Tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ 21 Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, vụ việc có tính chất thời sự trên địa bàn cũng được báo chí rất quan tâm, trong đó có việc người Trung Quốc giấu mặt mua nhà, đất ở khu vực ven biển, áp sát sân bay Nước Mặn mà báo điện tử Infonet đã phản ảnh.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí trả lời báo chí.
- Đà Nẵng xác định một trong ba mũi nhọn đột phá phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2015 – 2020 là phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại… Tuy nhiên trong quá trình phát triển du lịch, dịch vụ thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số nhà đầu tư, người dân Trung Quốc mua nhà, đất ven biển Đà Nẵng và gặp sự phản ứng của dư luận cũng như một số vị trong ban lãnh đạo chính quyền TP. Liệu điều này có ngược lại và làm ảnh hưởng đến phương hướng của nhiệm kỳ tới vốn xác định Đà Nẵng là một vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng?
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 9/10. |
- Chuyện người Trung Quốc mua đất ven biển hôm trước họp Thành ủy đã có nêu lên và báo chí rất quan tâm thông tin này. Nhưng thực ra mà nói thì không quá nhiều đến mức không kiểm soát được. Những việc đã diễn ra rồi thì hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát của mình. Tất nhiên khi làm thì họ không báo, họ lợi dụng danh nghĩa thế này, thế kia, nhờ những người thân quen là người Việt đứng tên.
Bây giờ mình có chủ trương kiểm soát việc đó chứ không buông lỏng được. Còn nói chủ trương của TP thì TP không có chủ trương gì cho phép người Trung Quốc mua đất ở đó. Nhưng không riêng gì người Trung Quốc mà nói chung là người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để mua đất thì mình phải kiểm soát, còn cái này cũng chưa đến mức gọi là ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh ở tuyến ven biển.
Tất nhiên có một vài dự án của người nước ngoài nói chung, trong đó có người Trung Quốc, đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là những địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh thì mình phải quan tâm, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện theo đúng luật pháp Việt Nam cũng như đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài vào TP Đà Nẵng hiện rất thấp. Số dự án thì nhiều nhưng giá trị vốn đầu tư thì thấp. TP rất trăn trở về việc này, tuy nhiên cũng rất cẩn thận. Những dự án nào ảnh hưởng tới môi trường, những dự án ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh, những dự án không nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư trên địa bàn TP thì “bấm bụng” không cấp giấy phép cho nhà đầu tư.
- Ông vừa nói Đà Nẵng đã có biện pháp để kiểm soát, quản lý việc người Trung Quốc giấu mặt mua nhà, đất ở ven biển TP. Xin ông cho biết rõ thêm biện pháp này là như thế nào?
- Thực ra không có giải pháp nào gọi là đặc biệt cho chuyện này. Nhưng khi có thông tin dư luận phản ảnh như thế thì lãnh đạo TP, UBND TP có chủ trương rà soát lại thực tế các dự án, các diện tích đất ở khu vực ven biển trước đây đã chuyển quyền sử dụng đất cho những đối tượng nào, có đúng như dư luận phản ảnh là có người nước ngoài núp bóng đằng sau những người nhận chuyển quyền sử dụng đất vừa rồi không? Soát xét lại cái đó, chứ không phải tất cả.
Thứ hai là rà soát lại quy hoạch tuyến đó, khu nào là khu dân cư thì không thể đưa các dự án sản xuất, kinh doanh du lịch vào đó, dứt khoát như vậy; khu nào sản xuất, kinh doanh thì không đưa nhà ở, dân cư vào đó. Nếu quy hoạch không hợp lý TP sẽ điều chỉnh quy hoạch theo cách hợp lý hơn, vừa đảm bảo phát triển KT-XH trên địa bàn, vừa đảm bảo cam kết của TP với các nhà đầu tư, và vừa tính đến vấn đề quốc phòng, an ninh.
Thứ ba là rà soát lại việc cấp phép chuyển quyền sử dụng đất. Cái này thực ra nếu có ai đứng đằng sau thì mình cũng biết được hết. Giấy tờ mang danh ai thì mình tiếp tục rà soát. Đó là những biện pháp công khai, còn đương nhiên là các cơ quan có trách nhiệm sẽ có biện pháp thăm dò thực tế, xem thử có cái gì ngoài tầm kiểm soát hay không?
Cũng xin báo cáo là vừa rồi kiểm tra rất là kỹ thì cũng có thể nói là không đến mức báo động lớn lắm về chuyện người nước ngoài núp bóng người Việt Nam mua đất ở tuyến ven biển, đặc biệt là trên trục đường từ Võ Nguyên Giáp kéo dài đến đường Trường Sa giáp với tỉnh Quảng Nam. Cái này có thể đưa vào diện khu vực đặc biệt nhạy cảm trên lĩnh vực quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng trên các trục đường đó!