Lợi ích dễ thấy của thẻ tín dụng là sự tiện dụng,người tiêu dùng chỉ việc quẹt thẻ khi không mang tiền mặt, nhưng trên thực tế nó có thể mang lại nhiều rắc rối với những người thu nhập không cao, thậm chí trở thành những con nợ lớn của ngân hàng.
Thẻ tín dụng là cạm bẫy "ngọt ngào"
Nhiều người hiện đã nhận ra sự thật rằng thẻ tín dụng là một "cạm bẫy ngọt ngào". Khi có thẻ trong tay thì người dùng luôn có cảm giác mình là người có tiền, sẵn tiền do đó nhiều khi rơi vào cảnh chi tiêu mất kiểm soát, trở thành những con nợ lớn của ngân hàng lúc nào không hay.
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng bắt đầu âm thầm tăng phí, tăng lãi suất đối với chi tiêu qua thẻ tín dụng. Hiện, mỗi chiếc thẻ tín dụng đang gánh hàng chục loại phí, lãi suất vay qua thẻ ngang ngửa “tín dụng đen”.
Những khoản phí của thẻ tín dụng khiến người tiêu dùng có thu nhập thấp lao đao như phí duy trì thẻ hàng năm 300.000 đồng, phí chậm nộp tiền 4%, phí cấp lại thẻ, phí cấp bản sao kê 100.000-200.000 đồng, phí 4% trên số tiền rút ra từ ATM, nếu chậm nộp tiền vượt hạn mức sẽ bị lãi cao 30% một năm. Chưa kể với công tác bảo mật dễ dãi (không cần chữ ký chủ thẻ) ở nhiều ngân hàng hiện nay, việc đánh mất thẻ tín dụng có thể là thảm họa cho người dùng thẻ.
Thẻ tín dụng dễ biến người tiêu dùng thành con nợ của Ngân hàng. |
Không chỉ lãi cao, nhiều ngân hàng còn tăng phí sử dụng thẻ trá hình bằng cách yêu cầu khách hàng tăng số dư bình quân duy trì trong thẻ, giảm hạn mức rút tiền của thẻ từ 5 triệu đồng/lần xuống còn 2 triệu đồng, tăng phí chuyển khoản trên Internet Banking...
Cụ thể, trước đây, VIB quy định nếu chủ thẻ duy trì số dư bình quân 500.000 đồng trong tài khoản thì được miễn phí các giao dịch rút tiền trên ATM và chuyển khoản trên Internet Banking..., song hiện nay, phải duy trì số dư gấp đôi.
Người tiêu dùng nên thận trọng khi sử dụng thẻ tín dụng
Tuyệt chiêu của ngành công nghiệp thẻ hiện đại là nhà phát hành không bao giờ mong khách hàng nhanh chóng trả nợ. Thực tế, họ sẽ thu lợi lớn hơn nếu bạn chỉ có thể trả nợ với mức tối thiểu theo quy định. Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Chống lạm dụng chính sách ưu đãi về phá sản mới ban hành, nhiều công ty thẻ sẽ phải nâng mức trả nợ tối thiểu hằng tháng lên 4%, thay vì 2,5% như hiện nay.
Tuy nhiên, nâng hạn mức trả nợ tối thiểu hằng tháng chưa đủ giải quyết phiền phức. Bởi vậy nếu không muốn lún sâu trong nợ nần, người tiêu dùng nên cố gắng thu xếp trả nợ ngân hàng nhiều hơn mức tối thiểu hằng tháng theo quy định, ít nhất là gấp đôi hạn mức đó.
Có một bí quyết khá quan trọng khác đó là nhà phát hành thẻ không mấy quan ngại nếu khách hàng chậm nạp tiền vào tài khoản tín dụng, bởi họ sẽ kiếm bộn từ việc thu phí chậm trả nợ.
Cách tốt nhất người tiêu dùng nên sử dụng dịch vụ thanh toán hóa đơn qua mạng ngân hàng, từ đó lên kế hoạch trả nợ, trước khi khoản chi tiêu qua thẻ hết hạn. Nếu vì một lý do nào đó mà không nhớ chính xác thời hạn nộp tiền vào tài khoản, ngay lập tức phải gọi điện cho nhà phát hành thẻ của mình và đề nghị họ miễn áp dụng tiền phạt.
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi sử dụng thẻ tín dụng. Ảnh: Nguoitieudung. |
Nhiều công ty thẻ đang chào mời mức lãi suất hấp dẫn 0% để lôi kéo khách hàng từ các đối thủ khác. Tuy nhiên đằng sau lãi suất 0% này, bạn có nguy cơ mất đi nhiều ưu đãi khác, tưởng lặt vặt song vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, bạn chỉ cần chậm trả nợ trong vòng 1 ngày, và dù là lần đầu tiên lỗi hẹn, lãi suất sẽ ngay lập tức nhảy từ mức 0% lên 24%. Và nếu đây là lần thứ hai chậm nộp tiền vào tài khoản, bạn sẽ chịu lãi suất 29%.
Hơn nữa, đi kèm với mức lãi suất ưu đãi chào mời ban đầu, các công ty thẻ còn đưa thêm quy định “lãi suất phạt có hiệu lực hồi tố”, tức là dù 10 lần trước bạn trả nợ đúng hạn, nhưng vô tình trễ hẹn trong lần thứ 11, bạn sẽ chịu lãi suất phạt với mức rất cao cho lần thứ 11 này và cả 10 lần trước đó.
Theo khuyến cáo của nhiều chủ thẻ đã sử dụng thẻ thanh toán, muốn chi tiêu hiệu quả và không bị ngân hàng tính lãi thì “cần trả đúng hạn để không bị ngân hàng tính lãi vay và lãi phạt”. Một điều cần lưu ý nữa là mỗi ngân hàng có quy định khác nhau về ngày đến hạn thanh toán. Ví dụ, HSBC là ngày thứ 15 sau ngày sao kê, còn BIDV là ngày thứ 11 sau ngày sao kê.