Tôi học hết lớp 2, gia đình đành phải cho tôi tạm nghỉ học. Do sức khỏe yếu, không thể tự đến trường như những đứa trẻ khác, hơn nữa nhà tôi lại neo người, không đưa đón được hàng ngày. Tôi ở nhà, chỉ quanh quẩn, mà chẳng biết khi nào mới được đi học trở lại. Nhìn những đứa cùng tuổi đến trường, tôi thèm lắm, chỉ muốn chạy theo, nhưng lại không thể.
Mãi đến năm mười bốn tuổi, bố mẹ tôi gửi tôi sang nhờ cô giáo Nhung cùng xóm dạy hộ với mong muốn cô dạy cho tôi biết đọc, biết tính toán thông thường, để sau đỡ bị bắt nạt.
Nhưng lúc đó cái khó và chán nhất với tôi là tập viết, tay tôi yếu, lại run nên cầm bút cũng là cả vấn đề. Tôi tô đi tô lại mà không làm sao tô đúng chữ “o”, cô Nhung cầm tay tôi tô, nhưng cứ bỏ ra là tôi lại không tô được. Cô Nhung cố lắm thì sau khoảng hai tháng tôi cũng biết đọc, đọc được báo và truyện, còn viết vẫn là nan giải.
Cùng năm đó nhà tôi mới có điều kiện, tôi đi chữa bệnh ở bệnh viện Chỉnh hình Việt Đức, thị xã Sơn Tây. Tôi bị ngắn gân asin, phải mổ nới (giãn) gân, cùng đó là một thời gian tập luyện tại bệnh viện để phục hồi chức năng.
Phẫu thuật cùng tôi hôm đó, nhưng sau tôi, là một chú người Ninh Bình, mổ kéo dài một bên chân. Chú vừa tốt nghiệp đại học thứ hai, ngành Toán của Đại học tổng hợp. Chú đã có gia đình, nhưng vợ con chú ở tận trong Quy Nhơn, còn người nhà thì chú vẫn chưa cho biết.
Tranh minh họa. |
Tôi nằm cùng chú phòng hậu phẫu, chú tên là Lịch. Bệnh nhân Lịch không có người nhà chăm sóc, chỉ thuê bác hộ lý tranh thủ, và nhờ cả vào các y, bác sĩ. Vết mổ của chú lớn, mất nhiều máu, và rất đau, phải tiêm nhiều thuốc giảm đau.
Mẹ tôi chăm tôi, thấy chú Lịch đi mổ như thế lại không có ai chăm, nên có lúc mẹ cũng giúp chú, gần như chăm cho tôi. Sau một tuần nằm phòng hậu phẫu, tôi và chú cùng được xuống một phòng điều trị.
Mấy ngày sau chú Lịch nói với mẹ tôi: “Chị mua mấy quyển sách lớp hai, lớp ba về em thử dạy cháu xem sao”. Chú bảo, qua tiếp xúc ít ngày, chú thấy tôi có khả năng tiếp thu được, ít ra trong thời gian ở viện, tôi có thể đọc thạo hơn, và tính toán được tốt hơn.
Tôi bắt đầu học với chú Lịch từ quyển sách Toán lớp 2. Lúc đầu tôi rất sợ, vì không biết học thế nào, tôi lại chưa đọc lưu loát. Nhưng tôi thực sự bị cuốn hút bởi cách chú dạy tôi, tất cả đều dễ hiểu, và thực tế, rất nghiêm túc.
Vì tôi chưa viết được, nên chú Lịch vừa giảng bài, vừa ghi vào vở để sau tôi đọc lại. Đến khi giải bài tập, chú lại bảo tôi đọc các bước giải để chú ghi, những chỗ khó, chú giảng rõ ràng để tôi hiểu được.
Nhưng ca mổ kéo dài chân của chú Lịch không thành công, bác sĩ quyết định phải cắt bỏ để đi chân giả. Lần này chú Lịch mổ đau hơn lần trước, mặc dù đau đớn như thế, nhưng chú vẫn dạy tôi. Nhiều khi cảm tưởng, chú đang cố dạy tôi để quên đi những cơn đau khủng khiếp. Có lúc chú đang giảng, bỗng ngừng, mặt nhăn vào, hai hàm răng nghiến chặt đến vài phút.
