Vùng vẫy dưới nước, anh tìm cách ngoi lên, và bơi khoảng nửa tiếng trước khi về được tới bờ.
“Tôi tưởng mình sẽ chết”, thợ mỏ Ko Aung Kyaw Htay, 23 tuổi, nói với New York Times hôm 3/7, một ngày sau thảm họa ở mỏ ngọc bích Wai Khar, phía bắc Myanmar làm khoảng 200 người chết. “Tôi không thể tin là đã thoát. Tôi không biết những người làm xung quanh tôi sao rồi. Tôi sợ họ chết hết rồi”.
Đưa nạn nhân ra khỏi mỏ Wai Khar vào ngày 2/7. Ảnh: AP. |
“Tôi tưởng mình sẽ chết”
Aung là một trong hàng trăm người đào ngọc bích đang làm việc ở rìa của mỏ lộ thiên Wai Khar, nằm ở bang Kachin, khi thảm họa ập đến. Bang Kachin là trung tâm của ngành buôn bán ngọc bích Myanmar, cũng là nơi mà quân chính phủ và quân nổi dậy đang giao tranh.
Chấm đỏ là khu vực Hpakant, nơi nảy ra thảm kịch. Đồ họa: New York Times. |
Các trận mưa lớn làm mỏ khổng lồ này bị ngập, tạo thành một hồ nước. Ngày 2/7, khi mặt trời vừa mọc, một mảng tường của mỏ đổ sập xuống hồ nước và tạo thành cơn sóng cao khoảng 7 m.
Aung sống sót, chỉ có vài vết xước. Nhưng anh không thấy dấu vết của 50 thợ mỏ khác đang làm việc gần đó khi sóng ập tới.
Đến chiều 3/7, nhân viên cứu hộ đã tìm thấy 172 thi thể nổi trên hồ hoặc dạt vào bờ của mỏ ở thị trấn Hpakant. 54 người khác bị thương.
Những bi kịch như vậy xảy ra mỗi năm ở các mỏ ngọc bích của Myanmar, nơi sản xuất 70% lượng ngọc bích của thế giới, thu về hàng tỷ USD mỗi năm. Hầu hết ngọc bích khai thác được tại đây được bán qua biên giới sang Trung Quốc.
Ngành khai thác ngọc, hầu hết do quân đội Myanmar và các công ty thân quân đội quản lý, hoạt động gần như bí mật. Quân đội thường xuyên giao tranh với các nhóm nổi dậy trong khu vực, bao gồm Quân đội Độc lập Kachin vốn đang đòi tự trị và được cho là cũng có doanh thu từ hoạt động khai thác.
Những người đào ngọc nói các nhóm nổi dậy thu phí rồi mới cho họ hoạt động ngoài rìa các khu khai thác của chính quyền Myanmar.
Một người mua kiểm tra ngọc bích tại chợ ở Mandalay, Myanmar năm 2019. Ảnh: Reuters. |
Khoảng 300.000 thợ mỏ từ khắp đất nước tới đây tìm ngọc bích, khoảng 2/3 số đó làm việc bất hợp pháp, trong những điều kiện vô cùng nguy hiểm.
Các trận lở đất nhỏ làm chết ít nhất 100 thợ mỏ mỗi năm, mà thế giới bên ngoài gần như không biết. Các vụ sập mỏ lớn, như thảm họa Wai Khar mới đây, xảy ra gần như mỗi năm.
“Thực ra có người chết vì tai nạn ở đây gần như mỗi ngày”, U Tin Soe, đại biểu quốc hội đại diện cho khu vực này, nói. “Chúng tôi chỉ không lưu lại hồ sơ”.
Mỏ Wai Khar, hoạt động hợp pháp bởi một tổ hợp gồm 5 doanh nghiệp, đã chính thức đóng cửa ngày 30/6 (cho tới tháng 10) để phòng lở đất mùa mưa.
Nhưng những người đào ngọc bích - thường làm việc cho các trùm địa phương và phải trích tiền cho các nhóm nổi dậy - đã tiến vào mỏ ngay sau đó, bất chấp rủi ro.
