Cả hai đều là những học viện hàng đầu Trung Quốc: Viện Dược vật học Thượng Hải (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc) và Viện Virus học Vũ Hán. Nhưng thông tin này nhận được sự hoài nghi trên mạng Internet.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu kết luận trên có dựa trên bằng chứng lâm sàng từ việc điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona hay không.
Những người khác nghi ngờ liệu đây có phải là toan tính nhằm quảng bá một số loại thảo dược, để tăng giá cổ phiếu nhà sản xuất trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc mở cửa lại vào ngày 3/2.
Nhưng dường như nhiều người Trung Quốc không để ý tới cơ sở khoa học. Các hình ảnh trên mạng xã hội Weibo cho thấy người dân xếp hàng qua đêm bên ngoài các tiệm thuốc trên khắp Trung Quốc để mua Song Hoàng Liên. Nhu cầu mua Song Hoàng Liên cao tới mức sản phẩm này cháy hàng trên chợ điện tử Taobao.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã quảng bá mạnh mẽ y học cổ truyền. Ảnh: Getty Images. |
Sau phản ứng hoài nghi từ công chúng, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc lập luận rằng “ngăn chặn không đồng nghĩa với phòng chống, chữa trị”, và kêu gọi người dân không vội vàng đi mua và sử dụng mà không có sự giám sát của bác sĩ.
Thông tin về Song Hoàng Liên được Tân Hoa Xã công bố đầu tiên, ngay sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia có thông báo về dịch virus corona, đề nghị các cơ sở y tế “chủ động thúc đẩy vai trò của y học cổ truyền Trung Quốc trong điều trị”.
Chỉ hai ngày trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn luôn ủng hộ y học cổ truyền, kêu gọi “kết hợp y học Trung Quốc và phương Tây” trong chẩn đoán, chữa trị, tại một cuộc họp của Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất ở nước này.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã quảng bá mạnh mẽ y học cổ truyền Trung Quốc - hay còn được người Việt gọi nôm na là “thuốc Bắc”. Để đạt mục tiêu đó, Trung Quốc thành lập 30 trung tâm y học cổ truyền ở các nước dọc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình đầu tư hạ tầng khổng lồ do ông Tập khởi xướng.
Sự an toàn và hiệu quả của y học cổ truyền vẫn gây tranh cãi ở Trung Quốc. Dù là những phương pháp chữa trị tồn tại hàng trăm năm, nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng không có cơ sở khoa học có thể kiểm chứng được để chứng minh cho lợi ích của y học cổ truyền.
Người Hong Kong xếp hàng mua khẩu trang. Ảnh: AP. |
Việc quảng bá y học cổ truyền cũng nằm trong toan tính khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của ông Tập, trái với những thời kỳ trước khi một số di sản văn hóa truyền thống từng bị đả kích, bỏ qua, theo CNN.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ đang nghiên cứu vắc xin phòng virus corona, nhưng nhiều khả năng sẽ mất vài tháng để bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, và hơn một năm để vắc xin được sẵn sàng, theo các chuyên gia.
Trong đại dịch SARS năm 2003, một loại thảo dược khác của Trung Quốc, “Bản Lam Căn” - làm từ rễ cây tùng lam, cũng cháy hàng ở các tiệm thuốc vì người dân cho rằng nó có thể phòng chống SARS, dù không có bằng chứng lâm sàng nào cho điều đó, theo CNN.