Đi dọc tỉnh lộ 864, đến các xã Bình Đức, Kim Sơn của huyện Châu Thành (Tiền Giang), hỏi nhà ông Năm Đạo (tên thường gọi của ông Nguyễn Văn Đạo) thì ai cũng biết và tận tình chỉ đường. Câu chuyện ông Năm Đạo "chết đi sống lại" khiến người dân ở các xã này bàn tán xôn xao trong những ngày qua.
Ngôi nhà nhỏ của ông và vợ là bà Nguyễn Bạch Tuyết nằm bên con đường nông thôn, đóng cửa suốt ngày. Theo người dân, từ khi ông Đạo ngã bệnh và hấp hối, thì được đưa về gia đình bên ngoại ở chợ Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim) chăm sóc. Bà Tuyết cũng qua bên đó lo cho chồng, nên căn nhà thường xuyên đóng cửa.
Ông Nguyễn Văn Đạo đã hồi phục sức khỏe, nhưng chưa nhớ được những gì xảy ra. |
Chị Nguyễn Huỳnh Ngoan (22 tuổi, con gái ông Đạo) cho biết, từ lúc xuất viện về nhà, cha hồi phục nhanh. Ông có thể tự đi lại, ăn uống, tắm rửa bình bình thường. Hàng ngày, ông ăn ba bữa cơm, mỗi lần được tô nhỏ, uống thuốc thường xuyên và chờ ngày tái khám.
Tuy nhiên, trí nhớ của ông vẫn chưa như trước, lúc nhớ lúc quên do di chứng của cơn nhồi máu não. Hỏi chuyện liên quan đến cơn đột quỵ và nhập viện cấp cứu, ông lắc đầu, không nhớ được gì.
"Cha không nhớ mình bị đột quỵ ở Long An và đưa về nhà thế nào. Ông chỉ nhớ những người trong nhà, còn bà con hàng xóm thì không. Khi uống hết một tuần thuốc, gia đình sẽ đưa cha đi tái khám", chị Ngoan cho biết.
Trước đó, ngày 22/2 (mùng 4 Tết), ông Đạo lên TP Tân An (tỉnh Long An) thăm người thân. Trong lúc tắm, ông bất ngờ bị ngã nên ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Tân An.
Khi vợ con đến bệnh viện thì ông Đạo đã hôn mê, tim nhiều lần ngưng đập, tiên lượng có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bác sĩ điều trị thông báo, bệnh nhân đang chết lâm sàng, rất khó qua khỏi, nên gia đình chuẩn bị lo hậu sự.
“Gia đình bàn bạc nên đưa cha về nhà để lo liệu, chờ người thân đến gặp lần cuối. Lúc này, trong miệng cha tôi vẫn còn ống thở ôxy, y tá dặn nếu rút ra thì cha sẽ chết”, chị Ngoan kể.
Chiếc xe cấp cứu đưa ông Đạo về gia đình bên ngoại vào tối mùng 4 Tết. Người thân nghe tin ông hấp hối thì tụ về chung tay lo hậu sự. Đến sáng mùng 5 (23/2), người đàn ông này có dấu hiệu hấp hối, ho nhiều, thở khó nên gia đình quyết định rút ống thở để ông bớt đau đớn. Rút xong, ông Đạo nằm bất động, hơi thở ngắt quãng và tim đập yếu dần.
Người thân dọn dẹp nhà cửa lo việc đám tang, quan tài và đội nhạc lễ cũng đã chuẩn bị. Thầy cúng được mời đến coi ngày, giờ tẩm liệm.
Nhưng đến trưa, ông Huỳnh Tấn Lộc (gọi ông Đạo bằng cậu) đến thăm, sờ lên người ông Đạo thấy vẫn còn ấm nên khuyên gia đình đưa đi bệnh viện. Nhiều người lo sợ không đồng ý, nhưng người cháu cố gắng thuyết phục vì “còn nước còn tát”.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Đạo luôn đóng kín cửa. |
Được sự giúp đỡ của nhiều người, gia đình đưa ông Đạo vào bệnh viện Quân y 120 (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị "đột qụy do nhồi máu não và viêm phổi".
Ngoài ra, người đàn ông này còn bị suy nhược cơ thể nặng do 2 ngày (mùng 4 và 5 Tết) không ăn uống. Các bác sĩ cấp cứu tích cực gần nửa ngày thì ông Đạo hồi tỉnh, qua hôm sau thì nói chuyện được. Đến ngày 6/3, bệnh nhân xuất viện, về nhà tịnh dưỡng.
“Chuyện chỉ có vậy, nhưng tin đồn lan ra, nhiều người hiếu kỳ kéo đến nhà xem rất đông. Giờ thì các xã quanh vùng đều biết chuyện ‘người chết sống lại’ của chồng tôi, đi đâu họ cũng kể lại”, bà Tuyết chia sẻ.
Bà Tuyết cho biết vợ chồng làm nông, kinh tế khó khăn. Hai tháng trước, ông Đạo phải vào bệnh viện đa khoa Tiền Giang cấp cứu vì bị bệnh tim, do vậy không làm được việc nặng. Chi phí điều trị, thuốc men cho ông những ngày qua càng khiến gia đình túng quẫn hơn.
Lúc bệnh viện trả về cho gia đình lo hậu sự, bà Tuyết phải chạy vạy khắp nơi mua quan tài, thuê nhạc lễ,... Nay chồng khỏe lại, bà muốn trả quan tài thì nơi bán đòi lấy phí 2 triệu đồng. Đội nhạc lễ thuê cũng phải bồi dưỡng vài trăm ngàn.
Hiện gia đình bà mang số nợ hơn 60 triệu đồng chi phí thuốc men cho chồng. "Chỉ cần chồng tôi khỏe mạnh thì không còn gì vui hơn nữa, tốn bao nhiêu cũng được, từ từ làm ăn trả nợ và nuôi 2 con gái đang học ngành điều dưỡng ở Sài Gòn", bà Tuyết tâm sự.