Anh Phúc trong nhà trồng nấm. |
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Anh, vợ của anh Phúc, cho biết, trại nấm vừa thu hoạch đợt thứ ba, nấm nhiều và trắng hơn nhờ đậy nhiều lớp lưới. Giá nấm sạch trong nhà dao động 60.000- 80.000 đồng/kg, cao hơn nấm rơm trồng ngoài ruộng 10.000 - 20.000 đồng/kg, mà nấm sạch lại dễ bán vì hiếm. “Làm nấm rơm trong nhà nhẹ công hơn ngoài ruộng. Thời gian thu hoạch 15 - 17 ngày, không xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Ưu điểm là toàn bộ nấm búp không có dù, nấm màu trắng, ngọt”, anh Phúc giới thiệu.
Nấm rơm làm ngoài đồng thường nhiễm khuẩn do thuốc trừ sâu và mỗi năm chỉ làm một lần, tốn nhiều rơm lại còn mưa gió không chủ động được. Làm nấm rơm trong nhà có tốn kém chi phí cất nhà, tráng xi măng, phải mua lưới đậy để giữ ấm, nhưng sử dụng được nhiều năm. Nhìn ngôi nhà chất rơm 180 vồng, thật ngăn nắp và đẹp. Vợ chồng anh Phúc đi lại vẻ thanh thản. Hai vợ chồng xuất thân nghèo khó, nay tươi cười, hạnh phúc.
Vợ chồng anh Phúc |
Nghỉ tay làm, anh Phúc kể về cuộc đời gắn bó với rơm từ năm 17 tuổi. Anh là con trai độc nhất trong gia đình có 6 chị em, từ Huế trôi dạt vào. Học đến lớp 8, anh phải nghỉ theo cha lênh đênh sông nước mua bán lúa gạo. Sau hai năm vất vả, thấy cha già yếu lại khuân vác nặng nề mà chẳng có mấy đồng lời, anh xin cha giao cho chiếc ghe để chuyển qua nghề chở rơm.
Những năm 90 của thế kỷ trước, rơm ở ngoài đồng người ta bỏ, các chủ ruộng năn nỉ cho không, có nơi còn bồi dưỡng thêm tiền để làm sạch ruộng. Phúc gom rơm chở đi bán cho các nơi làm nấm rơm, ủ phân trồng hoa kiểng. Làm ăn uy tín, khách đặt hàng ngày càng đông, chỉ hai năm anh đã sắm được hai chiếc ghe 18 tấn và 22 tấn. Đến khi chủ ruộng bán rơm, anh không lên giá vội mà lên từ từ, ban đầu phải bù lỗ cũng chấp nhận. Từ đó, khách đặt rơm không kịp chở, nhất là thời điểm làm nấm rơm thịnh hành.
Khi nghề chở rơm có giá, ghe bán rơm ngày càng nhiều, anh Phúc đóng thêm hai chiếc ghe 16 tấn, để có thể chở rơm luồn lách vào các con rạch nhỏ mà không cần sang rơm qua xuồng. Dần dần, khi có tài công và thủy thủ quen việc, anh giao khoán việc chở rơm mà chuyển qua nghiên cứu làm nấm rơm.
Nhiều năm sống với nghề rơm, nhìn màu rơm là anh biết được chất lượng rơm tốt hay xấu. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, thời gian ủ men, dậm rơm, phơi nắng đảm bảo năng suất cao. Dần dần, anh nhìn rơm, nhìn tơ là biết cách điều chỉnh cho ra nấm tốt, nên nấm của anh lúc nào bán cũng được giá.
Trong 12 năm bán rơm và làm nấm rơm ngoài đồng, anh đã có 5 chiếc ghe trọng tải từ 16 đến 50 tấn, mua được 2,3 ha ruộng. Những tài sản này sinh lợi cho anh một năm khoảng 500 triệu đồng. Còn làm nấm rơm ngoài ruộng thu hoạch cũng khá. Anh nhận ra, làm nấm rơm ngoài đồng tốn kém nhiều mà khó nâng cao năng suất, nhất là khó áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng công nghiệp vì quá phụ thuộc vào thời tiết thất thường. Từ đó, anh làm nhà để sản xuất nấm rơm trong điều kiện giữ được nhiệt độ ổn định, nền tráng xi măng không cho nước đọng, nấm rơm sạch, năng suất và chất lượng đều cao.
Vợ chồng anh hạnh phúc khi hai con trai gái học lớp 8 và lớp 4 đều giỏi. Cha của anh là ông Võ Ngọc Vui, 68 tuổi, phấn khởi: Tôi hài lòng về con trai, biết lo làm ăn và hiếu thảo với cha mẹ.