Khi chú Lịch tập đi chân giả, hai chú cháu tôi cùng tập ở khu vật lý trị liệu. Chú Lịch đánh vật với từng bước trên chiếc chân giả, nó quả là đau đớn và khó khăn. Nhất là khi cái chân giả do lỏng đai, hay do chưa được điều chỉnh hợp lý, chạm phải vết thương. Chú nhăn mặt lại, nghiến chặt răng, mặt chú tái đi vì đau.
Tôi và chú cùng tập luyện, với mục đích để đi được tốt hơn, và chú sẽ sớm “làm chủ” được cái chân giả của mình, với hy vọng sẽ bỏ được một bên nạng, để có thể lên bảng cầm phấn giảng bài. Ngoài giờ tập luyện, chú cháu lại tiếp tục học, chú bảo, “phải biết tranh thủ thời gian, nghe giảng phải thật tập trung, ghi nhớ như nuốt lấy từng từ”. Rồi cứ thế chú dạy tôi từng bài từng chương, rồi từng cuốn sách giáo khoa...
Cho đến nay, tôi vẫn tự thấy có cái gì đó thật kỳ lạ. Chú Lịch đã dạy thế nào mà tôi có thể tiếp thu được được một lượng kiến thức như vậy trong một thời gian ngắn (hơn 4 tháng). Với các môn Toán, Tiếng Việt, Văn, Lý, Hóa từ lớp 2 đến lớp 9, cho dù là rất cơ bản.
Từ bệnh viện về, bố mẹ tôi kể với lại việc tôi đã học, nhiều người không tin. Bố mẹ nhờ các thầy cô ở trường cấp hai kiểm tra, thầy cô nhận xét tôi hoàn thànhđủ kiến thức như các bạn và có thể theo học với các bạn cùng tuổi (lớp 9).
Hè năm 1995, tôi lại đi học các lớp hè cùng bạn bè đồng trang lứa... Sau mấy tháng hè, tôi được nhà trường kiểm tra lại và chấp nhận cho tôi theo học lớp 9 của trường.
Mỗi khi 20/11, tôi lại nhớ nhiều đến chú Lịch và những ngày chú dạy tôi học trên giường bệnh. |
Năm thi tốt nghiệp cấp 3, tôi viết vẫn khó, và chậm, nên thi bình thường thì không khả thi với tôi. Nhiều đắn đo của nhà trường, cùng Sở giáo dục - đào tạo, có cả ý kiến đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp cho tôi, nhưng tôi không đồng ý. Bởi như thế đồng nghĩa với việc, có thể chuyện học hành của tôi sẽ dừng lại ở đây, hơn nữa tôi cũng muốn tốt nghiệp cấp 3 như các bạn, để chỉ đơn giản tôi nghĩ, đó là một kỷ niệm với mình.
Sau đó không lâu, Sở Giáo dục - Đào tạo báo về trường đã đề nghị và được Bộ Giáo dục - Đào tạo chấp nhận cho tôi thi bằng hình thức vấn đáp. Một hội đồng thi vấn đáp được lập ra cho tôi, với 12 giám thị cho 6 môm thi. Sau kỳ thi với một kết quả khá cao, và tôi thật bất ngờ khi Bộ quyết định đặc cách cho tôi vào đại học.
Trên cả quá trình học của mình, tôi không thể quên những ngày ngồi học với thầy Lịch ở bệnh viện, khi vừa học, vừa chữa bệnh. Mỗi khi 20/11, là dịp để nhớ đến các thầy cô, những người đã dạy dỗ mình, tôi lại nhớ nhiều đến chú Lịch và những ngày chú dạy tôi học trên giường bệnh.
Tiếc rằng, hình như gia đình chú đã thay đổi địa chỉ, nên đã mấy lần tôi viết thư cho chú nhưng không thấy hồi âm. Nhiều năm tôi đã tìm kiếm qua mạng Internet nhưng vẫn chưa có tin tức gì về chú.
Lại đến ngày Nhà giáo Việt Nam, vậy mà... Dù chú đang ở đâu, tôi cũng xin được chúc chú và gia đình mạnh khỏe, và thật nhiều niềm vui, bằng cả lòng biết ơn của mình.