Tại nhà riêng ở TP Buôn Ma Thuột, anh Luân trưng bày gần 10.000 hiện vật chum, chóe mà các đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên từng sử dụng. Một số hiện vật có tuổi đời lên đến cả trăm năm. Anh cho biết bản thân sưu tầm vì đam mê. |
"Tôi bị cuốn hút mạnh bởi những chi tiết hoa văn, tạo hình độc đáo trên hệ thống chum, chóe mà đồng bào Tây Nguyên từng sử dụng. Các chi tiết hoa văn tái hiện chân thực đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào ở vùng đất này", anh Luân nói. |
Anh Luân sưu tầm đã 10 năm nay. Trong ảnh là các hũ, chum gốm thuộc nền văn hoá thời Đông Sơn (từ thế kỷ VII trước công nguyên đến thế kỷ I, II sau công nguyên) của người Việt Cổ. Có loại có men và không men, mang nhiều loại hoa văn khác nhau. |
Chóe mẹ bồng con thuộc dòng gốm Quảng Đức cổ không men. Chóe được làm vào đầu thế kỷ XX. Thời đó, phải những người giàu có trong buôn, hoặc nhà già làng mới được sử dụng. Chóe tượng trưng cho cuộc sống mẫu hệ xưa kia của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. |
Các loại chum, chóe được chế tác khá cầu kỳ, với nhiều hình dạng, kích cỡ, được các nghệ nhân ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) thực hiện. |
Bên cạnh sự đa dạng về hình dáng, màu sắc, các chi tiết tượng hình, hoa văn trên chum, chóe còn phản ánh đời sống sinh hoạt khá đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên như: thiếu nữ mang gùi, nhà rông, cồng chiêng, voi... |
Chiếc chóe có men trắng nổi tiếng của trường mỹ nghệ Biên Hoà được làm vào đầu thế kỷ XX. Chiếc chóe có 7 tầng hoa văn, được vẽ trang trí hoa cúc và sen. Chiếc chóe này được dùng trong hoàng cung của vua Bảo Đại. |
Hình tượng nhà rông, cồng chiêng Tây Nguyên được gia công tinh xảo trong những chiếc chóe, được làm từ năm 1930. |
Một chiếc chóe gốm Quảng Đức, có màu xanh lục khá hiếm. Gốm Quảng Đức là dòng gốm Cổ của Việt Nam có niên đại khoảng 200-300 năm trước. Chóe được người đồng bào Tây Nguyên yêu thích và dùng trong cuộc sống hàng ngày. |
Chiếc chóe này được làm những năm cuối thế kỷ XX, có màu trắng và đen. Anh Luân cho biết sản phẩm này sưu tầm được từ một gia đình dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Chóe họa lại cuộc sống sinh hoạt của người thiểu số thuở hoang sơ bên nhà rông, trên bầu trời có chim bay, mọi người tụ tập trò chuyện, hút thuốc bằng tẩu... |
Các choé gốm Biên Hoà thể hiện sinh động phong tục tập quán, cuộc sống trù phú của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa. Cảnh các cô gái đứng giã gạo bên đàn voi, người đàn ông thu được chiến lợi phẩm sau những chuyến đi săn, cảnh đi săn voi trên rừng, người phụ nữ mang gùi lên rừng… được gia công khá tinh xảo. |
Cận cảnh chiếc chóe được gia công với nhiều hoa văn tinh xảo, phác họa lại khung cảnh săn bắt chim thú của đồng bào các dân tộc thiểu số xa xưa ở Tây Nguyên. Chiếc chóe này gần 100 năm tuổi. |
Cận cảnh một chú voi rừng được chế tác trên vỏ chóe. |
Ngoài những đề tài trang trí gắn với các giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên, họa tiết trên chum, chóe còn mang giá trị văn hóa tượng hình của cộng đồng người Hoa như: long - phụng, hoa cúc, hoa mẫu đơn… |
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết việc sưu tầm của anh Luân bổ sung nguồn tài liệu hiện vật quan trọng, góp phần giữ gìn chum, chóe cổ và các giá trị văn hóa xưa nói chung của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. |