Kể từ khi khu vực phía đông sông Hoàng Phố bị phong tỏa ngày 28/3, ông Horace Lu, chuyên viên quan hệ công chúng, đã mua rau và thịt trị giá 2.700 nhân dân tệ (khoảng 425 USD), cùng với 500 quả trứng, cho bản thân và hàng xóm.
Khu nhà của ông Lu nằm trong số ít khu vực được dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 31/3, trong khi hầu hết khu dân cư ở phía đông sông Hoàng Phố vẫn bị phong tỏa thêm do có ca bệnh được ghi nhận.
Lệnh phong tỏa khiến cuộc sống của người Thượng Hải trở nên khó khăn. Ảnh: Bloomberg. |
“Những người bán hàng ở Phố Đông yêu cầu đặt số lượng hàng tối thiểu nhất định. Do đó, bạn phải mua góp với những người có cùng nhu cầu”, ông Lu nói với South China Morning Post.
Nhóm trò chuyện của ông Lu có khoảng 60 người. Ông Lu tổng hợp đơn đặt hàng từ đó, trước khi chuyển tới các nhà cung cấp thực phẩm.
Trong khi đó, Joyce Chen, một cư dân Phố Đông có cha bị tiểu đường và cần chạy thận, cho biết gia đình cô khó tìm được bệnh viện cho cha. Bệnh viện mà ông thường tới đang tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú do lệnh phong tỏa.
“Chúng tôi phải chờ hai ngày trước khi cha được chạy thận. Ông đã bị nổi mẩn khắp người”, Chen nói. “Chúng tôi vẫn chưa biết phải làm cách nào để ông có thể chạy thận lần tiếp theo”.
Trước đó, một nữ y tá ở Thượng Hải đã tử vong do hen suyễn sau khi bệnh viện của cô từ chối tiếp nhận vì bị phong tỏa do đại dịch. Một nhân viên cấp cứu cũng thiệt mạng vì nguyên nhân tương tự.
Sáng 31/3, chính quyền Thượng Hải đã phải lên tiếng thừa nhận giới chức thành phố xử lý kém cỏi trước dịch bệnh và chấp nhận chỉ trích của người dân.
Giới chức Thượng Hải thừa nhận thiếu chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh, cũng như không thể đáp ứng mọi nhu cầu của người dân trong các khu vực bị phong tỏa.