Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Người TP.HCM chỉ cách chăm hoa hiệu quả ở chung cư

Một số mẹo chăm hoa hiệu quả để tiết kiệm chi phí và tránh làm chết hoa cho người mới.

bi quyet trong hoa anh 1

Một số mẹo chăm hoa hiệu quả để tiết kiệm chi phí và tránh làm chết hoa cho người mới.

bi quyet trong hoa anh 2

Bên cạnh cây xanh, trồng hoa trong nhà hoặc ban công cũng là một thú vui của nhiều người. Chăm hoa không khó nhưng đòi hỏi sự đầu tư đúng đắn và thời gian kiên trì chăm sóc.

Mỗi loài hoa có cách chăm sóc khác nhau, đồng thời tùy vào điều kiện kinh tế, không gian sống của mỗi người. Trong bài viết dưới đây, Zing tổng hợp các lưu ý cơ bản từ độc giả để người mới chơi hoa tham khảo trước khi trồng.


Xác định vị trí trồng

Một trong những bước đầu tiên khi có ý định trồng hoa hoặc cây cảnh là định hình cây nên được đặt ở đâu trong nhà.

Một số loài hoa như hoa hồng, hoa nhài, hoa giấy,... cần nắng để phát triển tốt và ra hoa đẹp. Do đó, bạn nên đặt ở nơi đón nắng thường xuyên, nhưng lưu ý tránh nắng gắt buổi trưa.

"Nhà tôi may mắn có ban công hướng Đông Bắc dễ trồng hoa hơn cả, vì đây là vị trí đón nắng sớm và tránh nắng gắt buổi xế chiều. Những ngôi nhà hướng Tây Nam thì ngược lại. Vì vậy những loài cây trồng ở đây phải chịu nắng rất tốt, không thì sẽ khó sống", Hương Trà (Q.2) bắt đầu trồng hoa ở ban công khoảng 3 tháng trước.

Với nhà thiếu nắng hoặc có hướng ban công không đẹp, một kinh nghiệm là lắp đặt một dàn đèn thay thế ánh mặt trời.

Với nhà có diện tích nhỏ, kinh nghiệm của Steven Nguyễn (Q.7) là trồng hoa theo tầng để bố cục gọn gàng.

Để bảo vệ hoa trước nhiệt độ cao, người trồng có thể lắp bộ phun sương làm mát cây hoặc lưới che nắng.


Chọn giống và mua hoa

Theo Ngọc Bảo (TP Thủ Đức), người mới làm vườn có thể thử bắt đầu với hoa hồng. Đây là loài hoa phổ biến và có thể tìm mua ở nhiều vườn ươm hoặc trên các cửa hàng online.

Tuy vậy, hoa hồng khá khó chăm sóc với người chơi mới. Hương Trà gợi ý một số giống hoa dễ trồng hơn như dành dành, bạch thiên hương, tươi lâu và tỏa hương tốt.

Chia sẻ với Zing, Steven nói anh thường chọn mua cây ít hoặc không hoa để đem về tự chăm sóc, vì những cây có sẵn hoa nhiều thường sẽ khó sống hoặc nhanh rụng lá.

"Người bán có xu hướng xịt thuốc kích hoa để hoa nở nhiều, đẹp và thu hút người mua. Sau 2-3 lần mua những cây như vậy về trồng và cây chết rất nhanh, tôi rút kinh nghiệm chỉ chọn mua cây chưa ra hoa. Nếu có hoa, tôi sẽ nhờ họ cắt hết và dưỡng khoảng 1 tuần mới giao".


Mua đất và phân bón

Về kinh nghiệm mua đất, Minh Thi (Bình Chánh) chọn mua đất sạch, về nhà tự trộn thêm một số giá thể như đá perlite hoặc mùn dừa theo tỉ lệ 1:1.

Cô chia sẻ: "Quan trọng là không được để đất bị bí hoặc quá ẩm vì sẽ sinh ra rệp. Tôi thường chú ý giúp cây hoa cúc bách nhật nhà mình thoát nước để tránh úng rễ".

