Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người thoát khỏi cửa tử Khartoum: Mọi chuyện hệt như phim James Bond

Sau khi trải qua cuộc chạy trốn nguy hiểm giữa vòng xoáy bạo lực, những công dân Anh được sơ tán khỏi Sudan đã kể lại hành trình "ác mộng" của họ.

Một chiếc xe bị đốt cháy ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters.

Hơn 300 người Anh đã thực hiện hành trình nguy hiểm tới căn cứ không quân Wadi Seidna ở phía bắc Khartoum, với hy vọng lên được chuyến bay giải cứu từ Sudan tới Cyprus.

Phụ nữ và trẻ nhỏ, bao gồm cả trẻ sơ sinh còn trong xe nôi, nằm trong số những người đến sân bay Stansted (Anh) vào chiều 26/4, sau khi thoát khỏi cuộc xung đột trong thời gian diễn ra thỏa thuận ngừng bắn “mong manh”.

Một người đàn ông trên chuyến bay đầu tiên kể lại sự tuyệt vọng khi rời khỏi Khartoum - nơi mà anh mô tả là "thành phố ma", theo Guardian.

“Đó là một cơn ác mộng. Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế”, người đàn ông giấu tên nói. “Tôi đã ở giữa cuộc giao tranh. Có bom và pháo kích, ngôi nhà bên cạnh chúng tôi bị pháo kích. Nó như một bộ phim (James) Bond vậy”.

“Chúng tôi rất biết ơn những quân nhân và phụ nữ Anh đã liều mạng đến Sudan giúp đỡ chúng tôi. Có nhiều người còn bị mắc kẹt ở đó... Chúng tôi đã rất may mắn nhưng không phải ai cũng may mắn như chúng tôi”, anh nói.

giao tranh o sudan anh 1

Công dân Anh lên máy bay RAF rời khỏi Sudan. Ảnh: Uk Mod/Reuters.

Mắc kẹt giữa cuộc đấu súng

Một ông bố 3 con người Anh gốc Sudan, sống ở Toxteth tại Liverpool, Merseyside trong 16 năm, cho biết anh đã bị Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) - một trong 2 bên tham chiến tại Khartoum - phát hiện trên đường đến căn cứ không quân.

“Họ phát hiện ra chúng tôi 4 lần nhưng vì thấy tôi có con nên họ để chúng tôi đi”, Munzir Salman - người đàn ông song tịch 37 tuổi - nói.

Munzir Salman bắt đầu hành trình nguy hiểm sau khi căn nhà của anh ở Khartoum bị kẹt giữa cuộc đấu súng.

“Thật kinh khủng và thật không may, đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe thấy có tiếng súng xung quanh mình”, Salman nói khi cùng các con chờ bay đến Anh qua Larnaca, Cyprus.

“Tôi là ông bố đơn thân của 3 đứa trẻ nên tôi phải giữ bình tĩnh vì chúng. Tôi phải nói với chúng điều này giống trò chơi trốn tìm”, anh kể lại.

Một số gia đình đã trải qua hành trình nguy hiểm đến căn cứ không quân nhưng lại nhận được thông báo họ không đủ điều kiện.

giao tranh o sudan anh 2

Cửa sổ tại nhà Munzir Salman bị hư hại ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Munzir Salman/PA.

Babiker Mohamed, một công dân Anh, từ nhà riêng ở Stoke-on-Trent, kể về việc vợ anh, Gayda (35 tuổi), cùng hai con trai 10 và 6 tuổi, phải đối mặt với hành trình kéo dài 5 giờ đến căn cứ không quân. Nhưng họ không được phép lên chuyến bay sơ tán vì anh không đi cùng họ.

Mohamed cho biết gia đình anh có thị thực hợp lệ để vào Anh nhưng họ được thông báo phải có một người mang hộ chiếu Anh để đủ điều kiện tham gia chuyến bay của Không quân Hoàng gia Anh (RAF).

“Tôi đã nói chuyện với Bộ Ngoại giao Anh và họ nói với tôi rằng nếu gia đình tôi đến được điểm sơ tán thì họ sẽ được lên máy bay”, người tài xế taxi 47 tuổi cho biết.

“Gia đình tôi mất rất nhiều thời gian để đến đó vì có những cuộc giao tranh trên đường phố. Vợ tôi thậm chí còn cân nhắc việc đưa nhẫn cưới cho ai đó để đưa cô ấy đến nơi an toàn”, anh kể lại.

“Sau đó, cô ấy đã trả cho người đưa mình đi hơn 124 USD. Nhưng khi đến nơi, họ được thông báo rằng họ không được phép vì không có người mang hộ chiếu Anh đi cùng”, anh cho hay.

Hỗn loạn

Theo Mohamed, vợ anh không thể rời khỏi sân bay vì cô không còn tiền để mua bất cứ phương tiện nào và cảm thấy nơi an toàn nhất hiện nay là căn cứ quân sự.

“Tôi lo lắng, chỉ nghĩ về những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với họ”, anh chia sẻ. “Nếu vợ tôi quay trở lại đường phố, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra với cô ấy, kể cả cưỡng hiếp và giết người”.

giao tranh o sudan anh 3

Người dân lên máy bay RAF, sau khi được sơ tán ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Uk Mod.

Bác sĩ Nadia Baasher, người làm việc trong phòng cấp cứu nhi khoa ở London, cho biết 75 đồng nghiệp của bà ở Dịch vụ Y tế Anh (NHS) đang bị mắc kẹt ở Sudan.

“Một số người trong số họ là công dân Anh, những người khác là công dân Sudan có thẻ lưu trú và đã làm việc tại NHS trong nhiều năm”, bà nói. “Chúng tôi rất buồn vì đây là những bác sĩ làm việc rất chăm chỉ cho NHS, họ đã chứng kiến ​​NHS vượt qua đại dịch. Một số người trong số họ là bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ khoa tai nạn và cấp cứu, bác sĩ nhi khoa".

Tarig Babikir, 42 tuổi, từng sống ở Coventry (Anh), cho biết anh đi bộ 4 tiếng một mình từ Khartoum để đến căn cứ không quân.

“Tôi sắp đi qua các trạm kiểm soát của quân đội quốc gia và trạm kiểm soát bán quân sự. Rất có thể tôi sẽ chạm trán với một số băng đảng có vũ trang. Tôi không mang theo tiền mặt vì có thể bị cướp trên đường phố, và tôi sẽ giấu điện thoại di động của mình”, anh nói.

Mẹ của Babikir là người Ukraine và cha là người Sudan đều đã hết hạn thị thực tại Anh, vì vậy họ ở lại với những người thân khác.

“Bố tôi đang hồi phục sau cơn đột quỵ, nhưng lựa chọn tốt nhất lúc này là ra đi và tôi có thể sẽ quay lại sau một tháng nữa”, anh cho hay. “Sudan hiện giờ hoàn toàn hỗn loạn. Ai cũng có thể cướp của bạn, ai cũng có thể bắn bạn”.

Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Nhân viên ngoại giao nước ngoài lũ lượt rời Sudan

Chính phủ các nước đã sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi Sudan hôm 23/4 khi các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày thứ 9 mà không có dấu hiệu đình chiến.

Cô gái Mỹ: Họ chĩa súng vào cha tôi ở Sudan

Khi cuộc khủng hoảng ở Sudan vẫn tiếp diễn, những người Mỹ bị mắc kẹt ngày càng tức giận. Họ phải tự ứng phó với tình hình phức tạp và nguy hiểm.

Minh An

Bạn có thể quan tâm