Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người tiêu dùng tiếp tục ăn chả cá chứa Urê

Tất cả các mẫu chả cá được đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Yên đưa đi kiểm tra, xét nghiệm đều phát hiện có dư lượng urê, nhưng việc buôn bán vẫn tiếp diễn.

Theo kết luận của Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Phú Yên, 26 hộ kinh doanh chả cá tại chợ Tuy Hòa phải tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, nhưng đến nay các hộ này vẫn chưa chấp hành. Trong khi đó, đoàn công tác liên ngành tiếp tục kiểm tra, đưa mẫu chả cá đi xét nghiệm, kết quả tất cả các mẫu đều có dư lượng urê.

Vẫn có Urê trong chả cá

Tát cả các mẫu chả cá đều phát hiện có dư lượng urê.
Ông Nguyễn Chí Xanh, Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ Tuy Hòa cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tạm dừng kinh doanh 1 tháng, BQL chợ đã triển khai tới từng hộ kinh doanh chả cá. Thời gian đầu, có 3 hộ tự nguyện nghỉ kinh doanh, nhưng sau đó cả 26 hộ đã kinh doanh trở lại. BQL chợ không đủ thẩm quyền tiến hành cưỡng chế độc lập nên chưa thể xử lý dứt điểm. Hơn nữa, các hộ kinh doanh này đều phản ánh, nếu nghỉ 1 tháng ròng như vậy, kinh tế gia đình họ sẽ gặp nhiều khó khăn…

Trong khi đó, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiếp tục tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nguyên liệu chả cá tại chợ Tuy Hòa để xét nghiệm. Theo Sở Y tế, tại thời điểm kiểm tra có 25 hộ kinh doanh (1 hộ tạm ngưng hoạt động), mỗi hộ được bố trí chế biến, kinh doanh trong diện tích 1m2. Qua kiểm tra, 25 cơ sở kinh doanh này chưa có giấy phép kinh doanh, kinh doanh trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, diện tích nhỏ hẹp gây cản trở thao tác vệ sinh, khử trùng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: “Đoàn kiểm tra đã lấy 6 mẫu chả cá tại chợ Tuy Hòa và 2 mẫu chả cá Nha Trang chiên sẵn được bày bán tại thành phố Tuy Hòa (cơ sở kinh doanh cung cấp nguồn gốc mua từ thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) gửi đến Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa) để kiểm nghiệm 2 chỉ tiêu urê và chloramphenicol. Kết quả cả 8 mẫu trên đều không có dư lượng chloramphenicol nhưng có hàm lượng urê từ 7mg/kg đến 45mg/kg”.

Không biết Urê có trong cá từ nguồn nào

Theo Sở Y tế, căn cứ các quy định của Nhà nước về việc quy định kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản thì tất cả 25 hộ kinh doanh nêu trên đều chưa đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Về chủ quan, có thể do con người cho urê vào bảo quản cá trong giai đoạn đánh bắt, thu mua, vận chuyển. Về khách quan, do nội sinh bản thân cá trong quá trình phân hủy protein tạo ra urê.Trong khi đó, cơ sở kiểm nghiệm là Viện Pasteur Nha Trang chưa phân tích được urê trong cá là do nội sinh hay ngoại sinh, do vậy chưa đủ bằng chứng kết luận urê trong chả cá là do con người bỏ vào vì chưa bắt được quả tang.

Với cách chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh, chả cá là thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao.
Hiện tại, cơ sở hạ tầng tại khu vực chế biến chả cá ở chợ Tuy Hòa chưa đảm bảo, nguyên nhân là do BQL chợ Tuy Hòa bố trí chưa đúng quy định. Về trang thiết bị, các cơ sở không chịu đầu tư, chưa thống nhất để cấp nước sạch tại khu chế biến, ý thức vệ sinh chung kém…

Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Từ kết quả kiểm tra, Sở Y tế đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Tuy Hòa, BQL chợ Tuy Hòa phối hợp với Sở Công thương tiếp tục tạm ngưng hoạt động 26 cơ sở chế biến, kinh doanh chả cá tại chợ Tuy Hòa để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đối với khu sản xuất, chế biến theo đúng quy định. Các hộ kinh doanh chả cá tại chợ Tuy Hòa phải đăng ký kinh doanh đúng ngành nghề, phải khám sức khỏe theo quy định bắt buộc. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phất triển nông thôn tiếp tục đề xuất phương án tổ chức truy xuất nguồn gốc, tìm nguyên nhân urê có trong cá làm chả". Cho đến nay vì chưa có biện pháp xử lý thích hợp nên các cơ sở chế biến chả cá "bẩn", độc hại hàng ngày vẫn cung cấp cho thị trường và người tiêu dùng vẫn cứ tiếp tục sử dụng thực phẩm "bẩn" mà chưa biết hệ lụy của nó sẽ thế nào với sức khỏe.

Theo Nghị định 91 ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Các cơ sở này đã có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc sử dụng phụ gia là chất độc hại để sản xuất, chế biến thực phẩm, có mức phạt 20 - 40 triệu đồng. Mặt khác, kết quả kiểm nghiệm các mẫu chả cá đã phát hiện hóa chất độc hại nên đã vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Hành vi này có mức xử phạt cao hơn. Điều 7 của Nghị định 91/2012/NĐ-CP cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo Chất lượng Việt Nam

Bạn có thể quan tâm