Hầu hết loài hoa cần được bón phân thường xuyên để sinh trưởng tốt, ra cánh hoa dày và lá xanh tươi. Tuy nhiên, tần suất bón cũng cần được cân đối.

bi quyet trong hoa anh 3

Theo trang The Sill, lượng phân bón nhiều sẽ để lại các vảy cứng trên đất và vết cháy trên lá cây. Tốt nhất là chỉ nên bón phân ở giai đoạn cây sinh trưởng hay ra hoa.

Vì bận rộn với công việc và con nhỏ nên Minh Phương (Q.7) tối giản việc chăm sóc cây bằng cách mua dịch chuối tưới 3-4 ngày/lần và bón phân viên hữu cơ chuyên dùng 25-30 ngày/lần.

Phân bón hữu cơ là một sự lựa chọn khá phổ biến được người trồng hoa, đặc biệt là những gia đình có em bé hoặc nuôi thú cưng, thay cho phân bón hóa học truyền thống. Bạn có thể tham khảo các cách làm phân hữu cơ tại nhà để áp dụng cho từng loài hoa.


Tưới nước

Một cái khó của người trồng hoa đó là không được để đất quá ẩm hoặc quá khô. Vì vậy, tần suất tưới nước cũng là một vấn đề gây tranh cãi.

Trong trường hợp bạn không biết nên tưới bao nhiêu lần một tuần, hãy nhớ nguyên tắc được Christopher Satch, nhà nghiên cứu cây cảnh tại New York, Mỹ gợi ý: Chỉ tưới khi đất khô.

Sau một thời gian trồng một số cây kiểng và hoa cúc, Minh Thi đã học được lịch trình tưới cây cho riêng mình: Khoảng 2 ngày/lần, trước khi tưới sẽ kiểm tra nền đất xem đã khô ráo hay còn ẩm ướt. Thời điểm vàng để tưới nước là lúc đất vừa khô, tưới vào buổi sáng trước 9h và chiều khoảng 16h.

Tuy nhiên, bạn nên canh thời tiết để điều chỉnh lượng nước phù hợp. Vào mùa mưa, hoa không cần cung cấp nhiều nước.


Trừ sâu bệnh

Sâu bệnh thường đến từ nguyên nhân cây bị ẩm ướt, thiếu sáng. Ngoài rệp, một số bệnh thường gặp ở hoa gồm: bệnh phấn trắng, xuất hiện bọ trĩ, nấm gây đốm đen.

Bên cạnh việc cân bằng độ ẩm, người chơi hoa cần lưu ý phun trừ sâu bệnh và bổ sung dinh dưỡng để hoa khỏe mạnh, kháng bệnh.


Chi phí chăm sóc hoa

Dù chi phí cho cây và chậu, đất không nhỏ, người chơi hoa đều chia sẻ rằng số tiền bỏ ra là xứng đáng.

Hiện, Steven Nguyễn đang trồng hoa hồng cổ Hải Phòng, hồng Masora Nhật và 17 gốc hồng ngoại khác nhau. Anh nói mình đã tiêu tốn tầm 4 triệu đồng cho số hoa này.

"Thực tế cho đến nay, tôi không chi thêm nhiều. Chủ yếu là tốn tiền nước vào những tháng hạn còn đèn chong không tốn bao nhiêu. Thi thoảng, tôi mua thêm 1-2 cây tùy hứng và vài tháng lại mua chuối, bia để ủ và bổ sung dinh dưỡng cho cây".

"Mấy tuần giãn cách, tôi dạy yoga online. Mỗi sáng 5h30 ngồi gần ban công vừa dạy, vừa ngắm hoa, ngắm mặt trời mọc khiến tôi thấy đầu óc thư thái. Thời gian này tôi nghĩ đó là điều cần nhất", anh chia sẻ.

Thiên Hân

Bạn có thể quan tâm