Trưa 5/5, trời Sài Gòn vẫn nắng nóng gay gắt, khó chịu. Tuy nhiên, đến khoảng 13h, mưa bất ngờ đổ xuống một số địa bàn như quận 7, 8, 4. Cơn mưa “giải nhiệt” ngày càng nặng hạt khiến nhiều người đi đường ướt sũng, nhưng vẫn vui mừng vì giải tỏa được nắng nóng hừng hực.
“Mấy ngày nay, đọc tin thấy Sài Gòn nắng nóng, tia bức xạ đã vượt ngưỡng an toàn, có nguy cơ gây bệnh ung thư nên ai cũng rất sợ. Trưa nay đi đường dù bị ướt nhưng tôi vẫn vui, mong sắp tới sẽ có thêm nhiều trận mưa để người dân yên tâm”, anh Phan Nhật Thành (23 tuổi, ngụ quận 7) cho hay.
Trong khi đó, một số địa bàn quận 5, 10, 3, 1 cũng xuất hiện mưa, tuy nhiên lượng mưa không đáng kể. Mưa kèm theo nắng khiến không khí càng thêm oi bức, khó chịu.
Ông Võ Anh Kiệt - Phó giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết đây là giai đoạn chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa. Dù nhiệt độ ban ngày rất cao, trên 38 độ C, nhưng chiều lại giảm do mưa dông.
“Những ngày tới, áp cao phía Bắc tiếp tục di chuyển xuống phía Nam sẽ làm các tỉnh thành vùng này giảm nhiệt. Do mưa dông đầu mùa nên dễ xảy ra lốc xoáy, người dân cẩn thận”, ông Kiệt khuyến cáo.
Cơn mưa nặng hạt giúp Sài Gòn "giải nhiệt". Ảnh: D.B |
Trong khi đó, chiều cùng ngày, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt có mưa khiến thời tiết mát mẻ. Có nơi mưa kéo dài suốt 2 giờ, kèm nhiều sấm sét.
Ông Nguyễn Văn Sử ở ấp Thọ Hậu, xã Phước Long (Phước Long, Bạc Liêu) cho biết, khoảng 12h, nắng nóng hầm hập khiến mọi người trong nhà nông dân 62 tuổi này phải ra vườn cây tìm bóng râm. 13h, mưa chuyển mùa bắt đầu nặng hạt, kèm sấm sét liên hồi. Đến gần 15h, vùng này mới hết mưa.
"Cơn mưa đầu tiên ở đây khiến cả xóm vui mừng như gặp được vàng. Vườn cây ăn trái, rau màu thiếu nước tưới chắc chắn sẽ xanh tốt trở lại. Nước trong vuông tôm của tôi không còn nóng hừng hực sau cơn mưa to", ông Sử chia sẻ.
Chiều cùng ngày, một phần của huyện U Minh (Cà Mau), huyện Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cũng có mưa khoảng 30 phút. Các vùng lân cận tuy chưa có mưa nhưng trời nhiều mây khiến nhiệt độ giảm nhiều so với ngày trước.
16h ngày 5/5, thiết bị đo nhiệt độ đặt trong bóng râm trước Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng (tại TP Sóc Trăng) hiển thị 33 độ C. So với 16h ngày 4/5, nhiệt độ giảm 2,5 độ C.
"Tôi chở khách đi thị xã Ngã Năm gặp mưa lớn. Huyện Thạnh Trị cạnh đó trời mát và chỉ có mưa rào. Về đến TP Sóc Trăng, thấy nhiều người mong mưa nhưng họ đều thất vọng vì mây đen kéo đến một lúc rồi bay mất. Cha tôi ở thị xã Vĩnh Châu chờ mưa hoài mà chưa thấy", ông Trần Văn Nam ở phường 1 (TP Sóc Trăng) nói.
Ba ngày trước, mưa chuyển mùa xuất hiện ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu nhưng chỉ kéo dài khoảng 20 phút và ở phạm vi hẹp.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện nay là thời điểm mưa chuyển mùa. Mùa mưa chính thức của năm nay muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-20 ngày, bắt đầu từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2016.
Cụ thể, các tỉnh ven biển phía tây (Kiên Giang, Cà Mau) và phía bắc (Miền Đông) mùa mưa đến từ 15-25/5, các khu vực còn lại từ 20-30/5. Riêng vùng ven biển các tỉnh từ Sóc Trăng đến Bà Rịa - Vũng Tàu, mùa mưa xuất hiện muộn hơn, từ 1-10/6.
Trong khi người dân đang lo ngại về tình trạng nắng nóng kéo dài dẫn đến chỉ số bức xạ tia cực tím UV vượt ngưỡng an toàn, cơn mưa vào đầu giờ chiều như giải tỏa được những nỗi lo lắng của nhiều người dân.