Những người được tiêm thử nghiệm vaccine do công ty Moderna phát triển cho thấy kết quả bước đầu tích cực, và nếu các nghiên cứu tiếp theo diễn ra suôn sẻ, vaccine này có thể đến với công chúng sớm nhất là vào tháng 1/2021.
"Đây hoàn toàn là tin tốt và là tin tức mà chúng tôi nghĩ nhiều người có thể đã chờ đợi lâu nay", bác sĩ Tal Zaks, người đứng đầu đội ngũ y khoa tại công ty công nghệ sinh học Mỹ, nói với CNN.
Trụ sở công ty Moderna. Ảnh: Reuters. |
Kết quả trên đến từ giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine trên người, vốn thường diễn ra với một số lượng nhỏ đối tượng nghiên cứu và tập trung vào việc liệu vaccine có an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch hay không. Nghiên cứu này, hợp tác với Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), chưa được bình duyệt hay công bố trên chuyên san y khoa.
Moderna, trụ sở tại bang Massachusetts, là một trong 8 đơn vị phát triển vaccine trên thế giới đang tiến hành thử nghiệm trên người vaccine phòng virus corona mới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hai đơn vị khác cũng ở Mỹ, trong khi một ở Anh và 4 ở Trung Quốc.
Moderna đã tiêm vaccine thử nghiệm cho hàng chục tình nguyện viên và đo lường kháng thể ở 8 người trong số họ. Toàn bộ 8 người đều hình thành kháng thể giúp vô hiệu hóa virus ở mức độ tương đương hoặc hơn mức độ ở những người bình phục tự nhiên sau khi nhiễm virus, theo công ty.
Một chuyên gia vaccine không tham gia dự án của Moderna nói kết quả "rất tuyệt vời".
"Nó cho thấy không chỉ kháng thể bám vào virus mà còn ngăn chặn virus xâm nhập các tế bào", bác sĩ Paul Offit, thành viên hội đồng NIH thiết lập quy định cho nghiên cứu vaccine tại Mỹ, nói.
Dù vaccine cho kết quả hứa hẹn trong phòng thí nghiệm, vẫn chưa rõ liệu vaccine có thể bảo vệ con người trong đời thực hay không. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép công ty bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2, tức sẽ có hàng trăm người tham gia.
Giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm, thường có sự tham gia của hàng chục nghìn người, dự kiến bắt đầu vào tháng 7.