Tìm kiếm thi thể ngày 3/7 ở mỏ Wai Khair. Ảnh: AP. |
“Thảm kịch lẽ ra có thể ngăn chặn”
Ông Tin nói điều kiện tự nhiên và sự khổ cực của thợ mỏ khiến việc ngăn các thảm họa trở nên khó khăn.
“Không có luật pháp gì trong khu vực”, ông nói. “Tất cả thợ mỏ phải có trách nhiệm với nạn lở đất liên tục ở Hpakant. Nó xảy ra vì lòng tham của họ. Không ai ngăn được”.
Moe Thandar và em trai cô, Moe Myint, đến Hpakant hai năm trước từ thành phố Thandwe, bang Rakhine, để làm thợ đào ngọc bích trái phép.
Moe Myint, 20 tuổi, bắt đầu làm việc ngày 2/7 ở mỏ Wai Khar. Chị của cậu, Moe Thandar, 28 tuổi, hay tin vụ lở đất vào khoảng 8h sáng và chạy ngay tới đó.
Cô tìm thấy em trai mình nằm trên mặt đất trong hàng thi thể.
“Giây phút đó như thế giới của tôi chấm dứt, khi thấy em trai tôi nằm đó”, cô nói. “Tôi cảm thấy có ai đó lấy đi cuộc sống của mình”. Cô lo sợ rằng cha mẹ già sẽ không chịu nổi nỗi đau khi nghe tin.
“Chúng tôi chỉ muốn có đủ tiền để sống”, cô vừa nói vừa khóc. “Nhưng mạng sống đã mất rồi”.
Nghiên cứu của tổ chức chống tham nhũng Global Witness cho thấy khai thác ngọc bích ở Myanmar có trị giá 31 tỷ USD vào năm 2014, gần nửa GDP của nước này.
“Chính phủ đã làm ngơ trước nạn khai mỏ trái phép và tham lam ở Hpakant, dù đã tuyên bố sẽ cải tổ ngành nguy hiểm này”, Paul Donowitz, từ tổ chức Global Witness, nói với New York Times. “Đây là một thảm kích hoàn toàn có thể ngăn chặn”.
Người thân tập trung tại khu mộ tập thể gần mỏ Wai Khar ngày 3/7. Ảnh: AFP. |
Aung, người sống sót thảm họa ở mỏ Wai Khar, chuyển tới đây làm việc ba năm trước.
Vài tháng trước, anh vẫn làm người đào ngọc bích độc lập, và trích tiền kiếm được cho Quân đội Độc lập Kachin (KIA). Viên ngọc bích lớn nhất mà anh tìm được có giá bán 2.200 USD. Anh đã trả gần 600 USD cho quân nổi dậy.
“Người từ KIA ở khắp nơi, và họ đánh hơi được ai đang bán ngọc bích, ai có ngọc bích chất lượng”, anh nói. “Nếu bạn không trả tiền, bạn sẽ bị bắn và chết một cách vô danh”.
Gần đây Aung quyết định làm cho một sếp địa phương vì đại dịch Covid-19 khiến việc làm riêng trở nên khó hơn.
Myanmar hầu như không bị ảnh hưởng bởi virus, ít nhất là theo số liệu chính thức, với chỉ 304 ca nhiễm và 6 ca tử vong trong dân số tới 54 triệu người. Nhưng đại dịch đã đóng cửa thị trường ngọc bích thế giới.
Những ông trùm, vốn cũng ngoài vòng pháp luật như các thợ đào ngọc bích, thường cung cấp thức ăn, chỗ ở và giữ lại một nửa những gì thợ mỏ tìm được.
Dù Aung thoát chết trong gang tấc, anh vẫn không muốn bỏ. “Không có công việc nào khác cho tôi”, anh nói. “Sống mà không có gì để ăn thì chết còn hơn. Tôi biết công việc này rất nguy hiểm, nhưng sống mà đói thì cũng nguy hiểm như thế”.
Aung hy vọng nếu gặp vận may, anh sẽ giàu lên. “Nếu tôi tìm được viên ngọc bích nào chất lượng cao, giá cao”, anh nói, “giấc mơ của tôi là về quê mua nhà và cưới một cô gái đẹp”.