Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người thứ 6 chết vì cúm H7N9, nguy cơ đại dịch?

Một bệnh nhân tại tỉnh Chiết Giang đã qua đời tối ngày hôm qua, nâng con số người chết vì cúm H7N9 tại Trung Quốc lên 6 người, truyền thông Trung Quốc cho hay.

Người thứ 6 chết vì cúm H7N9, nguy cơ đại dịch?

Một bệnh nhân tại tỉnh Chiết Giang đã qua đời tối ngày hôm qua, nâng con số người chết vì cúm H7N9 tại Trung Quốc lên 6 người, truyền thông Trung Quốc cho hay.

Theo Tân Hoa Xã, bệnh nhân tử vong vì H7N9 tại Chiết Giang được xác nhận là một người đàn ông họ Trương, 67 tuổi, sống tại thành phố Hồ Châu. Ông Trương được xác định là dương tính với virus cúm gia cầm H7N9 hôm 3/4 và là một trong số 3 trường hợp nhiễm virus này tại tỉnh Chiết Giang.

Cho tới hiện tại vẫn chưa phát hiện được nguồn lây lan virus H7N9 gây tử vong cho người. Ảnh: AP.

Cho tới tối ngày hôm qua, bệnh tình của ông Trương trở nên nguy kịch và không lâu sau đó thì qua đời. Hiện tại, 55 người có tiếp xúc với ông Trương đều trong tình trạng bình thường, báo cáo của Sở Y tế Chiết Giang cho hay.

Như vậy, hiện tại, 2/3 trường hợp được xác định nhiễm virus H7N9 tại Chiết Giang đã tử vong. Ngay sau khi thông tin này được phát đi, chính quyền tỉnh Chiết Giang đã yêu cầu các cơ quan y tế của tỉnh này thực hiện nghiêm các quy định của Ủy ban Y tế và Kế hoạch dân số, tích cực cứu chữa các bệnh nhân cũng như kiểm tra những người có tiếp xúc với bệnh nhân.

Nguy cơ đại dịch

Mặc dù hiện tại, cả giới chức Trung Quốc lẫn Tổ chức Y tế thế giới khẳng định chưa có bằng chứng khẳng định virus H7N9 có thể lây lan từ người sang người, tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo lắng về nguy cơ virus H7N gây ra đại dịch ở người, dù chưa biết nguy cơ này lớn tới đâu.

Theo TTXVN, Tiến sĩ Neil Rau, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Canada, tại một cuộc họp báo ngày 4/4, cho biết có nhiều lý do khiến các nhà khoa học lo ngại về nguy cơ virus H7N9 gây ra đại dịch ở người:

Thứ nhất, chủng cúm này chưa từng xuất hiện ở người trước đó. Lâu nay, các chuyên gia cúm vẫn cảnh báo đại dịch cúm sắp tới sẽ xuất phát từ một chủng cúm mới mà con người sẽ ít hoặc không miễn dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các ca nhiễm cúm H7N9 ở người là đáng lo ngại vì chúng hoàn toàn mới. Con người đã từng nhiễm các loại virus cúm H7 khác, nhưng chưa bao giờ có sự kết hợp giữa H7 và N9, tức số protein trên bề mặt của virus. Sự kết hợp khác thường này khiến WHO phải quan tâm một cách nghiêm túc.

Thứ hai
, virus cúm H7N9 đang học cách thích nghi với động vật có vú. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã sắp xếp các gen của H7N9 và cho biết chủng cúm này bắt nguồn từ các loài chim. Nhưng virus này cũng có một số thay đổi gien, cho thấy chúng có thể học cách xâm nhập vào đường hô hấp của động vật có vú và con người, khiến dịch bệnh dễ lây lan. Đây là điều khiến WHO quan ngại. 

Theo Tiến sĩ Masato Tashiro, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cúm của WHO tại Tokyo (Nhật Bản), đánh giá bước đầu là virus này có khả năng gây dịch bệnh. Nó vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với cơ thể con người nhưng các yếu tố quan trọng đã thay đổi, trong bối cảnh các virus cúm thường xuyên biến đổi và trao đổi gien.
 

Thứ ba, các ca nhiễm cúm H7N9 dường như không liên quan đến nhau. Hiện chưa rõ những bệnh nhân đã bị nhiễm virus như thế nào và cũng không có bằng chứng cho thấy virus dễ dàng lây lan giữa người với người. Cho đến nay, tại Trung Quốc chưa phát hiện ổ dịch cúm nào trong các loài chim hoang dã, gia cầm hay lợn - những động vật hay làm lây cúm sang người.

Thứ tư,  virus H7N9 có thể lây nhiễm trong một số loại gia cầm, và có thể cả lợn, nhưng không gây ra các triệu chứng bị bệnh. Điều đó có nghĩa sự lây lan thầm lặng giữa gia cầm hoặc lợn sẽ không bị phát hiện. Nếu không có hiện tượng gia cầm chết hàng loạt, các nhà khoa học khó tìm ra nguồn gây bệnh ban đầu và ngăn chặn sự lây lan của chúng.

Chuyên gia về virus cúm người Anh Wendy Barclay cho biết tại thời điểm này, chưa ai biết virus H7N9 đến từ đâu hay những động vật nào có thể trở thành "vật chủ" để phát tán virus rộng hơn. Và nếu như gia cầm hoặc lợn nhiễm bệnh không có các triệu chứng rõ ràng, sẽ không thể biết được chúng bị bệnh và việc lây cúm từ các loài vật này sang người có thể xảy ra.

Theo thông tin trước đó, một trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus H7N9 tại Thượng Hải có dấu hiệu phát bệnh như sốt, đau họng, sổ mũi… Điều này càng khiến nhiều người càng thêm hoang mang, lo lắng về nguy cơ bùng phát đại dịch ở người do virus H7N9 gây ra.

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm