm cố định, bất biến mà luôn luôn thay đổi. Qua những lần tự vấn, ta có thể nhận ra hóa ra mình đã khác, hóa ra mình xứng đáng được hạnh phúc hơn, hóa ra mình đủ năng lực sửa chữa sai lầm và làm nhiều điều tốt đẹp hơn. Ta cũng có thể nhận ra xung quanh mình nhiều người đang giang cánh tay giúp đỡ, hãy nhận lấy và nói lời cảm ơn. Ta cũng có thể ngỡ ngàng rằng khi chứng kiến sự trưởng thành tích cực của mình thì kỳ vọng của những người thân yêu dành cho mình cũng có thể thay đổi.

Sau khi rọi đèn vào bóng tối và nhìn thấy sự thật, sau khi mọi phức tạp được gỡ rối và buông bỏ, cuộc sống này thật đơn giản và đầy yêu thương.

Đặng Hoàng Ngân / Quảng Văn Books - NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY