Cuối tuần qua, giải bóng đá Thái League trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao sau khi thủ môn Sinthaweechai của Suphanburi bị VAR phát hiện dùng tay ghi bàn vào lưới Pattaya Utd ở phút 90+4. Người Thái đã bắt kịp bóng đá thế giới.
Hồi tháng 1/2018, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) đã quyết định thử nghiệm VAR (Video Assistant Referee) trong một số trận đấu cụ thể. Thái Lan không phải một trong 12 nước được FIFA cấp phép thử nghiệm công nghệ này. Và phải đến vòng 24 Thái League vừa qua, VAR mới đi vào hoạt động một cách chính thức.
Khi người làm bóng đá Thái Lan nhìn ra thế giới
Sự cởi mở và cầu thị của người làm bóng đá Thái Lan là rất trân trọng. Họ chấp nhận những điều mới mẻ với hy vọng cải thiện bóng đá nước nhà và bắt kịp xu hướng, công nghệ của bóng đá thế giới.
Ông Panupan Supapon, phó tổng thư ký kiêm phát ngôn viên của FAT, nói cách đây 6 tháng: “Không nằm trong số 12 nước thử nghiệm VAR nhưng chúng ta có quyền thảo luận nó với FIFA để Thái League được hỗ trợ. Điều đó không tổn hại mà còn mang lại diện mạo mới cho bóng đá Thái Lan”.
Một trận đấu ở Thái League có đến 6 trọng tài làm nhiệm vụ. AAR là trợ lý trọng tài ở mỗi khung thành. |
Trước đó, Thái League đã sử dụng AAR (Additional Assistant Referee) để thay thế cho công nghệ Goal-line. Mỗi trận đấu sẽ có thêm 2 trợ lý trọng tài đứng ở 2 khung thành mỗi đội như cách chúng ta thấy ở Champions League.
Để chuẩn bị ứng dụng công nghệ VAR, cả nền bóng đá Thái Lan chuyển mình. Ngoài việc gặp gỡ đại diện các đội bóng để thông qua chiến dịch này, FAT còn bắt tay vào việc đào tạo và nâng cấp đội ngũ trọng tài.
Bên cạnh đó là áp lực phải xóa bỏ sự chi phối từ bên ngoài với giới “cầm cân nảy mực” sau scandal dàn xếp tỷ số liên quan đến 12 người diễn ra vào năm 2017.
Cũng theo chia sẻ của ông Panupan Supapong thì chi phí cho VAR ở Thái League không cao. “Chúng tôi sẽ không đầu tư vào phần cứng mà mua gói dịch vụ từ đối tác. Còn các sân sẽ cần phải đánh giá lại để đáp ứng công nghệ này”, ông phó tổng thư ký FAT nói.
VAR sẽ là chỗ dựa cho giải bóng đá V.League?
Sau thành công và cũng không ít tranh cãi ở World Cup 2018, VAR trở thành vấn đề được bàn tán nhiều nhất. Trong bối cảnh đó, nhìn lại V.League mới thấy rằng VAR có thể là chỗ dựa cho những trận đấu thuộc các giải bóng đá chuyên nghiệp của VPF.
Ông Trần Anh Tú trong chuyến dự hội nghị của FIFA ở World Cup 2018 trên đất Nga. |
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, ông Trần Anh Tú - tổng giám đốc VPF kiêm trưởng BTC V.League - cho hay: “Như chúng ta đã thấy ở World Cup 2018, công nghệ VAR đã đem lại hiệu quả rất tốt trong việc hỗ trợ trọng tài”.
“Không chỉ tôi mà người hâm mộ, người làm bóng đá cũng như giới trọng tài đều muốn VAR được ứng dụng cho V.League. Chắc chắn khi đó, sai sót của trọng tài sẽ giảm đi đáng kể”, Ông Tú nhìn nhận.
Giới chuyên môn cũng bày tỏ sự phấn khởi. Giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn từng nói rằng nếu có VAR bắt việt vị thì có lẽ không cần trọng tài biên nữa. Bởi lẽ đã có nhiều tình huống, các trợ lý này không phát hiện được những pha việt vị nhạy cảm.
Còn cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng thì nhận xét: “Chúng ta có thể đếm 64 trận ở World Cup 2018, bao nhiêu lần trọng tài xem VAR thì đó là bấy nhiêu sai sót. Nếu V.League có VAR thì tất nhiên trọng tài sẽ nhẹ gánh hơn rất nhiều”.
Rút thẻ nhầm cầu thủ là một trong những trường hợp có thể dùng VAR. Ảnh minh họa ở vòng 20 V.League khi trọng tài phạt Đức Chinh dù Tiến Dụng mới là người phạm lỗi. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trọng tài Việt Nam vẫn đang là đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất sau trận đấu. Ai cũng có thể nhắm vào sai sót của trọng tài để lên án hoặc nghi ngờ. Một khi chưa thể coi nhận định của trọng tài là một phần của bóng đá thì VAR có thể là phương án giải quyết vấn đề này.
Hoàn toàn có thể triển khai VAR ở V.League
Tài chính và nền tảng kỹ thuật là hai vấn đề mà các nhà tổ chức lo ngại. Khi nhìn hệ thống hạ tầng VAR mang FIFA triển khai ở World Cup 2018 và từng ứng dụng ở một số giải chuyên nghiệp, đó đúng là bài toán cần phải tính.
“Tôi nghĩ phải cần thêm thời gian để VAR được dùng ở V.League. Đầu tiên là vấn đề tài chính, thứ 2 là công nghệ truyền hình và thứ 3 là văn hóa phản ứng của người trong cuộc”, ông Trần Anh Tú trăn trở.
VAR sẽ thúc đẩy truyền hình tăng cường thêm máy quay và các thiết bị chuyên dụng. Ảnh: Đạt Nguyễn. |
Vấn đề này người Thái cũng đã giải được một phần nào. Chủ tịch FAT từng là người đầu tiên lên tiếng thúc đẩy việc nghiên cứu, tìm phương án để mang sự hiệu quả của VAR vào bóng đá Thái Lan. Và sau pha bóng của thủ môn Sinthaweechai bị phát hiện, nó cho thấy hướng đi này là đúng đắn, kịp thời với bóng đá thế giới.
Đại diện của một đơn vị truyền hình đang nắm bản quyền phát sóng V.League 2018 cho hay: “VAR của Thái hay của Việt cần làm chỉ cần một tín hiệu “live”, đủ máy như truyền hình, tương ứng với số máy quay là số đường làm chậm để xem lại”.
“Lý thuyết là vậy còn thực tế khó đảm bảo 100% các tình huống khi số lượng máy quay và đường làm chậm tình huống có hạn. Tất nhiên, nếu muốn làm thì VPF phải đầu tư các thiết bị cơ bản như phần cứng… và muốn làm thì sẽ làm được”, ông lạc quan.
Trọng tài Việt Nam cần VAR hỗ trợ trong bối cảnh luôn là đối tượng bị chỉ trích sau mỗi trận đấu. |
Còn lại là vấn đề trọng tài và đào tạo trọng tài. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn chính là sự chung tay từ các phía. Người Thái thành công chính là vì huy động được sự ủng hộ từ nhiều phía, nguồn lực từ nhiều đơn vị. Về cơ bản nếu muốn làm thì sẽ có cách, còn không thì sẽ tìm lý do.
VAR sẽ là cuộc cải cách mạnh mẽ của nền bóng đá trong nước và rất cần vai trò chủ đạo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Dù vậy, có lẽ sẽ phải chờ thêm thời gian để VAR đi vào thực tiễn.