Theo South China Morning Post, đối với doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Bangladesh Viyellatex Group, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã làm công việc kinh doanh của họ sôi động hơn.
Thuế trừng phạt của Mỹ đẩy giá thành của sản phẩm Trung Quốc tăng cao, do đó khách hàng ồ ạt chuyển sang đặt hàng ở Bangladesh Viyellatex Group. Bangladesh hiện là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.
David Hasanat, Chủ tịch Tập đoàn Viyellatex, cho biết: "Cách đây không lâu, phần lớn hàng xuất khẩu của chúng tôi là sang thị trường châu Âu. Nhưng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn từ Mỹ".
Hiện tại, trung bình 3 trong số 10 khách hàng của Hasanat đến từ Mỹ, bao gồm các thương hiệu hàng đầu thế giới như Calvin Klein và Tommy Hilfiger. Doanh thu của công ty đã đạt gần 200 triệu USD vào năm ngoái.
Công nhân trong một nhà máy sản xuất xe hơi tại Việt Nam. Ảnh: AFP |
South China Morning Post nhận định giống như Bangladesh, các nền kinh tế châu Á khác như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia - nơi có các trung tâm sản xuất giá rẻ - không lo ngại dù giới chuyên gia nhận định việc Mỹ và Trung Quốc đối đầu thương mại sẽ đe dọa tăng trưởng toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước xuất khẩu.
Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế trừng phạt 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế mới đánh vào 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Các chuyên gia được This Week in Asia phỏng vấn đều nhận định các trung tâm sản xuất giá rẻ ở châu Á đều sẽ hưởng lợi do nhiều doanh nghiệp lớn sẽ tìm cách di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Ba nền kinh tế lớn của Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia có nhiều điều kiện thuận lợi để thích ứng với việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong ngành nội thất và may mặc, Malaysia chiếm ưu thế trong lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng và Thái Lan với ngành sản xuất xe hơi. Và cả 3 nền kinh tế đều hưởng lợi trong lĩnh vực thiết bị công nghệ thông tin và sản xuất điện tử, theo dữ liệu từ báo cáo kinh tế khu vực năm 2018 của Asean + 3 (AMRO).
Với lợi thế là môi trường pháp lý ổn định, cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tăng cường chi tiêu công giúp Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mà cuộc chiến thương mại dự kiến sẽ mang lại, và vượt qua sự giảm sút về xuất khẩu trên toàn khu vực.
Trong khi đó, giới chuyên gia dự đoán những nền kinh tế "con hổ châu Á" như Hong Kong, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn bởi xuất khẩu sụt giảm.
Chính quyền Trung Quốc dự báo chiến tranh thương mại có thể khiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 1% trong năm nay. Trước đó, Bắc Kinh dự báo tăng trưởng năm 2019 là 6-6,5%.
Mặc dù một số nền kinh tế ở Đông Nam Á có thể được lợi ích trong ngắn hạn và thậm chí là trung hạn, các nhà kinh tế cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại leo thang là tin xấu cho nền kinh tế toàn cầu.
Về lâu dài xuất khẩu giảm liên tục trên toàn thế giới có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.