Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) bị phong tỏa toàn bộ từ đầu tháng 4, trong đó nhiều người đã phải cách ly từ nhiều ngày trước, gây nên nhiều căng thẳng đối với người dân, CNA đưa tin.
Thành phố này đang phải đối mặt đợt bùng phát dịch lớn nhất tại Trung Quốc từ trước tới nay. Chính quyền báo cáo có 12 ca tử vong vì Covid-19 vào ngày 22/4, tăng thêm so với 11 ca ngày trước đó.
Chính quyền Thượng Hải cho biết thêm những người tử vong có độ tuổi trung bình là 88, tất cả đều có tình trạng sức khỏe cơ bản và chưa từng tiêm phòng Covid-19.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã đấu tranh chống lại các biện pháp phòng dịch nghiêm khắc bằng cách tung ra video dài 6 phút, có tựa đề "The Voice of April" (tạm dịch: Thanh âm của tháng 4) - một bản dựng các giọng nói được ghi lại trong quá trình dịch bùng phát trong thành phố.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở khu Phố Đông, Thượng Hải ngày 17/4. Ảnh: AFP. |
Xoay quanh hình ảnh các tòa nhà chọc trời im lìm ở Thượng Hải, video ghi lại tiếng phàn nàn của người dân về tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, cũng như các biện pháp nặng tay của chính quyền thành phố.
Tất cả đường link dẫn tới video đều đã bị xóa khỏi Weibo vào ngày 23/4, mặc dù những lời chỉ trích về biện pháp kiểm dịch vẫn còn tồn tại.
"Tôi cho rằng nếu bạn không muốn nghe dù chỉ là một chút giọng nói thật của người trong cuộc, điều đó thật sự là vô vọng", một người bình luận.
Nhiều người nhớ lại sự giận dữ bùng phát trên mạng xã hội cách đây hơn 2 năm, khi bác sĩ Lý Văn Lượng bị khiển trách vì chia sẻ thông tin "sai sự thật" về một căn bệnh truyền nhiễm giống SARS mới ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.
"Bác sĩ Lý, sau hai năm vẫn không có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn không được mở miệng, vẫn không được nói", một người dùng Weibo bình luận.
Người dân kiệt sức và thất vọng
Bất chấp sự tức giận và thất vọng của người dân trong các khu dân cư bị phong tỏa tại Thượng Hải, các quan chức thành phố khẳng định sẽ không có bất kỳ sự nới lỏng nào cho đến khi các ca nhiễm ngoài cộng đồng được xử lý xong.
"Giai đoạn càng trở nên quan trọng, chúng ta càng phải nghiến răng để tập trung sức lực của mình", thị trưởng Thượng Hải Gong Zheng nói trên kênh WeChat chính thức của chính quyền vào hôm 22/4.
Người dân Thượng Hải mệt mỏi khi bị phong tỏa hơn một tháng. Ảnh: Reuters. |
Số ca nhiễm ngoài cộng đồng vào ngày 22/4 được ghi nhận là 218 ca, giảm so với con số 250 ca vào ngày hôm trước. Dữ liệu chính thức cho thấy đã có 20.634 ca nhiễm mới không triệu chứng trong thành phố, tăng gần 5.000 ca so với thống kê ngày 21/4.
Jaya Dantas, một chuyên gia y tế công cộng tại Trường Y tế Dân số Curtin của Australia, người đang theo dõi đợt bùng phát ở Thượng Hải, cho biết: “Chiến lược cần thực hiện ngay lập tức là tăng tỷ lệ tiêm chủng nhắc lại cho người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác, đồng thời xem liệu vaccine mRNA có thể được sử dụng hay không”.
Trung Quốc vẫn chưa giới thiệu vaccine mRNA của riêng mình và đã chọn không nhập khẩu những vaccine được phát triển ở nước ngoài.
Trong một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố, các chuyên gia y tế ở thành phố Cát Lâm, nơi bùng phát một đợt dịch khác gần đây, cho biết đến nay, vaccine của nước này đã có hiệu quả, mặc dù các biến thể Covid-19 mới xuất hiện vẫn chưa thể đoán trước được.
Liang Wannian, chuyên gia đứng đầu cơ quan tư vấn về Covid-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia, nói với truyền hình nhà nước vào cuối ngày 22/4 rằng các chính sách Zero-Covid "năng động" hiện tại đã cho nước này "thời gian để chuẩn bị", cho phép tăng cường mức độ tiêm chủng.
Tang Jiafu, một quan chức thành phố, thừa nhận rằng phong tỏa đang gây áp lực lên môi trường của Thượng Hải, với chưa đến một nửa số công nhân vệ sinh của thành phố đang làm việc, ảnh hưởng đến tỷ lệ thu gom rác.
Ngay cả sau khi phong tỏa hơn 30 ngày, một số khu vực vẫn báo cáo các ca nhiễm mới, gây nghi ngờ về tính hiệu quả của phương pháp tiếp cận của Trung Quốc.
“Đây là một khoảng thời gian khó khăn và có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần: mọi người kiệt sức và thất vọng", Dantas nói.