Mới đây, một công ty chứng khoán của Thái Lan đã phát hành báo cáo phân tích về Công ty Robinson Department Store, một thành viên tập đoàn bán lẻ của Thái Central Group. Theo đó, đề cập việc Power Buy, đơn vị do Robinson Department Store nắm 40% cổ phần, đã mua lại 49% cổ phần của công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT (NKT).
NKT là công ty mẹ sở hữu 100% vốn công ty Thương mại Nguyễn Kim, đơn vị đang quản lý chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, 1 trong 2 chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất Việt Nam. Như vậy, thông qua cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, người Thái hiện đang xây dựng, mua lại hoặc có cổ phần đáng kể tại rất nhiều doanh nghiệp lớn như C.P Việt Nam, Red Bull, Prime Group, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh và những cái tên mới nhất như Metro Việt Nam hay hệ thống điện máy Nguyễn Kim…
Tại sao nhà đầu tư Thái Lan lại ra sức mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Liệu hàng Thái có phải là đối thủ của hàng Việt Nam? Doanh nghiệp Việt cần làm gì?
Hàng Thái Lan chiếm lĩnh thị trường (TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương)
Nhà đầu tư Thái Lan đang tăng cường mua chuỗi siêu thị, nỗ lực hết sức đón đầu những cơ hội do Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại khi hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0%, như vậy, hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam với giá rẻ. Việc nhà đầu tư Thái Lan tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam bằng cách này là điều đáng lo ngại.
Từ trái qua: Ông Vũ Vinh Phú, TS. Lê Đăng Doanh, TS. Ngô Trí Long. |
Mới đây Kinh Đô cũng bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, tiếp đến là Nguyễn Kim trong khi Kinh Đô và Nguyễn Kim là các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực hoạt động của mình. Việc đem bán cổ phần, chia sẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài là xu thế cần xem xét.
Tại sao lại làm như vậy, có động cơ gì? Nếu thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng có cần thiết làm như thế hay không? Trong tương lai, không ngoại trừ khả năng tên Kinh Đô vẫn còn nhưng người kinh doanh là người nước ngoài, tên Nguyễn Kim vẫn còn nhưng một nửa lợi nhuận lại vào túi người nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt có thể thua Thái? (TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính)
Việc nhà đầu tư Thái Lan gia tăng đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua cho thấy sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đây chúng ta từng lo lắng hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém tràn ngập thị trường, hiện hàng Thái Lan có chất lượng tốt, mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu, thị yếu của người tiêu dùng có thể là động cơ cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Với hàng hóa Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh, cuối cùng cũng bị đo ván, thua tất cả các nước, không chỉ Thái Lan.
Doanh nghiệp Việt không lớn, sẽ bị chèn ép (Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại)
Việc mua bán giữa các doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài trong đó có đối tác đến từ Thái Lan là chuyện bình thường nhưng quan trọng là bán như thế nào cho có lợi, không mất thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.
Rất có thể qua phương án mua bán cổ phần giữa Nguyễn Kim và Power Buy, Nguyễn Kim có thể học tập cách quản trị, kinh doanh từ doanh nghiệp Thái Lan sau khi đã có dòng tiền từ nhà đầu tư này. Song cũng không ngoại trừ khả năng Nguyễn Kim sẽ đi vào vết xe đổ như một số thương hiệu khác trước đó như Dạ Lan…
Sự hợp tác, liên doanh liên kết phải tạo động lực để doanh nghiệp mạnh lên. Ví dụ trường hợp Kinh Đô sau khi bán cổ phần lĩnh vực bánh kẹo có thể hoạt động sản xuất kinh doanh nước giải khát. Không thể bán đến đâu ăn đến đấy.
Hiện nhiều ý kiến lo ngại việc hàng Thái Lan sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam và theo tôi điều này hoàn toàn có cơ sở. 5-7 năm nay hàng Thái Lan đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, là đối thủ từ lâu, không phải bây giờ. Thái Lan xâm nhập cả sản xuất, phân phối, khi choáng thị phần lớn khả năng sẽ quay lại ép Việt Nam. Thực tế là nếu doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên sẽ bị chèn ép.